Nhìn lại thất bại của taekwondo Việt Nam

Trước khi môn taekwondo bước vào đấu trường Olympic, tuy luôn mong ước Lê Huỳnh Châu và Chu Hoàng Diệu Linh giành được huy chương, nhưng những người quản lý bộ môn này cũng không quá kỳ vọng vì mức đầu tư của Việt Nam còn rất thấp. Và qua 2 trận so tài của Huỳnh Châu và Diệu Linh với 2 võ sĩ của Đài Loan-Trung Quốc và Đức đã bộc lộ trình độ giữa đôi bên vẫn còn một khoảng cách về kỹ thuật, chiến thuật lẫn tâm lý thi đấu.
Nhìn lại thất bại của taekwondo Việt Nam

Trước khi môn taekwondo bước vào đấu trường Olympic, tuy luôn mong ước Lê Huỳnh Châu và Chu Hoàng Diệu Linh giành được huy chương, nhưng những người quản lý bộ môn này cũng không quá kỳ vọng vì mức đầu tư của Việt Nam còn rất thấp. Và qua 2 trận so tài của Huỳnh Châu và Diệu Linh với 2 võ sĩ của Đài Loan-Trung Quốc và Đức đã bộc lộ trình độ giữa đôi bên vẫn còn một khoảng cách về kỹ thuật, chiến thuật lẫn tâm lý thi đấu.

Trên facebook, ông Trương Ngọc Để - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam - thừa nhận: “…cho dù có chuyên gia nước ngoài và bước chuẩn bị giai đoạn cuối rất tốt (nhưng Châu) cũng không thể vượt qua rào cản quá lớn là VĐV Đài Loan mà trên thị trường cá cược ở Anh đã đặt tỷ lệ: đặt Châu 1/35… Đây là cược có tỷ lệ chênh lệch cao nhất ở vòng đấu loại hạng 58kg nam…”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lần thứ 3 liên tiếp taekwondo Việt Nam trắng tay tại đấu trường Olympic.

Huỳnh Châu (phải) trong trận thua võ sĩ Đài Loan - Trung Quốc. Ảnh: Quang Thắng

Huỳnh Châu (phải) trong trận thua võ sĩ Đài Loan - Trung Quốc. Ảnh: Quang Thắng

Về mặt khách quan, rõ ràng trong những năm gần đây, môn taekwondo ở đấu trường Olympic rất khắc nghiệt khi có nhiều nước đã tập trung đầu tư rất quyết liệt. Ngay cả Hàn Quốc - đất tổ của taekwondo - lấy trọn 4HCV ở Olympic Bắc Kinh 2008 thì năm nay (chưa tính 2 hạng cân trên 80kg nam và trên 67kg nữ) cũng đã vuột hết 1 ngôi vô địch ở hạng 58kg. Sáu HCV đã trao được chia đều cho 6 nước: Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc, VQ Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina. Mạnh và đầu tư rất lớn như Iran mà mới có được 1HCB hoặc Đài Loan-Trung Quốc cũng chỉ được 1HCĐ.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là các nước khu vực Đông Nam Á phải chịu “bó tay”, bằng chứng là Thái Lan đã đầu tư chuyên biệt và đều giành được 1 huy chương ở các kỳ Olympic 2004, 2008 và 2012 sau những chuyến tập huấn dài hạn tại Hàn Quốc.

Ở góc độ chủ quan, yếu tố con người mang tính quyết định. Một thông tin cho biết thể lực của Huỳnh Châu và Diệu Linh đều chưa đảm bảo nên khi sang Hàn Quốc tập huấn với chuyên gia, 2 võ sĩ này phải rèn luyện thêm sức mạnh chứ không hoàn toàn tập trung vào việc nâng cao kỹ thuật và chiến thuật thi đấu.

Mặt khác, đoạt được suất tham dự Olympic muộn (cuối tháng 11-2011 ở vòng tuyển chọn châu Á tại Bangkok, Thái Lan) nên thời gian tập huấn không nhiều cũng là một lý do, nhưng quan trọng hơn, taekwondo Việt Nam chưa giới thiệu được những tài năng mới có nền tảng thể lực và kỹ thuật thật tốt để từ đó gạn lọc, tập trung đầu tư, nâng tầm lên đỉnh cao. Thứ hạng thấp nên phải gặp ngay những VĐV hạt giống từ trận đầu tiên, thất bại của Huỳnh Châu và Diệu Linh cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Không thể so với điền kinh, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền… ở Olympic, nhưng Việt Nam vẫn “có cửa” ở vài môn như: cử tạ, bắn súng, taekwondo… Vấn đề còn lại là cách thức đầu tư như thế nào - tập trung cho một vài môn trọng điểm và có triển vọng hay dàn trải nhiều môn nhưng chưa mang lại hiệu quả cao.  

HOÀNG THỊNH

Tin cùng chuyên mục