Hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp
Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đã đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động; riêng TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước - sẽ có ít nhất 500.000 DN vào năm 2020. TPHCM sẽ triển khai chủ trương này ra sao, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với bà Trần Thị Bình Minh (ảnh), Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM, về vấn đề này.
Tiểu thương bán chạp phô tại chợ An Đông . Ảnh: Cao Thăng
Lo ngại thủ tục
* PHÓNG VIÊN: Bà có thể cho biết chủ trương chuyển đổi các hộ cá thể lên DN tại TPHCM sẽ triển khai như thế nào?
* Bà TRẦN THỊ BÌNH MINH: Với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động kinh doanh ra ngày càng minh bạch hơn, điều tiết các đơn vị kinh doanh đó bằng hệ thống biện pháp hành chính, pháp lý toàn diện và ổn định, thì việc chuyển đổi từ hình thức hộ kinh doanh thành DN là xu hướng tất yếu và rất cần thiết trong bối cảnh nước ta hiện nay. Việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN là nhằm từng bước phát triển đội ngũ DN lớn mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước và thực hiện mục tiêu đặt ra của TPHCM đến năm 2020 có ít nhất 500.000 DN hoạt động.
Hiện nay, các quận, huyện đã xây dựng kế hoạch để vận động các hộ chuyển đổi lên DN. Sở KH-ĐT cũng đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ UBND các quận, huyện trong quá trình thực hiện như soạn hồ sơ, dò tên, dò mã ngành; hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký DN tại nhà... Thời hạn giải quyết cấp giấy chứng nhận đăng ký DN chỉ trong một ngày kể từ ngày nhận hồ sơ do UBND các quận, huyện bàn giao. Tính đến nay, toàn TP đã vận động và chuyển đổi được khoảng 106 hộ thành DN.
* Liệu có những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương này?
* Qua quá trình nghiên cứu và khảo sát, chúng tôi nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc như: Hộ kinh doanh thường là dạng kinh tế gia đình, nhỏ lẻ, tự phát, không có khuynh hướng mở rộng quy mô, ngại chuyển sang DN nhằm tránh các thủ tục rườm rà, phức tạp. Hộ kinh doanh sau khi chuyển đổi thành DN, bản thân DN này sẽ là một DN non nớt, khả năng cạnh tranh không cao về lĩnh vực và quy mô so với các DN đang tồn tại. Họ có trụ lại với nghề đã gắn bó bao nhiêu năm qua hay không cũng chưa chắc, vì chưa nhìn thấy nhiều cơ hội thu lợi trong môi trường mới... Đây là những lo ngại khiến hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi sang mô hình DN. Một yếu tố khách quan khác, các hộ kinh doanh không nắm được kiến thức về Luật Doanh nghiệp và các quy định liên quan đến ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh. Khi chuyển đổi thành DN phải thay đổi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đủ điều kiện về an ninh trật tự, một số thủ tục khác…, nên các hộ kinh doanh sợ khó trong việc thực hiện thủ tục cấp đổi. Một số những quy định áp dụng bắt buộc đối với DN như vấn đề môi trường, tiếng ồn, phòng chống cháy nổ, mua bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động… nhưng lại không bắt buộc áp dụng đối với hộ kinh doanh. Điều này cũng đang là rào cản trong quá trình chuyển sang hình thức DN của hộ kinh doanh.
Được hưởng lợi nhiều hơn
* TPHCM có gần 290.000 hộ kinh doanh ở nhiều ngành hàng khác nhau. Như vậy, việc chuyển đổi sẽ được thực hiện trên diện rộng hay chỉ tập trung vào một số ngành hàng?
* Trên địa bàn TP đang có khoảng 281.309 hộ kinh doanh cá thể thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành hàng. Để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 TPHCM có 500.000 DN thì dự kiến có ít nhất 100.000 hộ kinh doanh thực hiện chuyển sang hoạt động theo hình thức DN. Như vậy, mỗi năm yêu cầu phải có bình quân 25.000 hộ chuyển đổi thành DN. Do đó, kế hoạch là không tập trung vào một số ngành hàng nhất định mà vận động, thúc đẩy trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
Sở KH-ĐT đã tham mưu UBND TPHCM về việc giao chỉ tiêu số hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo loại hình DN cho các quận, huyện; đồng thời xây dựng và trình kế hoạch để thúc đẩy, hỗ trợ cho các hộ kinh doanh. Trong đó đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền để phổ biến cho các hộ kinh doanh về những lợi ích khi chuyển sang hoạt động theo loại hình DN.
* Việc chuyển đổi sẽ mang lại lợi ích, hiệu quả gì cho Nhà nước? Tương tự, với các hộ kinh doanh sẽ được gì từ chủ trương này?
* Tôi có thể nói ngay, đối với Nhà nước, việc quản lý các vấn đề liên quan đến lao động sẽ dễ dàng thực hiện, từ đó thêm nhiều thông tin, dữ liệu cho việc phân tích, đánh giá và xây dựng chính sách; thêm cơ hội thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư do tin tưởng vào môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, việc quản lý thuế hiệu quả hơn. Ngoài ra, mục tiêu chung của việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN là nhằm từng bước phát triển đội ngũ DN nước ta từng bước lớn mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước và TPHCM nói riêng.
Đối với các hộ kinh doanh, khi chuyển đổi thành DN sẽ có được nhiều lợi ích, như hoạt động dưới tư cách pháp nhân, có con dấu riêng; có tư cách pháp nhân trong các giao dịch dân sự, thuê lao động; có quyền thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh theo quy định. Được sử dụng nhiều lao động hơn; chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trọng phạm vi vốn điều lệ của công ty; dễ tiếp cận mặt bằng sản xuất và kinh doanh; nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ các hiệp hội nghề nghiệp; tiếp cận được với các ưu đãi đầu tư từ Nhà nước; nếu kinh doanh thua lỗ thì được phép phá sản theo Luật Phá sản.
Khi hoạt động với chức năng mới, DN có thể huy động được sự tham gia góp vốn của tổ chức, cá nhân khác; dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn cho vay của ngân hàng; tiếp cận với thị trường nước ngoài một cách hợp pháp hơn. Một điểm thuận tiện khác là có hóa đơn thuế giá trị gia tăng và nộp thuế theo loại hình DN, thay vì hộ cá nhân (và Nhà nước đang có chính sách hỗ trợ thuế). Vì vậy, DN sẽ tận dụng được những ưu điểm đối với loại hình này để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh…
| |
THÚY HẢI (thực hiện)