Nhìn thẳng để cải thiện xếp hạng cải cách hành chính

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 vừa được Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố cho thấy, TPHCM từ nhóm trung bình thấp của năm trước, nay tụt xuống nhóm thấp. Nhiều năm qua, TPHCM luôn đặt mục tiêu cải thiện các chỉ số xếp hạng cải cách hành chính, nhưng thực tế là chưa năm nào đạt được.
Người dân làm thủ tục hành chính tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Gò Vấp (TPHCM). Ảnh: CHÍ THẠCH
Người dân làm thủ tục hành chính tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Gò Vấp (TPHCM). Ảnh: CHÍ THẠCH

Người dân vẫn phải “tốn phí”

Năm 2021, UNDP tiếp tục không xếp hạng chỉ số PAPI đối với các tỉnh, thành, với phân tích rằng mỗi địa phương có quy mô và điều kiện khác nhau. PAPI được tính toán từ việc phân các tỉnh, thành phố thành 4 nhóm: nhóm cao nhất, nhóm trung bình cao, nhóm trung bình thấp và nhóm thấp nhất. Kết quả năm qua, TPHCM thuộc nhóm thấp nhất với số điểm 40,677. Dù vậy, nếu tự so sánh với các địa phương khác, thì TPHCM xếp thứ 46/60 tỉnh, thành (năm nay có 3 địa phương không được đánh giá do không đảm bảo tính tin cậy của dữ liệu - PV). 

Trong 8 chỉ số, TPHCM chỉ có chỉ số quản trị điện tử được xếp vào nhóm cao nhất cả nước. Chỉ số trách nhiệm giải trình thuộc nhóm trung bình cao. Chỉ số công khai minh bạch, cung ứng dịch vụ công được xếp vào nhóm trung bình thấp của cả nước, trong khi có tới 4 nội dung xếp ở nhóm thấp nhất. Đó là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công, quản trị môi trường. Năm qua, trừ yếu tố cung ứng dịch vụ công và quản trị môi trường tăng nhẹ, còn lại 6 yếu tố đều giảm điểm. Trong đó, giảm mạnh nhất là trách nhiệm giải trình với người dân và thủ tục hành chính công. 

Phân tích cụ thể 28 chỉ số thành phần, có thể thấy ở một số thành phần, điểm của TPHCM đạt rất thấp. Đơn cử, ở chỉ số sự tham gia của người dân, chỉ có 5,82% số người tham gia khảo sát được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện thời của địa phương. Đặc biệt, chỉ 0,98% số người cho biết, họ có dịp góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Ở chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, đáng chú ý là có tới 54,96% số người cho biết, người làm thủ tục sổ đỏ đã phải “tốn phí”. Cùng với đó, cũng có 25,03% số người trả lời là có người thân hoặc bản thân đi điều trị ở bệnh viện tuyến huyện/quận đã phải “tốn phí”.

Sở Nội vụ TPHCM đánh giá, kết quả trên cho thấy công tác quản lý, điều hành tại cấp cơ sở nói riêng và công tác quản trị các cấp nói chung còn nhiều hạn chế. Người dân chưa tiếp cận được nhiều thông tin ở cơ sở.

Nhìn thẳng vào sự thật

Trong kế hoạch cải thiện chỉ số PAPI giai đoạn 2021-2025, UBND TPHCM đặt mục tiêu chỉ số PAPI của TPHCM năm 2021 được xếp vào nhóm tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao. Năm 2022 và các năm tiếp theo, chỉ số PAPI của TPHCM được xếp vào nhóm đạt điểm cao nhất. Có thể thấy, thời gian qua, dù TPHCM có mong muốn cải thiện về xếp hạng cải cách hành chính nhưng khoảng cách đến mục tiêu vẫn còn xa vời. 

Gắn bó nhiều năm với đánh giá PAPI, TS Phạm Duy Nghĩa, Giảng viên Cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng, PAPI là chỉ số phản ánh của người dân, nên cần được chính quyền TPHCM lắng nghe và xem xét cải thiện. 

Thực tế, kết quả PAPI năm qua của TPHCM cũng phản ánh phần nào tác động của giãn cách xã hội kéo dài, khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận với chính quyền và sử dụng dịch vụ công. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích chính sách công của UNDP Đỗ Thanh Huyền cũng nhận xét, trong lúc dịch bệnh căng thẳng, TPHCM đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để tiếp cận, phục vụ và mang đến trải nghiệm tốt cho người dân. 

Theo chuyên gia Đỗ Thanh Huyền, nếu như chỉ số PCI đo lường cảm nhận của doanh nghiệp, PAR-Index coi trọng việc tự đánh giá, thì chỉ số PAPI đo lường trải nghiệm thực tế của người dân, doanh nghiệp đối với nền hành chính của mỗi tỉnh, thành. “Người dân rất công tâm trong đánh giá chính quyền. Do vậy, cùng với nhìn vào những cam kết của chính quyền thì rất nên ghi nhận những trải nghiệm thực tế của người dân”, bà Đỗ Thanh Huyền nhận xét và cho rằng, TPHCM cần nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi.

Theo chuyên gia, TPHCM cần nhìn sâu vào từng chỉ số thành phần để có bước cải thiện, chứ không phải chỉ nhìn vào thứ hạng. Chính quyền TPHCM cần ưu tiên giải quyết thực chất những vấn đề người dân ít hài lòng nhất và cũng chọn từng lĩnh vực ưu tiên để cải thiện trong từng năm. Trong đó, cần chú trọng vào một số chỉ số có dư địa lớn để cải thiện, chẳng hạn như chỉ số quản trị điện tử. Ở TPHCM, có 90,43% số người tham gia trả lời cho biết họ có kết nối Internet tại nhà. Đây là tỷ lệ cao so với nhiều địa phương, nhưng lại chỉ có 1-2% số người cho biết họ sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến khi làm thủ tục hành chính.

Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng giao Sở Nội vụ rà soát, đánh giá các giải pháp thời gian qua đã đủ quyết liệt hay chưa, từ đó đề ra các giải pháp mạnh hơn để cải thiện các chỉ số cải cách hành chính. 

KHÁNH CHÂU

--------------------

“Mệnh lệnh trái tim” và sự thức tỉnh về trách nhiệm

Chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, một lần nữa cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TPHCM đối với công tác cải cách hành chính (CCHC).

Với một siêu đô thị như TPHCM, mỗi một sự chuyển biến về thủ tục, cung cách phục vụ sẽ tác động cụ thể đến sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của riêng TPHCM mà còn đối với cả nước. Có thể xem CCHC như một cuộc “cách mạng”, cho nên muốn thành công, nhất thiết phải có sự đồng tình và ủng hộ tích cực của nhân dân. Hẳn nhiên, CCHC sẽ thất bại, nếu mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp; thậm chí là không xác định được trách nhiệm của bản thân, trách nhiệm công vụ trước những khó khăn, vướng mắc và không làm đúng những điều đáng ra phải làm. 

Hiện đại hóa, khắc phục những bất cập của nền hành chính là yêu cầu hàng đầu. Nhưng quan trọng không kém, tác động đến sự thành bại của CCHC chính là nhận thức, sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức. Để có được nhận thức và sự quyết tâm đó, ngoài những chế tài, mệnh lệnh thì điều quan trọng còn cần đến “mệnh lệnh trái tim” và sự thức tỉnh về trách nhiệm. Có như vậy, những người trong bộ máy mới đặt mình rung cảm với những bức xúc và mong mỏi của người dân, doanh nghiệp; từ đó thúc đẩy tự thân hành động phục vụ dân. 

Nhiệt huyết, sự thực tâm, chân thành của cán bộ, công chức sẽ khơi gợi được sự đồng tình của người dân, doanh nghiệp, và cũng từ đó người dân, doanh nghiệp sẽ có sự đóng góp, cộng hưởng vào sự phát triển chung. Ngược lại, nếu cải cách kiểu “nói mà (cán bộ, công chức) không làm”, hoặc “nói một đằng, làm một nẻo”, thực tế khác xa chủ trương, thì khó mà thành công, thậm chí còn làm giảm sút niềm tin của người dân và doanh nghiệp.

NGUYỄN THUẬN

Tin cùng chuyên mục