Đã cuối năm, hết mùa mưa, thời tiết trở nên hanh khô và nắng nóng. Cô Năm (ảnh) không ngủ được. Ở tuổi 95, giấc ngủ thật ngắn để nhường cho những nỗi nhớ và suy tư trăn trở thật dài, lòng Cô thấy bồn chồn, thắc thỏm. Cô nhớ về những mảnh đời khốn khó ở An Tịch, Châu Thành, Sa Đéc (nay là Đồng Tháp) - quê hương bốn mùa sen nở nơi Cô đã sinh ra; Cô nhớ các mẹ, các dì ở Vĩnh Long những ngày Cô là Tỉnh ủy viên, phụ trách dân vận, Hội trưởng Hội phụ nữ tỉnh; rồi Cô lại nhớ những người bạn tù ở nhà tù Phú Lợi - nơi Cô đã chứng kiến cuộc thảm sát hung tàn vào một ngày tháng 11 năm 1958…Và nỗi nhớ của Cô cũng không nguôi khi trở về với bà con nghèo ở quận 3, nơi Cô là Bí thư Ban cán sự Đảng ngay sau ngày giải phóng miền Nam, rồi nhiều năm làm Bí thư quận ủy và gắn bó cho đến tận bây giờ.
Cô thấy như mình đang nợ tất cả những nơi Cô đã từng gắn bó công tác, từng chở che cho Cô hoạt động cách mạng, từng giúp Cô vượt qua bao hiểm nguy trong kháng chiến. Cô cảm thấy thắt lòng khi nghe về những mảnh đời vẫn còn biết bao khốn khó ở đây. Cô muốn đến với họ thật nhiều, muốn làm thật nhiều như một sự tri ân. Có mấy ai biết được rằng gần tuổi 95 mà trong những năm gần đây, Cô đã ngược xuôi vận động được hơn 1 tỷ đồng để xây dựng 41 căn nhà tình nghĩa, tình thương và 5 cây cầu nông thôn cho các vùng của quê hương Vĩnh Long, Đồng Tháp. Trước giờ lâm chung, Cô vẫn còn lo 2 căn nhà chưa xong thủ tục. Cô mong muốn bà con sớm có nhà để vui đón tết. Cô đã mang lại niềm vui cho những mảnh đời kém may mắn và vui với niềm vui ấy đến phút cuối cùng - 12 giờ 15 phút ngày 18-11-2014.
Gần 70 năm về trước, vào tháng 3-1945, trước khí thế sôi sục của những ngày đầu khởi nghĩa, với làn sóng đấu tranh cuồn cuộn dâng trào, cô giáo Võ Thị Vị, với tên gọi quen thuộc thân thương là Võ Thị Việt, Năm Việt đã thoát ly gia đình, tham gia công tác tuyên truyền vận động nhân dân chống Nhật - Pháp.
Kể từ ngày ấy, cô Năm Việt đã gắn trọn đời mình cho lý tưởng cộng sản, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Những năm tháng thanh xuân của Cô đã trôi qua cùng với trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó, Cô đã vượt qua bao gian nan, thử thách, bao khốc liệt của hai cuộc chiến tranh; những ngày tháng bị đày ải trong nhà tù của giặc với bao nhục hình tra tấn vẫn không khuất phục được người nữ đảng viên cộng sản kiên trung, bất khuất. Những ngày đầu giải phóng, được phân công về tiếp quản quận 3, Cô đã cùng đồng đội bắt tay vào nhiệm vụ mới, một cuộc chiến đấu mới - cuộc chiến tuy không có tiếng súng nhưng lại đầy ắp những khó khăn, bộn bề của đất nước, của thành phố, của một quận trung tâm sau chiến tranh.
Với vai trò của một người đứng mũi chịu sào, Cô đã không quản ngày đêm, không nề gian khổ, lo toan từ việc nhỏ nhất để chung tay xây dựng quận 3 ngày càng phát triển đi lên. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng sự kiên định lập trường, sự tận tụy hết mình, sự quảng đại bao dung nơi Cô luôn hiện diện. Đến lúc nghỉ hưu, Cô vẫn chưa chịu ngơi nghỉ. Cô tiếp tục tìm thấy niềm vui trong các hoạt động, công tác của địa phương. Không chỉ bà con phường 4, nơi Cô sống mà tất cả các phường trong quận 3 luôn nhớ hình ảnh cô Năm Việt thật chân thành và gần gũi, miệng nói, tay làm, gương mẫu đi đầu trong phong trào của địa phương, luôn miệt mài dõi theo từng bước đi của thế hệ con cháu, bằng tấm lòng của một người bà, người mẹ mà cuộc đời riêng đã dành trọn cho cuộc đời chung. Và hôm nay, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta tiễn biệt cô giáo Võ Thị Vị, cô giáo của vùng quê nghèo về chốn vĩnh hằng.
Với Cô, hạnh phúc là sự dâng hiến cho đời, cho người tất cả những gì tốt đẹp nhất mà mình có. Cô thường tự bạch:
“Giã biệt trần gian chẳng thẹn lòng
Tình nhà nợ nước nhiệm tròn xong
Tiêu diêu siêu thoát hồn trinh bạch
Cỡi hạc quy về với Tổ tông”.
Và thực sự, Cô đã vui, rất vui vì Cô đã sống và tâm niệm “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Đó chính là niềm hạnh phúc của “một đóa sen nở giữa đời thường”, một con người mà cả cuộc đời “không gợn chút riêng tư”, đã tìm thấy niềm vui vô bờ khi hiến dâng cho Tổ quốc, cho nhân dân tất cả cuộc đời mình!
THÂN THỊ THƯ