Wimbledon 2007

Nhìn lại trận chung kết đơn nam: Federer - Nadal, cuộc đối đầu ngoạn mục nhất đầu thế kỷ 21 !

Lịch sử ATP lại được chứng kiến sự ra đời của một cặp “kỳ phùng địch thủ”. Đó là “Nhà vua” Federer và “Lãnh chúa” Rafael Nadal. Nếu cách đây một năm, nhiều người chưa dám khẳng định điều đó thì mọi chuyện ở hiện tại đã khác... Nadal hồi đó vẫn còn rất mang manh, đầy thất thường trên các mặt sân, ngoài mặt sân đất nện sở trường.

Nhưng giờ đây, anh đang tiến bộ từng ngày và những gì mà anh cống hiến trong trận chung kết Wimbledon 2007 tối Chủ nhật rồi cho thấy, Nadal đã thực sự xứng đáng là đối chủ của Federer - trong các cuộc “đơn đả độc đấu” ở các trận chung kết tại các kỳ Grand Slam đình đám.

Nhìn lại trận chung kết đơn nam: Federer - Nadal, cuộc đối đầu ngoạn mục nhất đầu thế kỷ 21 ! ảnh 1

Federer (trái) và Nadal sau trận chung kết Wimbledon 2007.

Đã có lúc, tưởng chừng như Nadal có thể với đến được chiến thắng. Với lối chơi tấn công đầy chủ động trong ván 2 và ván 4, Nadal cho thấy anh hoàn toàn có thể quật đổ Federer dù phải chấp nhận rời xa “lãnh địa”… sân đất nện - nơi anh đã thành danh từ 2 năm trở lại đây.

Có thể nói, nếu không “cậy nhờ” vào những quả giao bóng quá hiểm hóc (Federer sở hữu đến 24 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp, trong khi Nadal chỉ có…1), chưa chắc Federer đã giữ được “ngai vàng”.

Vậy nên, đây là trận đấu kịch tính nhất mà Federer phải trải qua tại All England Club (trong chuỗi 34 chiến thắng liên tiếp tại Wimbledon, đây là trận đầu tiên Federer phải trải qua 5 ván đấu).

Khán giả đã hoàn toàn mãn nhãn. Tốc độ trận đấu luôn được đẩy lên đến đỉnh điểm - mỗi khi Federer chấp nhận từ bỏ lối chơi cuối sân để lên lưới thường xuyên hơn và khiến Nadal bớt chủ động đi.

Trong khi đó, với những quả vụt sát thủ - đặc biệt là những quả thuận tay có đường bay chăng chéo ra sát 2 góc sân - Nadal thường khiến Federer vốn tự hào với lối chơi kỹ thuật phải di chuyển hộc tốc và… đánh hỏng bóng. Lối đánh biến hóa đầy ngạc nhiên của Nadal đã tạo ra thế “phản khách vi chủ” - khi Nadal trở thành người “điều” bóng, còn Federer buộc phải chấp nhận tung rất nhiều sức lực để đeo bóng nếu không muốn để cho… mặt sân trống trơn!

Kịch tính, kỹ thuật - đó là sự tuyệt đỉnh của thứ quần vợt đầu thế kỷ 21, thứ quần vợt được trình diễn bởi  tay vợt đang thống trị thế giới ATP - một Vua” và một “Lãnh chúa”. Hãy nhìn vào các chỉ số, bạn sẽ hiểu. Federer có đến 65 lần thắng điểm (winner), Nadal cũng có đến 50 lần - đó là những chỉ số cực kỳ cao.

Trong khi đó, Nadal lại chỉ mắc phải 24 lỗi đánh bóng hỏng so với 34 lỗi của Federer. Sự đối mặt triền miên giữa Federer và Nadal - đỉnh điểm là ở trận chung kết Wimbledon 2007 - làm cho người ta chợt nhớ lại những “chiến cuộc” dai dẳng của các “huyền thoại” hồi thế kỷ 20: như Bjorn Borg với John McEnroe hay Jimmy Connors, như Pete Sampras với Andre Agassi.

Vậy thì, hãy nghe Federer đánh giá về Nadal - đối thủ xứng đáng, đối thủ chắc chắn sẽ là “truyền kiếp” - của anh: “Nadal là một tay vợt tuyệt vời. Anh ấy đã chơi một thứ quần vợt đầy ấn tượng. Anh ấy sẽ còn tiến rất xa. Tôi cảm thấy rất hào hứng với kình địch này. Tôi đã giành được những phần thưởng của mình và phải chia sẻ cho anh ấy những phần thưởng vốn thuộc anh ấy. Chúng tôi đã cùng thống trị trên bảng xếp hạng ATP trong 100 tuần gần đây.

Điều đó đã dựng xây nên một kình địch khó chịu nhất của tôi trong những năm đầu thế kỷ 21. Với những gì đã thể hiện, công nhận rằng anh ấy đã bước khỏi ranh giới của một chuyên gia sân đất nện và trở thành một tay vợt giỏi trên mọi mặt sân. Và bởi vì anh ấy đã tiếp cận rất gần với khả năng của tôi trong trận chung kết này, tôi dám nói, anh ấy xứng đáng với một danh hiệu Wimbledon”.

Nadal sẽ cố gắng trở thành một kình địch đầy hứng khởi: “Federer đã có 11 danh hiệu Grand Slam. Tôi chỉ có 3. Nhưng tôi vẫn còn trẻ và tôi sẽ còn tiến bộ. Tôi sẽ cố gắng tiến bộ trong từng ngày. Hôm nay, tôi đã thi đấu thật khó khăn. Nhưng ở thời điểm này, điều đó hóa ra lại là rất tốt. Khi chơi một trận đấu kiểu thế này chống lại một người giỏi nhất trên mặt sân cỏ, khi chơi một trận đấu ở đẳng cấp kiểu như thế này, thật tuyệt vời”.

Dư luận sẽ còn hào hứng khi dõi theo cuộc đối đầu giữa “Vua” và “Lãnh chúa” ở US Open tới đây. Nếu tìm được một Grand Slam khác ngoài mặt sân đất nện, “Lãnh chúa” sẽ trở thành một “tiểu vương” đáng kể.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục