Cho đến thời điểm này, trước một sự thất bại toàn diện của đội tuyển U.23 Việt Nam tại SEA Games 26, chưa có bất kỳ vị đại diện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nào đưa ra những nhận xét, đánh giá chính thức. Họ cũng chưa một lần đưa ra bình luận mặc dù giai đoạn đầu của vòng đấu bảng SEA Games, dư luận không tha cho đội tuyển U.23 một phút nào.
Sẽ rất dễ dàng nếu chúng ta quy trách nhiệm cho HLV trưởng Falko Goetz bởi ông thầy này không để lại dấu ấn chiến thuật nào lên lối chơi. Chúng ta cũng dễ dàng phán xét thái độ chơi bóng thiếu tích cực và năng lực còn hạn chế của các cầu thủ. Tuy nhiên, những sai sót đó chỉ là hệ quả của một quá trình và người điều hành quá trình đó, không ai khác chính là VFF.
VFF có Hội đồng HLV, có ban các đội tuyển, có ông trưởng đoàn kiêm Tổng thư ký VFF đi kè kè bên đội bóng. Có cả hệ thống để gọi “phát ngôn” nhưng từ đầu giải đến giờ, chẳng thấy VFF nói gì. Trong khi đó, cần phải nhớ rằng, chính VFF là nơi đã đăng ký chỉ tiêu vào chung kết. Họ đăng ký dựa trên các đánh giá của mình về năng lực đội bóng suốt quá trình chuẩn và đầu tư. Thế nên, khi mọi thứ không đi đúng hướng, họ cần phải có câu trả lời với công chúng. Người hâm mộ có quyền được nghe giải thích. VFF có trách nhiệm phải làm điều đó.
Hãy nhìn thẳng vào sự thật. Công bằng mà nói, với một trình độ như các cầu thủ U.23 hiện nay, có HLV trưởng giỏi hơn ông Falko Goetz thì cũng khó làm điều tốt hơn. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, với trình độ cầu thủ như vậy, tại sao phải tốn đến hơn 20.000 USD mỗi tháng để trả cho một HLV ngoại khi chính các HLV nội mới phù hợp hơn? Những gì diễn ra tại SEA Games 26 cho thấy, HLV Phan Thanh Hùng hoàn toàn có thể làm tốt hơn, chí ít là tương đương kết quả mà ông Goetz đã làm.
Như vậy nguyên nhân ở đây là do lỗi mang tính hệ thống của VFF – đơn vị tổ chức điều hành nền bóng đá. Những “sản phẩm” của nền bóng đá chúng ta “sản xuất” ra đã tồi, lại cố giao cho một chuyên gia nước ngoài hòng để tìm chiếc đũa thần mà săn tìm thành tích ảo.
Thất bại tại SEA Games 26 không phải là dấu chấm hết mà chỉ là một cái tát thẳng tay vào một cách làm khuôn sáo, bảo thủ từ rất nhiều năm qua. Nó cũng chỉ là sự tiếp nối một quá trình sai lầm mang tính hệ thống mà chính các ông bầu bóng đá vừa qua đã phản ứng dữ dội VFF để đòi quyền được thay đổi cách thức điều hành những giải đấu nội địa.
VFF đã nhiều lần tuyên bố cải tổ, làm lại mỗi khi đội tuyển quốc gia gặp thất bại. Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là hô khẩu hiệu. Việc làm lại không đơn giản chỉ là tìm một HLV ngoại, chọn ra một lứa cầu thủ mới, gặt hái một chút thành tích nào đó. Không thể gọi là làm lại triệt để nếu chưa trả bóng đá về cho bóng đá, chưa nâng chất lượng giải vô địch nội địa và bỏ đi những cuộc đua thành tích hoặc những cách treo tiền thưởng để tìm kiếm danh hiệu nào đó bằng mọi giá.
Rõ ràng, điều đầu tiên phải làm là nhìn thẳng vào sự thật.
Việt Quang