Nhớ mãi những kỷ niệm với anh Bảy Phan Huỳnh Điểu

Buổi sáng 18-5-1970, tại một binh trạm trên đường Trường Sơn, bỗng ở lưng chừng đồi có ai đó gọi tên tôi. Thật không ngờ, đó là anh Bảy Phan Huỳnh Điểu! Anh kể lại: Mình tới binh trạm nghe nói có nhạc sĩ miền Bắc vô, mừng quá, đi tìm luôn. Cháu giao liên nói: Cháu không biết tên, ông ấy dong dỏng cao, viết bài hát “Chim kêu” gì đó! Mình reo lên, đúng Lư Nhất Vũ rồi!
Nhớ mãi những kỷ niệm với anh Bảy Phan Huỳnh Điểu

Buổi sáng 18-5-1970, tại một binh trạm trên đường Trường Sơn, bỗng ở lưng chừng đồi có ai đó gọi tên tôi. Thật không ngờ, đó là anh Bảy Phan Huỳnh Điểu! Anh kể lại: Mình tới binh trạm nghe nói có nhạc sĩ miền Bắc vô, mừng quá, đi tìm luôn. Cháu giao liên nói: Cháu không biết tên, ông ấy dong dỏng cao, viết bài hát “Chim kêu” gì đó! Mình reo lên, đúng Lư Nhất Vũ rồi!

Sau một bữa cơm dã chiến bên bờ suối, chúng tôi bịn rịn chia tay. Tôi biếu anh Bảy tờ giấy 10 đồng để anh tiêu vặt trên đường ra Bắc và tặng anh Bảy một bánh xà phòng Ngọc Lan, nhớ một thời ở Hà Nội. Anh Phan Huỳnh Điểu trên đường ra Bắc viết tiếp bài ca Bóng cây Kơnia, còn tôi tiếp tục cuộc hành quân về chiến trường Nam bộ. Hai anh em chúng tôi đang đổi ca trong cuộc chiến tranh này.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

Sau 5 năm, chúng tôi gặp nhau giữa Sài Gòn giải phóng. Anh Bảy vào Sài Gòn ngày 1-5-1975, sau ngày đại thắng chỉ mới 24 tiếng đồng hồ. Và từ đó anh trở thành công dân TPHCM. Bấy giờ, ngành Âm nhạc Giải phóng đóng quân tại 43 Nguyễn Thông, quận 3, là nơi hội tụ, gặp gỡ, hàn huyên của giới nhạc sĩ cả nước. Trong mấy chục năm qua, Hội Âm nhạc TPHCM và Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế. Đi bất cứ nơi nào, cực nhọc đến mấy, anh Bảy đều hăng hái tham dự. Trong va li anh Bảy toàn là những “đồ chơi” tỉ mỉ, tẳn mẳn: có cái bàn ủi bé tí tẹo bằng cái lá mít, có đồ nấu nước để mỗi buổi sáng pha cà phê sữa hòa tan, có máy nghe nhạc và mấy cái đĩa CD. Chỉ có anh Bảy là chủ nhân cái máy chụp hình hàng hiệu Nikon với các phụ tùng lỉnh kỉnh như phóng viên bóng đá.

Nhớ một đêm ở khách sạn Bạch Đằng, bên bờ sông Hàn (Đà Nẵng), anh bùi ngùi kể chuyện về người Mẹ mà anh đã viết trong cuốn Nhạc và Đời (do NXB Hậu Giang in năm 1989): Lúc sinh thời, Má tôi có giọng hát ru con rất hay. Tôi được nghe tiếng hát đó từ lúc lên bảy tuổi. Giọng hát của Má tôi rất tình cảm, không vút cao cũng không lắng trầm. Cứ bình bình lên xuống uyển chuyển, đều đều nhưng sâu đậm dễ cuốn hút người nghe. Tiếng hát ru của Má đã thấm vào tâm hồn tôi từ thuở bé thơ. Chính giọng hát đó đã từ từ dẫn dắt tôi từ những bước đi chập chững vào con đường yêu âm nhạc, cho đến lúc trở thành nhạc sĩ ở tuổi mười chín, hai mươi. Chính Má tôi mới là người thầy đầu tiên dạy cho tôi những nốt nhạc vỡ lòng đậm đà màu sắc dân tộc...

Những năm 1945 - 1946, tôi được chín, mười tuổi thì đã nghe các anh Thanh niên Tiền phong ở tỉnh Thủ Dầu Một, vừa đi vừa hát vang: Đoàn Giải phóng quân một lần ra đi. Là có sá chi đâu ngày trở về... Bọn nhóc chúng tôi bám theo đoàn người cũng bắt chước hát theo.

Trải qua mấy chục năm, anh Bảy Phan Huỳnh Điểu và tôi thường đi thực tế đều được ở chung một phòng, tôi tò mò hỏi anh Bảy về tiền bản quyền bài hát Giải phóng quân. Anh Bảy cho biết: “Năm 1946, mình cầm bài hát Giải phóng quân ra Huế để tìm nhà xuất bản nào đó in giùm. Mãi đến xế chiều, mình đi về đường Gia Long, thấy có một cửa hiệu bán văn phòng phẩm trông có vẻ bề thế. Người chủ hiệu là ông Tăng Duyệt đồng ý in 2.000 bản và trả tiền nhuận bút là tám trăm đồng bạc Cụ Hồ. Mình đang ở trong giấc mơ nào chăng? Mặt mày mình lúc đó trông chắc ngớ ngẩn buồn cười lắm vì quá sung sướng. Cơm tháng bình dân năm đó mình ăn chỉ có mười hai đồng. Với số tiền này, mình có thể ăn cơm bình dân được hơn 5 năm. Mình liền mua cây đàn ghi ta hết tám chục đồng. Còn hơn bảy trăm đồng, cầm về đưa cho Má. Má nhìn ngạc nhiên, nghi vấn:

- Ai mua bài hát làm gì? Đờn địch mà cũng có tiền à? Có đúng là tiền của con hay con phỉnh Má?

Không ai tin mình có số tiền lớn như vậy, cũng như không tin mình lại có thể sáng tác được một bài hát phổ biến rộng rãi như vậy” .

Thế hệ nhạc sĩ chúng tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào có những người anh khả kính, luôn luôn thương yêu, chăm sóc, động viên và ủng hộ đàn em trong công việc sưu tầm và sáng tác. Chúng tôi mãi biết ơn các anh: Lưu Hữu Phước, Tô Vũ, Trần Kiết Tường, Phan Huỳnh Điểu, Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Nhật Lai...

Trong lời giới thiệu cuốn Dân ca Sông Bé (1991), anh Bảy Phan Huỳnh Điểu rất tâm đắc: Mặc dù tôi là dân xứ Quảng, nhưng qua tập “Dân ca Sông Bé”, tôi đã đem lòng vấn vương, thương cảm tỉnh này. Điều kỳ diệu của dân ca là như vậy đó!

Trước đó mấy năm, “lòng vấn vương thương cảm” ấy đã được thể hiện một cách mùi mẫn trong ca khúc Sông Bé đêm ngát hương của anh. Anh kể: Cuối những năm sáu mươi, ở chiến trường Liên Khu 5, một buổi chiều đi cõng gạo về căn cứ bỗng nghe tiếng hát của một chiến sĩ trong đoàn quân từ miền Bắc vào: “Ở tận sông Hồng em có biết? Quê hương anh cũng có dòng sông”… Đó là bài hát “Vàm Cỏ Đông”, thơ Hoài Vũ, Trương Quang Lục phổ nhạc. Mặc dù chưa một lần tới Long An và chưa hề thấy hai con sông Vàm Cỏ, nhưng tôi bắt đầu cảm thấy mình đã kết duyên gắn bó với mảnh đất Long An này rồi! Và những ngày đầu miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi mới có dịp quen biết nhà thơ Hoài Vũ và phổ nhạc ngay bài thơ “Miền hạ”, tức bài “Anh ở đầu sông, em cuối sông”.

Năm 2003, chúng tôi mời anh Bảy viết lời giới thiệu cho cuốn Dân ca Long An. Anh ghi nhận: Không riêng cá nhân tôi mà tôi tin tất cả bà con Long An không thể không thích thú và cảm ơn những người đã có công đi sưu tầm và ghi chép lại những câu dân ca quý báu trong quyển sách này.

Trong khi có người không tán thành đặt lời mới trên các làn điệu dân ca, thì anh Bảy lên tiếng: Nhờ những lời ca mới làm chiếc cầu nối cho những điệu dân ca xa xưa đi đến gần gũi và thân thiết hơn với những con người chúng ta hôm nay. Và chắc chắn chúng ta sẽ tự hào và yêu mến ông bà, tổ tiên cũng như quê hương đất nước ta nhiều hơn. Đó cũng là một việc làm có ý nghĩa.

*

Mấy chục năm qua, cùng “sát cánh” bên nhau, có biết bao kỷ niệm với anh Bảy Phan Huỳnh Điểu, mà trong bài viết này, làm sao kể hết được.

Tôi nhớ vào tháng 3-2010, Đoàn nhạc sĩ Việt Nam đi Trung Quốc. Buổi chiều ở Bắc Kinh chúng tôi đi tham quan Vạn Lý Trường Thành. Ngoài trời đang là 50C. Ai ai cũng đều mệt lả, mồm nhả ra khói, mình mẩy toát mồ hôi, đầu gối dường như bị... lỏng. Dù ở tuổi 86, nhưng anh Bảy gân cốt vẫn còn cứng cáp, sức lực vẫn còn dẻo dai. Anh Bảy đã lên đến tận tháp canh một cách ngoạn mục!

Hai anh em cùng tuổi Tý. Anh Bảy sinh năm Giáp Tý (1924) còn tôi sinh năm Bính Tý (l936). Hai người cách nhau một con Giáp, cùng có chung đêm ca nhạc giao lưu vào ngày 26-10-2009 với chủ đề Quê hương và Tình yêu, do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức.

Từ tháng 6-2011, gia đình tôi rời khỏi lầu 6 chung cư, từ giã Sài Gòn và chưa lần nào gặp lại anh Bảy. Cứ đến ngày 11-11 hàng năm, chúng tôi không quên gởi lời chúc mừng ông anh mạnh giỏi, sống lâu. Dù ở cách xa hàng trăm cây số, vẫn cảm thấy gần gũi hơn lúc nào hết.

Phan Thiết, tháng 9-2014

LƯ NHẤT VŨ
(Mừng sinh nhật lần thứ 90, 11-11-2014)

Tin cùng chuyên mục