“Chuyện đời quanh tôi”, “Địa chỉ cần giúp đỡ”, “Hoạt động từ thiện”, “Bạn đọc tiếp sức”… là những mục thường kỳ của trang Nhịp cầu nhân ái ra thứ hai và thứ năm hàng tuần trên Báo Sài Gòn Giải Phóng trong năm 2014. Một nửa trang báo giấy, nhưng chất chứa bao mảnh đời không may mắn và cả triệu tấm lòng nhân ái luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần bằng nghĩa tình đồng bào cao cả, để cùng mang lại cho nhau niềm vui và lòng tin yêu cuộc sống con người trong suốt một năm qua…
Những chuyện đời quanh tôi
Lớp học tình thương của chùa Huỳnh Kim (ở số 10/6A đường Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp) như một “trường tiểu học” từ lớp 1 đến lớp 5. Qua hơn 20 năm thành lập, “trường” đã mang con chữ đến cho không biết bao nhiêu trẻ em gia đình khó khăn ở quận Gò Vấp. 5 giáo viên tình nguyện đứng lớp đều là các nhà giáo đã về hưu. Nhà chùa cùng các phật tử đã góp công đức mở lớp, giúp trang thiết bị dạy học, tập sách và dụng cụ học tập… bền bỉ suốt mấy chục năm qua.
Thế nhưng, để có được một ngày vui chơi thật sự như bao trẻ thơ khác trong ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 hàng năm vẫn là niềm mơ ước bấy lâu của các em. Thấu được điều này, những người làm Báo Sài Gòn Giải Phóng đã bàn nhau tổ chức một chương trình vui chơi cho các em lớp học tình thương này trong ngày 1-6-2014. Nhìn những nụ cười tươi rói trên khuôn mặt các em, cô Ngọc Thuyên, giáo viên gắn bó lâu năm với lớp học tình thương, xúc động nói: “Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, các em được vui chơi đúng với lứa tuổi của mình. Chỉ thương một vài em chiều nay chưa bán hết vé số nên không đến được”.
Đi trên đường Phạm Hùng (phường 5, quận 8, TPHCM), ngang qua một tiệm sửa xe, chợt thấy tấm bảng ghi đậm hàng chữ “Tặng cơm cho người khuyết tật và người nghèo; nhận dạy nghề cho người khuyết tật, sửa xe miễn phí cho người khuyết tật, trà đá miễn phí”… được treo trước tiệm, chúng tôi không khỏi tò mò. Vậy là, câu chuyện về một tấm lòng lại được kể trên trang Nhịp cầu nhân ái. “Sinh ra trong gia đình nghèo khó, bữa đói nhiều hơn bữa no, nhiều năm bươn chải, ở đợ, làm mướn, đạp xích lô... Giờ đây, khi đã đủ ăn và có dư chút đỉnh, anh Nguyễn Văn Phúc (40 tuổi, thường gọi Phúc Mập, quê ở vùng sông nước Tiền Giang) càng đồng cảm và muốn chia sẻ với những mảnh đời cơ cực”… Đó là hai trong rất nhiều mẩu chuyện rất đời thường được chúng tôi kể lại trên trang báo. Thật bình dị, thật nhân ái, bởi nó không hô hào, không phô trương thành tích của riêng ai. Mục đích chúng tôi muốn thể hiện nhằm khơi rộng hơn nữa truyền thống biết yêu thương, sẻ chia, “lá lành đùm lá rách” tốt đẹp của dân tộc ta.
Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức vui chơi và tặng quà cho các em ở Lớp học tình thương chùa Huỳnh Kim, quận Gò Vấp, TPHCM, nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6-2014.
Vượt qua nghịch cảnh nhờ cộng đồng
Trong năm 2014, trang Nhịp cầu nhân ái trên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã thông tin cùng bạn đọc gần 100 mảnh đời cơ nhỡ, neo đơn, bệnh tật hiểm nghèo cần giúp đỡ và được bạn đọc góp hơn 1,6 tỷ đồng chia sẻ kịp thời. Nhờ đó, biết bao số phận đã vượt qua nghịch cảnh.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Hiền, ở Cai Lậy, Tiền Giang nhà nghèo lại mắc bệnh u não. Hàng ngày, thầy Hiền phải vừa đi dạy vừa tranh thủ bán vé số để có thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình và chữa bệnh. Nhưng bệnh tình mỗi ngày một nặng, có nguy cơ bị liệt nửa người. Gia đình khó khăn, vợ chồng thầy lại còn phải nuôi cha mẹ già gần 80 tuổi và 2 con nhỏ.
Trong lúc gia đình đang bế tắc thì hoàn cảnh của thầy được đăng lên Báo SGGP và nhận được sự chung tay góp sức kịp thời của nhiều bạn đọc và nhà hảo tâm. Có được hơn 36 triệu đồng, thầy lên TPHCM chữa bệnh. Nhờ đó, ước mơ được tiếp tục đứng trên bục giảng của thầy đã trở thành hiện thực, gặp lại những học trò thân yêu.
Trường hợp cụ bà Tiêu Thị Săn (83 tuổi, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) thật đáng thương. Cụ sống trong căn nhà chừng 15m2, trống huơ trống hoác, chiếc ván gỗ bị mối mọt ăn lỗ chỗ, tường đá ong nứt nẻ, xiêu vẹo muốn sập tới nơi... Có lẽ thứ đáng giá nhất là tấm bằng “Huân chương Kháng chiến hạng ba” của chồng là ông Võ Hùng, đã mất từ năm 1995. Trước đó 6 năm, người con trai duy nhất của ông bà đi biển bị nạn chết mất xác. Đến năm 2006, đứa cháu nội duy nhất cũng bỏ mình ngoài khơi xa.
Từ đó bà Săn sống vò võ một mình, ngày càng già yếu, sống lây lất từ tiền trợ cấp neo đơn gần 200.000 đồng/tháng. Khi được Báo SGGP thông tin kêu gọi sẻ chia của bạn đọc, nhiều tấm lòng đã đến với cụ. Nhờ đó cụ có được thêm khoản tiền để sống qua ngày; và vui hơn, nhờ thông tin này mà chính quyền xã đã giúp sửa lại căn nhà kiên cố hơn để cụ an toàn trong mùa mưa bão.
Ngoài bạn đọc trong nước, những người làm báo ở Ban Chương trình Xã hội Báo SGGP còn tiếp nhận ngày càng nhiều tấm lòng của bạn đọc là Việt kiều gửi về hoặc trực tiếp đến tòa soạn. Có một ấn tượng trong năm mà chúng tôi nhớ hoài. Sau khi đọc bài viết về hoàn cảnh thương tâm của anh Đinh Văn Đào (ở huyện Đức Hòa, Long An) bị phỏng nặng vì che lửa cứu con trên Báo SGGP điện tử, một Việt kiều ở Mỹ (xin không nêu tên) đã gửi 10.000 USD nhờ người thân trực tiếp mang đến bệnh viện giúp anh Đào chữa trị. Những người Việt ở xa quê hương đã nhiều năm, mặc dù bận rộn với công việc mưu sinh nhưng lòng vẫn luôn hướng về quê hương ruột thịt, đặc biệt là những mảnh đời bất hạnh được phản ánh trên trang Nhịp cầu nhân ái của báo.
Có thể thấy, những phận người, những mảnh đời bất hạnh khi nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của xã hội, họ giúp có thêm động lực vượt qua nỗi đau để tiếp tục gầy dựng lại cuộc sống tốt hơn. Bước vào năm 2015, Báo Sài Gòn Giải Phóng tiếp tục cải tiến trang Nhịp cầu nhân ái để trang báo thật sự là nhịp cầu nối những tấm lòng đến với tấm lòng. Ước mơ của những nhà báo thực hiện trang chuyên đề này là ngày càng vơi đi những mảnh đời bất hạnh, những số phận không may mắn.
Mong sao có một ngày, trái tim yêu thương, sẻ chia của những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm sẽ đập những nhịp thật yên bình. Để cuộc sống quanh ta sẽ không còn nhìn thấy cảnh khổ đau, vụn vỡ của bao thân phận con người…
| |
KIỀU PHAN