Nhìn mấy vết nứt trên bức tường và trên cây trụ đỡ gác lửng, bà N.T.H. (ngụ phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) bực bội lắm. Đang yên đang lành, bỗng dưng nhà kế bên xây thêm lên làm ảnh hưởng nhà bà. Đã vậy, bà phàn nàn thì hàng xóm cho bên thi công sửa một cách qua quýt, nên bà quyết phải làm cho ra lẽ. Trong khi đó, bà P.N.T. - chủ nhà bên cạnh - cũng không chịu thua. Bà nghĩ đã cho người khắc phục xong, tường nhà bà H. bị nứt chưa chắc do việc nhà mình xây dựng mà ra, nếu bà H. không chịu thì có quyền kiện ra tòa.
Giải lý, hòa tình
Sự việc được bà H. trình bày với tổ hòa giải của tổ dân phố. Tìm hiểu ngọn ngành sự việc, tổ trưởng tổ hòa giải cùng tổ quản lý trật tự đô thị phường đến gặp bà T. giải thích: Trong giấy phép xây dựng đã ghi rõ khi xây dựng không được làm ảnh hưởng đến công trình xây dựng liền kề, nếu để ảnh hưởng thì phải giải quyết xong mới được xây dựng tiếp. Nay nhà bà H. bị nứt do nhà bà T. xây dựng là có thật, theo quy định tại Bộ luật Dân sự thì đây là trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Do vậy, sửa chữa những chỗ bị nứt đúng theo yêu cầu của bên bị thiệt hại là việc vừa đúng lý vừa vẹn tình. Tiếp đó, tổ trưởng tổ hòa giải lại sang nhà bà H. trò chuyện, phân tích đây là chuyện không ai muốn, nên nghĩ đến tình cảm xóm giềng mà bỏ qua cho nhau. Nghe theo sự phân tích, bà T. cho thay cây trụ sắt nguyên, không hàn nối để cặp với cây trụ của bức tường và xây lại, sơn nước cho bức tường trong nhà bà H. được chắc chắn, thẩm mỹ. Vụ việc đã được giải quyết êm thấm, hai bên không còn hiềm khích, trở lại vui vẻ như xưa.
Kiến thức pháp luật và kỹ năng xử lý tình huống của các hòa giải viên cơ sở được nâng cao thông qua cuộc thi hòa giải viên giỏi
19 giờ, tiếng cãi vã ồn ào từ căn nhà trên đường Lý Nam Đế (phường 7, quận 11) giữa bà L.P.M. và con dâu D.N.B. lôi kéo sự quan tâm của hàng xóm vốn đang chuẩn bị nghỉ ngơi sau một ngày lao động. Đỉnh điểm của trận cãi nhau là bà M. đòi đuổi con dâu ra khỏi nhà. Lập tức các cô chú trong tổ hòa giải đến, nghe các bên kể nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn. Theo trình bày, cả gia đình 6 người ở trong căn nhà chật, ngang 2,5m, dài 4m, chia làm hai gác nhỏ. Bực bội vì cháu nội chưa ngoan, nghịch phá, đồ đạc để bừa bộn nên vợ chồng bà M. la cháu, chị B. bênh vực con, cãi lại nên xích mích. Biết ngọn ngành sự việc, tổ hòa giải phân tích do cách sống khác nhau, cha mẹ chồng nên thông cảm, cố gắng khuyên nhủ con dâu, tránh lớn tiếng và đuổi con dâu ra ngoài. Đối với các cháu nhỏ, ông bà cũng cần chung tay phối hợp với cha mẹ các cháu dạy bảo, khuyên nhủ nhỏ nhẹ chứ không quát mắng. Về phần chị B., tổ hòa giải khuyên chị cần sắp xếp đồ đạc gọn gàng, chọn giờ giấc cho các cháu chơi để không phiền ông bà lớn tuổi, bị bệnh tim nặng cần được nghỉ ngơi; đồng thời giải thích con cái cần hiếu thảo, dù bị hiểu lầm cũng không nên to tiếng với cha mẹ mà lựa lời giải thích. Sau khi thông hiểu nhau, quan hệ giữa cha mẹ chồng và con dâu đã thuận hòa, êm ấm.
Dập “lửa” bằng uy tín
Trên đây là hai trong số rất nhiều vụ mâu thuẫn được tổ hòa giải tại các tổ dân phố hóa giải thành công. TPHCM là địa phương được đánh giá thực hiện công tác hòa giải thành tại cơ sở khá tốt. Trong 6 tháng đầu năm 2016, 24 quận, huyện trên địa bàn TP tiếp nhận hòa giải 1.233 vụ việc, trong đó đã hòa giải thành 821 vụ việc, nhiều nhất là tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự. Nhiều vụ việc căng thẳng đến mức tưởng chỉ có thể gặp nhau ở tòa mới phân định được, nhưng chỉ sau vài lần trò chuyện, bằng sự kiên nhẫn và khéo léo, các hòa giải viên đã dập được “lửa”; qua đó giúp hàn gắn tình cảm gia đình, khôi phục mối quan hệ xóm giềng, giữ gìn trật tự an ninh tại khu dân cư, đồng thời góp phần tuyên truyền pháp luật đến người dân.
Kinh nghiệm từ những vụ hòa giải thành cho thấy, để thuyết phục được các bên, người hòa giải phải là những người có đạo đức, uy tín trong cộng đồng dân cư, có kinh nghiệm trong cuộc sống đời thường và đồng thời có kiến thức pháp luật để phân tích, giải thích đúng, sai cho các bên. Khi có mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh, hòa giải viên phải tích cực, chủ động có mặt để nhanh chóng tiếp cận vụ việc, ngăn chặn kịp thời những hành vi sai trái, bạo lực có thể xảy ra. Ngoài ra, thái độ khách quan khi nhìn nhận sự việc và thực hiện hòa giải cũng là một yêu cầu rất quan trọng; bởi hòa giải là công việc phân giải theo lẽ phải, nếu thiếu khách quan sẽ dẫn đến sự nghi ngờ và dễ làm phát sinh những mâu thuẫn mới.
Tuy nhiên, tỷ lệ hòa giải thành vẫn chưa đạt kết quả tốt nhất như mong muốn. Theo một số trưởng phòng tư pháp quận, huyện, thực tế có sự chưa đồng đều về năng lực, trình độ của hòa giải viên, trong khi phạm vi hòa giải lại rộng, đã hạn chế chất lượng công tác hòa giải. Bên cạnh đó, quy định về thủ tục, hồ sơ công nhận kết thúc vụ việc hòa giải (là cơ sở để chi trả kinh phí cho tổ hòa giải) còn phức tạp, dẫn đến phần nào ảnh hưởng đến nhiệt huyết của người làm công tác hòa giải. Khi những khó khăn này được khắc phục thì hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở sẽ được nâng cao.
ÁI CHÂN