Phượng đã thôi khoác trên mình chiếc áo mùa rực lửa, ve chẳng còn gọi hè trên những tán cây cành lá. Chào hạ! Lá rơi, thu về. Chiếc trống trường bừng tỉnh sau giấc ngủ say. Trong từng mái trường, lớp học, không khí nô đùa, cười nói giòn tan đã trở lại. Một năm học mới bắt đầu. Chợt lòng nó quặn thắt nhớ ba.
Ba nó, một người nông dân chân chất, thật thà, yêu thương con hết mực. Mỗi một năm học trôi qua, để chị em nó được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa là thêm một lần ba nó phải gồng mình bởi những khó khăn, vất vả nơi chốn quê nghèo. Nó thương ba lắm nhưng chẳng biết làm sao để đổi thay. Thi thoảng, nó buồn và chỉ biết lẩm bẩm: “Thôi thì, mình cố gắng học giỏi vậy!”. Thêm một mùa tựu trường nữa, nhìn các em học sinh đón chào năm học mới mà lòng nó bùi ngùi khôn tả.
Nó còn nhớ như in những năm tháng học trò ấy. Những ngày nắng gắt làm người ta như muốn “nhá đom đóm” mỗi khi ra đường là những lần ba đội chiếc nón cời hì hục vượt mấy cây số đi đón nó giữa trưa, mồ hôi đẫm ướt vai gầy. Hay cái thuở con đường làng bị ngập chìm trong nước lũ, ba để nó ngồi lên chiếc xe đạp cũ dắt đến trường mà nước cứ đưa tới, đẩy lui làm nó run rẩy.
Ngày ấy, nó oán trách mưa nhiều dữ lắm! Nhưng, mưa có lớn đến đâu, ba nó chưa bao giờ để nó nghỉ một buổi học. Và mỗi ngày, giữa khoảng nước trắng xóa, nó lại lén ngước mặt lên, đưa đôi mắt thơ ngây nhìn ba trên con đường đến lớp. Suốt một thời áo trắng đến trường, nó luôn là một trong những học sinh đứng đầu trường, lớp. Mỗi khi nó đạt được một danh hiệu hơn bạn bè, nhìn ánh mắt ngời bừng hạnh phúc của ba, nó sướng vô ngần.
Còn nhớ ngày tựu trường năm lớp 8, nghe thầy Tổng phụ trách Đội thông báo kết quả Cuộc thi Viết thư UPU (cuộc thi viết thư quốc tế dành cho thiếu nhi dưới 15 tuổi) lần thứ 33, nó mừng rơn bởi cả huyện chỉ có mình nó đoạt giải. Hình ảnh người cha giữa trưa nắng như đổ lửa, vừa ngoài đồng về, vui mà quên đói, đạp xe đi hỏi lại các thầy cho “chắc ăn” sẽ chẳng phai nhòa trong ký ức của nó.
Khó khăn, nhưng nhớ lời ba, nó luôn cố gắng không ngừng. Giờ đây, chị em nó lần lượt vào đại học, nỗi vất vả của ba càng tăng lên gấp bội. Mẹ nó chẳng làm được việc nặng bởi căn bệnh tê nhức đeo đuổi quanh năm. Việc đồng áng nặng nhọc đè nặng lên vai ba. Nhà nó đã nghèo, ba nó lại là thương binh. Mưa nắng tảo tần, hình ảnh người ba kính yêu cũng khác dần theo năm tháng. Nhiều lần hiếm hoi vượt hàng trăm cây số về thăm nhà là những lần cổ họng nó nghẹn đắng lại. Đôi mắt ba sâu hóm, khuôn mặt rám nắng hốc hác, hai vai gầy hao và mái tóc đen nhánh ngày nào giờ đã điểm bạc. Nó nhìn vóc dáng ba mà quặn lòng, xót xa đến lạ!
Tháng Chín, nhìn sự hối hả đón chào năm học mới ở chốn Sài thành, lòng nó dâng tràn biết bao nỗi nhớ. Nó nhớ những nỗi nhọc nhằn, lam lũ của ba mà chợt thấy cay cay ở mắt. Nó cũng nhớ cả những trăn trở, mong muốn, quyết tâm của một người nông dân, người lính Cụ Hồ rằng dù có khó khăn đến đâu cũng nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn. Nó muốn lắm, muốn gánh bớt nỗi cơ cực của ba, muốn ba thôi đừng gầy guộc nữa… Dường như, nó cũng muốn hét thật to câu gì đó như một lời hứa với ba trước thềm năm học mới trong niềm tức tưởi vỡ òa…
Lê Thị Thoa
(SV Đại học KHXH-NV TPHCM)