Nhớ quá phà ơi!

Rồi cái ngày trọng đại thông xe hầm Thủ Thiêm cũng đã đến. Cùng sự hân hoan của người dân hai bờ Đông Tây của con sông Sài Gòn, cũng còn đó những hoài niệm của những con người, đã gắn bó cả đời với chiếc ghe, bến phà giữa hai bờ Bạch Đằng và Cây Bàng - Thủ Thiêm. Với rất nhiều đổi thay, rất diệu kỳ...
Nhớ quá phà ơi!

Rồi cái ngày trọng đại thông xe hầm Thủ Thiêm cũng đã đến. Cùng sự hân hoan của người dân hai bờ Đông Tây của con sông Sài Gòn, cũng còn đó những hoài niệm của những con người, đã gắn bó cả đời với chiếc ghe, bến phà giữa hai bờ Bạch Đằng và Cây Bàng - Thủ Thiêm. Với rất nhiều đổi thay, rất diệu kỳ...

Người Sài Gòn có lẽ không ai không nhớ hình ảnh những chiếc ghe chèo tay hoặc gắn máy “đuôi tôm” lạch xạch, đưa đón khách qua lại từ bến Bạch Đằng (quận 1) sang bến Cây Bàng (Thủ Thiêm, nay là quận 2). Có lẽ, đây là hình ảnh sơ khai nhất của những chuyến phà chạy bằng động cơ diesel sau này. Hình ảnh thân thương đó đã được dân gian “kể” bằng bài ca dao: Chừng nào Chợ Lớn hết vôi/Nước Nam hết giặc, anh thôi đưa đò/Bắp non mà nước lửa lò/Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.

Câu hò dân gian này có từ bao giờ? Cụ Nguyễn Văn Du, 85 tuổi (trước đây ngụ ở số 318 đường Ven Sông, phường An Lợi Đông), “sống đời ở kiếp” tại bến đò Cây Bàng này, cũng không trả lời được. Chỉ biết, từ tấm bé, cụ đã nghe các bà, các má chèo ghe đưa đón khách qua sông, hò câu này theo từng nhịp dầm đưa. Những ngẫm cũng “linh” quá chứ. Chỉ hơn chục năm sau, khi “Nước Nam hết giặc”, cả nước liền một dải non sông, thì “anh đã thôi đưa đò”. Con đò Thủ Thiêm chính thức đi vào dĩ vãng, nhường vai trò lịch sử cho những chuyến phà.

Phà Thủ Thiêm trước ngày thông tuyến hầm Thủ Thiêm. Ảnh: TUẤN VƯƠNG

Phà Thủ Thiêm trước ngày thông tuyến hầm Thủ Thiêm. Ảnh: TUẤN VƯƠNG

Hoài niệm về những chuyến ghe sang ngang miệt mài đưa khách qua lại hai bờ sông Sài Gòn, chị Châu Tú, ngụ cùng xóm với cụ Du, nay đã 58 tuổi, “mòn đời chèo ghe”, man mác: “Giờ nhìn cái miệng hầm Thủ Thiêm bên này (quận 2) mà nhớ quá bến Cây Bàng. Dân chèo đò ở đây kể cũng lạ, khách qua đò chỉ một lần thôi mà dân chèo đò nhớ mãi. Lần thứ hai bước xuống là khỏi cần hỏi, cứ chèo một lèo, bảo đảm đến “y chóc” nơi khách đã lên lần trước”.

Cụ Du còn kể, người dân ấp Cây Bàng chủ yếu sống bằng nghề chèo ghe, đưa khách sang sông. Còn thì buôn bán lặt vặt ven sông, trên sông, thu nhập chỉ vừa đủ kiếm cái ăn qua ngày. Còn xa nữa, vùng này là vùng bưng trũng, mênh mang sông nước, cỏ lác, dừa nước mọc ken dày. Vùng này cũng có nhiều cây bàng to nên riết dân gọi thành địa danh. Vùng này, với địa hình phức tạp nên dân tứ xứ tụ về, từ thời Pháp. Qua thời Mỹ, dân chạy giặc tụ về đây ngày càng nhiều nên mới hình thành một địa bàn dân cư rộng như bây giờ. Đất này xưa là đất dữ, nhiều dân “anh chị” tụ tập về đây, phân chia “lãnh địa” để kiếm ăn.

Trong hồi ức của dân Sài Gòn trước và sau năm 1975, đây là vùng đất của dân đâm thuê chém mướn, mại dâm và “nhảy tàu”. Hồi đó, chỉ những ai trót dại mới dám chiều tối ra bến Bạch Đằng hóng gió. Chỉ chút sơ sẩy là bị móc túi, giựt dây chuyền, giỏ xách mà chẳng biết làm gì. Dân giựt đồ ở đây đều là dân “người nhái”. Giựt xong, nhảy ùm xuống sông là coi như thoát, chẳng có ai mà đuổi theo. Nếu có liều đuổi, thì “người nhái” lặn một hơi, bám vào các lườn tàu lớn, sà lan hoặc dưới các cầu tàu thì vô phương tìm kiếm. Hoặc lặn một hơi ra giữa sông Sài Gòn rồi “tà tà” bơi như đi dạo, chẳng ai có đủ can đảm để bơi theo, chỉ biết đứng nhìn.

Dân “nhảy tàu” cũng lắm ngón nghề. Người thì chèo ghe, bám tàu mua dầu cặn, dầu diesel về tái chế hoặc bán chợ đen. Người bám tàu mua (hoặc đổi) hàng nhu yếu phẩm (thuốc lá, đường, sữa, vải, xà bông...) với các tàu nước ngoài mới cập cảng Sài Gòn. Còn có đội quân “chị em nhảy tàu” phục vụ nhu cầu “vui vẻ” với thủy thủ tàu viễn dương nước ngoài... Thôi thì đủ loại hình thức và dịch vụ ăn theo hai bờ sông Sài Gòn ở khu vực này.

Nhưng đáng kể nhất là năm nào cũng có 5 - 7 vụ tai nạn do các loại ghe chở khách va phải sà lan, tàu lớn. Phần nhiều là có thiệt hại về người vì sông lớn, không phải ai cũng biết bơi. Mà có biết bơi cũng chết, vì đuối sức, vì nước chảy quá xiết. Tình hình an ninh trật tự, tai nạn đường thủy giữa hai bến Bạch Đằng và Cây Bàng quá phức tạp, gây nhiều bức xúc cho người dân. Đến khoảng năm 1985, TPHCM cấm hẳn các bến đò này hoạt động. Lực lượng công an truy quét mạnh các băng nhóm, tên tuổi giang hồ cộm cán, hàng loạt dân anh chị sa lưới... An ninh trật tự và mỹ quan đô thị đã được trả lại vẻ đẹp và an bình bên bến Bạch Đằng từ đó.

Cụ Du cũng cho biết, thật ra phà Thủ Thiêm đã có trước năm 1975 nhưng chạy rất chập chờn vì: “Đây là hai phà nhỏ, loại một chân vịt, 20 tấn do hãng Caric (Pháp) đóng từ năm 1965, đánh số 1, 2 (sau này bổ sung thêm chiếc số 3). Phà chạy thường xuyên chết máy giữa sông Sài Gòn, phải điều ca nô ra kéo vào. Người ta ớn không dám đi nữa”.

Sau năm 1975, hai chiếc phà cùng bến phà Thủ Thiêm bị hư hỏng nặng. Kiếm phụ tùng thay thế rất nhiêu khê và đắt tiền. Hơn nữa hồi đó giá dầu rất mắc và lượng dầu cung cấp cũng không ổn định, vì phải ưu tiên cho nhiều lĩnh vực công nghiệp, sản xuất khác nên hai chiếc phà này đành phải “nằm bờ”. Việc đưa đón khách, chuyên chở hàng hóa giữa hai bờ sông Sài Gòn chưa phải là ưu tiên cao.

Đến giữa và cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, sau khi cấm hẳn những chuyến đò ngang và vùng bán đảo Thủ Thiêm bỗng trỗi dậy theo đà phát triển kinh tế, dịch vụ chung của TP, các chiếc phà nối giữa hai bờ sông Sài Gòn trở thành tuyến giao thông huyết mạch kể từ bến Tân Thuận, dài xuống Khánh Hội, Hàm Tử, Chương Dương... để qua bên kia sông Sài Gòn. Khách và lượng hàng hóa tăng vọt.

Vào những ngày lễ, tết... phà Thủ Thiêm luôn kẹt phà, có khi phải chờ cả giờ. Tình thế buộc TP phải nâng cao năng lực vận chuyển từ bến Bạch Đằng qua bờ Thủ Thiêm. Lần lượt những chiếc phà 60 tấn được “phiên chế” về bến Thủ Thiêm, đánh số hiệu A, B, C, D. Với “quân số” chính thức 7 chiếc phà, bến phà Thủ Thiêm chính thức mang tên Công ty TNHH MTV Công trình quản lý cầu phà TPHCM, hoạt động 24/24.

Cụ Du và chị Tú bảo mình tiếp tục đổi đời vì đã một lần phơi phới đi bộ qua cầu Thủ Thiêm, nối quận Bình Thạnh với đường Lương Định Của (quận 2). Lần này, mặc dù tuổi cũng gần về với “ông bà” nhưng cụ Du rất háo hức: “Cả đời đã đi trên sông, rồi cũng đã qua cây cầu cách đây hơn 3 năm. Bây giờ “chui” xuống lòng sông Sài Gòn, đi qua đi lại, không còn gì để tiếc nuối cuộc đời này nữa. Chỉ vài ba chục năm mà TP mình thay đổi quá xá”.

Anh thợ máy phà Trần Quang Đăng, 55 tuổi, có 36 năm qua lại hai bờ sông Sài Gòn, vui lắm, dù có một chút gì gờn gợn: “Mình đưa đón khách cả vạn lần trên mặt sông này rồi. Giờ “đi xuống dưới” một lần cho nó đã, nhưng thú thật mình vẫn nhớ tiếng còi phà hụ ngân dài trên mặt sông khi đón và đưa khách”. Nhớ, nhớ quá, tiếng phà, hơi khói, tiếng người lên xuống lao xao, nó đã nằm trong máu anh rồi.

Anh nhớ rất nhiều phận người đã từng qua lại trên chiếc phà của anh. Nhỏ có, già có, người còn người mất. Người lụn bại thất bát, người trưởng thành giỏi giang, thành “ông nọ bà kia”, anh nhớ hết. Anh nhớ, thằng nhỏ tiểu học tít bên quận 8. Tóc nó đỏ phèn, ngày ngày vẫn qua phà của anh. Tay nó cầm một ổ bánh mì “héo queo”, một cuốn tập.

Rồi nó vào cấp hai, cũng vậy, chỉ khác nó đeo thêm chiếc khăn quàng đỏ, quần xà lỏn, hai cẳng chân khẳng khiu, mốc cời. Cấp ba, nó chững chạc hẳn, “áo bỏ vô thùng” đàng hoàng, giọng vỡ ồm ồm nhưng chăm chỉ lắm. Rồi vô đại học, anh quên bẵng nó đi, lớn quá rồi, như bao thanh niên khác qua phà mỗi ngày. Bỗng một ngày, nó cùng ba má “chơi” com-lê hẳn hòi, cùng mấy đứa bạn đồng lứa xuống phà, trịnh trọng, tay bưng quả. À, tụi nó đi rước dâu. Chở nhà trai, rước nhà gái về cũng trên chiếc phà này, anh Đăng bỗng thấy mình già. Thằng nhỏ giờ đã có gia thất, vậy là mình cỡ “nội, ngoại” rồi còn gì.

Đây đâu phải riêng nỗi niềm chỉ riêng của ai. Phà Thủ Thiêm đã thành ký ức, nỗi nhớ và hình ảnh không nguôi ngoai của bao thế hệ người Sài Gòn. Từ biết bao giờ, đâu phải ngẫu nhiên mà người ta lại có câu ca dao: “Sài Gòn có bến Chương Dương/Có dinh Độc Lập, có đường Tự Do/Có Chợ Quán, có Cầu Kho/Bến xe Lục tỉnh, bến đò Thủ Thiêm”.

Hiện thực, nhưng rất khái quát và giàu hình ảnh, chứng tỏ dân Sài Gòn đã khắc ghi hình ảnh bến đò/phà Thủ Thiêm. Chắc, đó cũng là lý do mà TPHCM đã quyết định, những người dân đầu tiên đi qua hầm Thủ Thiêm trong ngày thông hầm sẽ là những người dân của chợ Thủ Thiêm, bến Cây Bàng, phường An Lợi Đông và nhiều người dân nữa, đã “gật” ngay từ khi nhà nước có chủ trương, giải tỏa, xây dựng hầm ngầm Thủ Thiêm, vượt sông Sài Gòn.

Và ký ức phà cũng sẽ còn đó, khi TP cũng đang nghiên cứu phương án, một vài chiếc phà Thủ Thiêm và bến của nó thành bến thủy nội địa, phục vụ khách du lịch. Để rồi, người dân Sài Gòn, khách du lịch trong và ngoài nước chắc cũng sẽ còn có dịp, chiều chiều ra hứng gió, ngắm sông Sài Gòn và nghe tiếng còi phà hú dài, loang loáng lan xa theo mặt nước sông. 

BẢO QUỲNH

Tin cùng chuyên mục