Hoạt động HĐND TPHCM khóa VIII đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội TP phát triển. Phạm vi, vai trò ảnh hưởng của HĐND TP ngày càng được nâng cao. HĐND TP đã đặt yêu cầu ngày càng cao đối với chính quyền về các vấn đề bức xúc dân sinh… Tuy nhiên, HĐND TP nhiệm kỳ qua vẫn còn đứng ngoài hoặc chưa sâu sát, chưa vào cuộc để làm rõ nhiều vấn đề nóng, bức xúc của người dân TP.
Chưa bắt kịp hơi thở cuộc sống
Đại biểu HĐND TPHCM Thái Tuấn Chí chất vấn tại kỳ họpẢnh: VIỆT DŨNG
Trước mỗi kỳ họp, Văn phòng HĐND TPHCM tổng hợp gần trăm ý kiến cử tri khắp 24 quận, huyện gửi đến phản ánh nhiều vấn đề trên tất cả các lĩnh vực. Ngoài những bức xúc, khó khăn, tồn tại cố hữu như ngập nước, kẹt xe… thì đặc biệt trong những năm gần đây, xã hội nổi lên các vấn đề nóng khác khiến người dân quan ngại, bức xúc, thậm chí hoang mang như: An toàn vệ sinh thực phẩm, trật tự trị an, văn minh đô thị hay các vấn đề xung quanh việc xử lý rác thải tại đô thị đông dân nhất nước này… Người dân - cử tri TP cũng đặt nhiều vấn đề khác nhằm thúc đẩy TP phát triển, như chất lượng công nghệ cao trong các ngành công nghiệp, tìm kiếm sản phẩm đặc thù cho TP, nâng cao năng lực cạnh tranh cho TP…
Tuy nhiên, nhiều vấn đề thời sự, nóng bỏng, bức xúc dân sinh ấy vẫn chưa được HĐND TP quan tâm đúng mức để vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt như yêu cầu của thực tiễn. Nhìn nhận vấn đề, dẫn chứng ở lĩnh vực y tế, đại biểu Võ Văn Sen từng bày tỏ, hầu hết các bệnh viện lớn tại TPHCM được xây từ thời Pháp. 40 năm qua, TP đã cơi nới, xây mới được bao nhiêu bệnh viện? Chưa nói, so với khu vực, nhiều bệnh hiểm nghèo chúng ta chưa có thuốc chữa trị… “Chỉ mới đi sâu vào lĩnh vực y tế thôi mà đã thấy còn nợ dân rất nhiều bức xúc”, đại biểu Võ Văn Sen tâm tư. Do vậy, nếu như thời gian qua, hoạt động của HĐND TP định hướng tập trung và công tác giám sát đeo bám quyết liệt đối với những vấn đề bức xúc trên, chắc chắn tình hình đã có những chuyển biến tích cực hơn. Ngoài ra, theo đánh giá, một số cuộc giám sát của các ban HĐND TP vẫn chưa đi vào chiều sâu, kết luận giám sát còn chung chung hay việc đôn đốc, theo dõi, giám sát thực hiện kết luận giám sát cũng chưa thường xuyên, liên tục…
Đại biểu như… người đưa thư!
Một thực tế khác, theo quan sát của một đại biểu HĐND TP, các văn bản của UBND gửi qua HĐND có quá nhiều giấy tờ, thiếu các tài liệu tóm tắt, minh họa sinh động. Trong khi máy tính xách tay được trang bị, nhưng không có phần mềm tiện ích đi kèm, nên không phát huy được tác dụng. Hơn thế nữa, nhiều tờ trình của UBND gửi qua quá trễ, dẫn đến đại biểu không có thời gian xem xét kỹ lưỡng, chưa kể không kịp tham vấn cử tri, chuyên gia và các đối tượng có liên quan. Do vậy, nhiều chương trình họp còn nặng nề, thiếu sinh động, chất lượng sử dụng thời gian chưa cao.
Một tồn tại khác, theo đại biểu Lâm Thiếu Quân, mặc dù được các đại biểu phản ánh nhiều lần nhưng đến giờ vẫn chưa có một hệ thống chung thống nhất để theo dõi việc xử lý khiếu nại, tố cáo, đề xuất, góp ý của người dân. “Các đại biểu mới làm việc giống như người đưa thư, cũng phải chờ trả lời của các cơ quan ban ngành”, ông Lâm Thiếu Quân nhận xét. Ngoài ra, qua tổng kết, chỉ có hơn 2/3 số đơn thư được trả lời chính thức, làm cho các đại biểu rất áy náy với cử tri vì không trả lời đúng hạn. Trong nhiều trường hợp, việc trả lời đơn thư cũng chỉ mới ở mức chuyển giao sang đơn vị khác phụ trách, hoặc nêu ra những khó khăn vướng mắc về chính sách trong giải quyết, chứ không nêu biện pháp giải quyết mang tính dứt điểm, khiến người dân không hài lòng với cách trả lời, lại tiếp tục gửi đơn thư khiếu nại tiếp. “Để giải quyết, tôi đã đề xuất nhiều lần, chúng ta cần có bộ máy Văn phòng HĐND phụ trách việc này, với việc triển khai phần mềm theo dõi kết quả xử lý, chủ động tập hợp, theo dõi nhắc nhở cơ quan ban ngành trả lời đúng hạn, yêu cầu các đơn vị cần giải quyết tới nơi tới chốn nếu phúc đáp của đơn vị chưa đạt yêu cầu”, đại biểu Lâm Thiếu Quân nêu ý kiến.
Khắc phục những nghị quyết không khả thi
Thống kê lại, HĐND TPHCM khóa VIII từ tháng 6-2011 đến tháng 12-2015 đã ban hành 161 nghị quyết. Các nghị quyết nhìn chung đã giải quyết được nhiều yêu cầu bức thiết của TP trong từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những nghị quyết ban hành nhưng rất chậm được triển khai. Có thể thấy rõ như Nghị quyết 08 về ban hành chính sách khuyến khích hỏa táng tại TPHCM được HĐND TP thông qua tháng 7-2013, nhưng mãi đến tháng 3-2015, UBND TP mới ban hành quyết định triển khai thực hiện. Thậm chí, có nghị quyết thiếu khả thi, không thuận lòng dân. Ví dụ như Nghị quyết số 07 năm 2012 về việc thu phí trông giữ xe trên địa bàn TP, có mức giữ xe tại các chung cư chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Cụ thể, phần diện tích hầm để xe tại các chung cư hiện nay là sở hữu chung của cư dân sinh sống tại chung cư đó. Do vậy, mức thu phí giữ xe chỉ tính đủ phục vụ hoạt động tổ chức giữ xe. Trong khi, mức giá quy định mới theo Nghị quyết HĐND TP lại tính toán theo giá thị trường kinh doanh bến bãi, cao gấp 2 - 3 lần mức giá mà các chung cư tổ chức giữ nên khiến người dân phản ứng và không thực hiện được.
Thực tế trên, trách nhiệm này cần xác định trước hết thuộc về đơn vị soạn thảo và đề xuất, tức thuộc UBND TP, khi trình dự thảo thiên về cảm tính, thiếu tư vấn đánh giá nhiều chiều về cả kinh tế và xã hội. Tiếp nữa là trách nhiệm của HĐND TP không tổng kết, kịp thời sửa sai khi những nghị quyết đó không được thực thi nghiêm túc hoặc triển khai thất bại, làm lãng phí ngân sách nhà nước, giảm lòng tin của người dân.
| |
VÂN ANH - THÁI PHƯƠNG