
Dẫn tôi đi một vòng tham quan các phân xưởng, nơi mà những thiết bị, máy móc do anh thiết kế đang vận hành nhịp nhàng, anh không giấu được vẻ tự hào khi say mê kể về những công trình của mình. Anh là Phan Kim Vũ, Phó phòng Kỹ thuật Cơ điện Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn.
Biến “brồ- sua” thành máy móc!

Anh Phan Kim Vũ vận hành dây chuyền chiết rót đóng nắp nước hoa tự động.
Anh Vũ vui vẻ cho biết: Những máy móc do tôi thiết kế đều bắt nguồn từ mấy tấm brồ-sua (brochue) quảng cáo của các hãng nước ngoài. Nhưng đảm bảo là không vi phạm bản quyền đâu nhé. Sản phẩm của tôi là “made in Phan Kim Vũ” 100%.
Anh cho biết, công ty của mình nhu cầu hiện đại hóa máy móc thường xuyên, nên có không ít hãng sản xuất nước ngoài đến tiếp thị sản phẩm. Khi đó, phòng kỹ thuật cơ điện của anh Vũ luôn là những người đầu tiên nghe giới thiệu về những sản phẩm này. Nhìn phần giới thiệu chức năng, chi tiết hệ thống hoạt động các loại máy móc cơ khí in trong brồ- sua giới thiệu sản phẩm, ai cũng mê. Ấy vậy mà nghe đến giá tiền thì ai cũng ngán vì nó quá cao so với khả năng của công ty nên đành phải từ chối.
Đứng trước nhu cầu tinh giản nhân công, cải tiến hệ thống máy móc để phù hợp với quá trình phát triển của công ty, ban giám đốc đã giao cho phòng kỹ thuật cơ điện tìm cách nâng cấp máy móc. Lúc đó, ý tưởng về một loạt máy móc ập đến với anh Vũ ngay lập tức. Anh liền lôi các loại brồ- sua ra, tìm tòi từng chi tiết một, những phần nào của máy có thể thay thế bằng phụ tùng trong nước, anh cũng đem ra tính toán chi ly.
Ngoài ra, anh cũng phải quan tâm đến việc lắp ráp loại máy thật phù hợp với sản phẩm của cơ quan lẫn túi tiền của ban giám đốc! Khi những ý tưởng dần được hình thành, anh mò mẫm thêm thông tin trên mạng để bổ sung cho ý tưởng của mình. Đầu tiên là máy cắt xà bông tự động. Brồ- sua rao bán khoảng 280 triệu đồng. Anh lẩm nhẩm tính toán, mua vật liệu về lắp ghép, hoạt động thử thấy… quá thành công. So sánh giá tiền của máy “xịn”, anh thấy “choáng”: hết có 40 triệu đồng. Vậy là máy móc đưa vào vận hành trơn tru, tiền bạc tiết kiệm gấp đến mấy lần… Anh vui, ban giám đốc vui, công ty thì tiết kiệm được tiền. Anh cười: “Cả nhà đều vui là… vui rồi.”
Từ đó, những sáng kiến của anh lần lượt ra đời đều có ý tưởng xuất phát từ những tấm brồ-sua. “Người ta thiết kế được, mình cũng làm được, có thể không hoành tráng, không hiệu quả 100% như máy móc nước ngoài nhưng hiệu quả được 80, 90% và quan trọng là có giá thành rẻ hơn là được”, anh Vũ chia sẻ.
Những sáng kiến tiền tỷ

Anh Phan Kim Vũ (giữa) và các đồng nghiệp bên máy dập xà bông tự động.
Sáng kiến chế tạo máy cắt xà bông là công trình đầu tiên do anh thiết kế có hiệu quả kinh tế cao tại công ty. Được Ban Giám đốc ủng hộ, anh lại nghiên cứu cho ra đời hàng loạt những sáng kiến khác có xuất phát điểm từ những tờ brồ-sua.
Do nhu cầu sản xuất nước hoa không gas cho thị trường nội địa và xuất khẩu tăng cao mà lại không có thiết bị đóng nắp nước hoa cho loại nước hoa này nên công ty phải sản xuất thủ công- đóng bằng tay, tốn rất nhiều lao động. Việc đổi mới dây chuyền sản xuất là việc đương nhiên nhưng giá thành sản xuất loại máy này quá cao, đến hơn 1 tỷ đồng. Mặt khác, dây chuyền ngoại nhập không phù hợp với yêu cầu sản xuất thực tế của công ty do dung tích chai thủy tinh đựng nước hoa không ổn định (do các cơ sở nội địa gia công). Chính vì thế, anh em trong phòng quyết tâm lắp ráp bằng được một dây chuyền chiết rót đóng nắp nước hoa mới.
Mấy tháng ròng, anh Vũ và đồng nghiệp liên tục thay đổi các loại phụ tùng, tìm sản phẩm thích hợp với các loại chai lọ đựng nước hoa của công ty. Cuối cùng thì dây chuyền cũng ra đời với giá thành 180 triệu đồng! Những rồi lại có phát sinh mới làm toát mồ hôi những “nhà thiết kế”, khi chai nước hoa làm ra sau khi được đóng nắp tự động bị dính nhãn vào phía dưới nắp chai. Anh Vũ liền nảy ra ý lắp 1 đai bằng nhựa dính vào nhãn chai nước hoa để cố định mấy cái nhãn khó bảo này. Anh áp dụng thử và kết quả rất mỹ mãn.
Bên cạnh sáng kiến chế tạo dây chuyền chiết rót đóng nắp nước hoa tự động, anh Phan Kim Vũ còn sáng tạo ra nhiều loại máy móc khác có giá thành rẻ hơn nhiều lần so với giá ngoại nhập. Nếu tính về hiệu quả kinh tế của những loại máy móc này thì công ty đã tiết kiệm hàng tỷ đồng. Chính những công nhân trực tiếp đứng máy cũng công nhận, máy móc do anh Vũ thiết kế dễ sử dụng và an toàn hơn.
Giờ đây, để cán rồi cắt xà bông, máy làm tất thay vì dùng tay làm mọi thứ. Không còn cái cảnh anh công nhân ở phân xưởng phải thò tay vào nhặt từng cục xà bông ra mà nguy cơ bị dập ngón tay, đứt tay chảy máu diễn ra như cơm bữa như những năm trước. Với anh Phan Kim Vũ, tất cả chỉ đơn giản: “May là có ban giám đốc khuyến khích, đồng nghiệp ủng hộ và anh em công nhân cổ vũ mà các sáng kiến của tôi mới hữu dụng như vậy”.
Thạch Thảo