Nhiễu thông tin chính sách

Trước những diễn biến bất thường của nền kinh tế, cuộc họp bàn về những vấn đề vĩ mô cấp bách đã được Thường trực Chính phủ tổ chức vào tối 3-11. Tại cuộc họp này, nhiều giải pháp được đưa ra như không điều chỉnh tỷ giá, can thiệp mạnh bằng cách bán ngoại tệ để bình ổn thị trường…

Thế nhưng đến nay dường như các giải pháp này chưa phát huy được hiệu quả, thậm chí còn nảy sinh một số diễn biến phức tạp hơn. Sau vài ngày giảm nhẹ, tỷ giá VNĐ/USD đã tăng vọt lên trên 21.000 đồng/USD và đến nay vẫn tiếp tục xoay quanh mức này (khi Thường trực Chính phủ quyết định can thiệp, tỷ giá mới đang ở mức trên 20.000 đồng/USD).

Đáng lo ngại hơn là cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng thương mại. Lãi suất thị trường lúc đó đang được kéo giảm xuống mức 11%/năm, nay lãi suất huy động tiền gửi có ngân hàng niêm yết ở mức 13,5%/năm. Lãi suất huy động tăng cao cũng kéo lãi suất vay lên tới 16-18%/năm khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Còn lãi suất cho vay tiêu dùng có nơi đã áp dụng mức 20-21%/năm như thời kỳ đỉnh cao lạm phát năm 2008.

Câu hỏi  là tại sao các giải pháp đặt ra là đúng, nhưng thị trường lại có những diễn biến trái ngược? Có một điều lạ là ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - một cơ quan có chức năng chủ yếu là tư vấn, giám sát chính sách - lại được giao nhiệm vụ công bố các quyết định về tỷ giá, lãi suất. Việc này lẽ ra thuộc trách nhiệm phát ngôn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hoặc Văn phòng Chính phủ. Tại cuộc trao đổi với báo chí ngày 4-11 ở Hà Nội, ông Lê Đức Thúy mạnh mẽ tuyên bố NHNN sẽ “không điều chỉnh tỷ giá”, nhưng ông cũng nói thêm về thời gian của quyết định này là “ít nhất từ nay tới Tết Nguyên đán”.

Như vậy từ sau Tết Nguyên đán tỷ giá sẽ thế nào? Chưa ai trả lời được câu hỏi này, nhưng thực tế thông tin về khoảng thời gian “không điều chỉnh tỷ giá” đã phần nào làm phát sinh tâm lý không tin tưởng về sự ổn định của VNĐ, mà lẽ ra phải được giải tỏa.

Nhiều người còn đặt câu hỏi: Phải chăng chính vì phát ngôn của ông Thúy mà tỷ giá chưa thể hạ nhiệt, mặc dù NHNN đã bơm ngoại tệ can thiệp thị trường? Từ trước đến nay, tâm lý kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá trong nền kinh tế thường gây áp lực rất lớn tới thị trường và chính sách. Kịch bản thông thường là đẩy tỷ giá thị trường tự do lên cao, sau đó tỷ giá chính thức sẽ điều chỉnh theo. Vì vậy giới đầu cơ và những người nắm giữ ngoại tệ cố đẩy hoặc giữ tỷ giá tự do ở mức cao và trông chờ đến sau Tết... sẽ điều chỉnh!?

Bên cạnh tỷ giá, tình trạng loạn lãi suất hiện nay cũng đang khiến các nhà điều hành chính sách, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp lo ngại. Một chuyên gia từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng những diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ hiện nay không chỉ vì nhu cầu vốn cuối năm tăng cao, mà còn do nhiễu tín hiệu điều hành. Trong khi NHNN phát tín hiệu ổn định lãi suất để vừa kiềm chế lạm phát mà vẫn hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lại tuyên bố chủ trương về việc để lãi suất vận hành theo cơ chế thị trường, nói cách khác là thả nổi lãi suất.

Ông Lê Đức Thúy thông báo tiền gửi VNĐ tại các tổ chức tín dụng nửa đầu tháng 10-2010 giảm khoảng 45.000 tỷ đồng do người dân rút ra mua ngoại tệ và vàng thì NHNN lại khẳng định: Không có chuyện giảm mà trái lại tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ của người dân đến đúng thời điểm đó tăng gần 5.400 tỷ đồng. Các ngân hàng không biết đâu là tín hiệu đúng và có những cách ứng xử khác nhau. Việc cạnh tranh bằng lãi suất khiến dòng vốn hữu hạn trên thị trường chạy vòng quanh, từ nơi có lãi suất thấp sang nơi có lãi suất cao. Cuộc cạnh tranh không bình đẳng khiến ngân hàng chấp hành nghiêm túc chính sách bị thiệt thòi. Và bị ảnh hưởng hơn cả là các doanh nghiệp phải đi vay vốn lãi suất cao, thậm chí người lao động có khả năng mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất.

Với nền kinh tế đang đặt mục tiêu ổn định vĩ mô lên hàng đầu như Việt Nam hiện nay, việc thông tin minh bạch chính sách vô cùng quan trọng. Đặc biệt với thị trường tiền tệ, diễn biến giá vàng, tỷ giá… đang tác động rất lớn đến tâm lý người dân và doanh nghiệp. Việc nhiễu tín hiệu trong phát ngôn thông tin chính sách vừa qua là vấn đề cần phải nghiêm túc xem xét, khắc phục. Bởi nó mang lại hiệu ứng ngược đối với mục tiêu ổn định thị trường.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Tin cùng chuyên mục