Tối nay 31-8, Trường THPT Sơn Mỹ (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) – nơi tôi từng học cách đây hàng chục năm, tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ giữa cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh cùng các cựu học sinh của trường.
Đây cũng là một trong những hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường (1-9-1985 / 1-9-2015). Dịp này, trường cũng sẽ vinh dự được trao tặng Huân chương lao động hạng ba… Tuy hôm nay tôi không thể sắp xếp được hết công việc ở TPHCM để về trường chia sẻ niềm vui, lời chúc mừng các thầy cô nhưng trong lòng lại bỗng dâng trào những cảm xúc nhớ trường quê đến khó tả.
Trường THPT Sơn Mỹ huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi
Người ta thường nói nhớ đến quê hương là nhớ đến cây đa, bến nước, sân đình nhưng đối với tôi quê hương còn là hình ảnh của những ngôi trường thời thơ ấu. Một trong những ngôi trường mà tuổi thơ tôi đã đi qua với biết bao kỷ niệm, hoài bão và ước mơ, đó chính là Trường THPT Sơn Mỹ (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).
Chẳng biết từ khi nào mà cái vùng miền Trung nắng gió này lại có quan niệm “cái chữ” là quan trọng nhất, nhà có thể nghèo tiền nghèo bạc một chút nhưng con cái phải học hành thành đạt thì nhà ấy mới được xem là có phước, được thiên hạ trọng vọng. Và đương nhiên, dù có điều kiện hay không thì các bậc phụ huynh cũng phải ráng cho con học hết cấp III rồi thi đại học, cao đẳng, trung cấp. Nhưng để cho con cái thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng… các bậc phụ huynh phải chọn cho con mình được học ở những ngôi trường THPT danh giá, với thầy cô giỏi, trường lớp đầy đủ tiện nghi.
Nhà tôi nằm ở đoạn giữa đường lên trường của huyện và Trường THPT Sơn Mỹ nằm sát về phía biển. Tôi còn nhớ, gần đến kỳ nộp hồ sơ năm học 1986-1987, nhà tôi có nhiều khách đến chơi, họ là phụ huynh của đám bạn cùng trang lứa, là bạn bè của ba má tôi nhưng có con học lớp 9 giống tôi, họ bàn luận với ba má tôi đủ điều về chuyện cho chúng tôi học trường nào là tốt nhất. Nhiều người đã chọn cho con đi lên trường huyện học vì họ cho rằng: được đi đường nhựa, được học thầy cô giỏi, trường lớp tiện nghi hơn. Thế nhưng, ba má tôi lại quyết định để tôi đi xuống học ở Trường THPT Sơn Mỹ và bản thân tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình lại thích cái tên Sơn Mỹ.
Thời ấy, thi đậu vào cấp III là đã mừng lắm rồi, thường thì nhà nào sau khi con cái thi đậu cũng mổ heo ăn mừng, hoặc làm mâm cơm cúng ông bà, mời khách khứa đến ăn tiệc, nhà tôi cũng không ngoại lệ. Thời gian cảm xúc háo hức vì được “trưởng thành”, vì được học trường mới trong tôi đã nhanh chóng “lụi tàn” bởi biết bao gian nan phía trước. Từ nhà đến trường chừng khoảng chưa đầy 10 cây số, đoạn đầu là đường đá (đường nhựa trước năm 1975 nhưng bị mưa lũ làm lộ đá xanh, sỏi…) phần còn lại gần như toàn là đất đỏ.
Vào mùa mưa, ôi thôi đây là con đường thật khủng khiếp đối với chúng tôi. Trên xe mỗi người đều có một cây tre nhỏ, cứ đi một đoạn khi đất đỏ dính chặt vào bánh xe chúng tôi phải dừng lại lấy cây cạy, chọt cho hết đất dính rồi lại đi tiếp, rồi cứ vài chục mét lại cũng phải dừng xe để làm việc này, nhiều khi không đi được vì xe bị dính đất quá nhiều, ai nấy đều phải vác xe lên vai mà cuốc bộ. Nhiều khi bước vào đến lớp, trên người đứa nào đứa nấy toàn màu đỏ quạch mặc dù đồng phục của trường là áo trắng. Trên xe thường cũng có cục đá nhỏ vừa để chiêm yên xe cho khỏi sụp (vì đường đầy “ổ voi, ổ gà” thì lò xo nào chịu được), vừa dùng nó để gõ vào líp xe mỗi khi “con chó” không chịu nhảy nữa… Thời ấy, nhà nào có xe đạp cho con đi học đã là khá giả. Tôi chưa có xe đạp riêng nên ba tôi đã sửa chiếc xe cũ - chiếc xe mi ni mà con trai khi ngồi trên xe cứ thấp hơn con gái, để tôi đến trường với chúng bạn. Lâu lâu chị gái tôi có việc sử dụng xe, tôi lại phải tận dụng chiếc xe thồ của ba - có lúc ba vừa đi thồ lúa, thồ… phân bò để bón cho ruộng lúa về, là tôi nhảy lên xe đi ngay nên nhiều khi đi trên xe mà vẫn có… mùi của ruộng đồng và đương nhiên trên chiếc xe cũng có luôn cả cái tay lái được nối thêm một khúc cây dài để tiện cho việc thồ. Những ngày không có chiếc xe đạp nào, tôi phải thức dậy lúc 4 giờ sáng, ăn vội cơm nguội rồi tôi “ba chân bốn cẳng” chạy băng qua núi để kịp đến trường.
Cái cảnh đi học sao mà khổ quá, nhiều người hoặc cho con chuyển lên trường huyện, hoặc cho con nghỉ học, nhưng riêng tôi thì cho dù thế nào cũng dứt khoát không bỏ buổi học nào trừ khi đau ốm, vì ở đó có rất nhiều thầy cô đang chờ chúng tôi đến với tất cả tấm lòng. Có thầy cô từ nơi xa chuyển tới, cũng có một số thầy cô ở các thôn, xã lân cận…, cho nên nếu chúng tôi đi học cực một thì chắc thầy cô cũng khổ mười. Ở cái thời buổi thiếu thốn đủ thứ, nên có thầy cô vừa về trường công tác vài tháng (vì nhiều lý do) đã bỏ trường, bỏ chúng tôi mà đi, nhưng may cũng là đa số thầy cô vẫn bám trường cho đến ngày hôm nay. Cái nghèo, cái khổ vẫn không thể thắng cái tình thương của thầy cô dành cho chúng tôi, vì thế từ ngôi trường ấy bạn bè chúng tôi đã cùng nhau học tập chăm chỉ để có được tương lai tươi sáng như hôm nay.
Giờ đây, ở giữa chốn phồn hoa, ở nơi đất lành TPHCM, nhớ về trường quê, tôi lại thầm nghĩ: “Cho dù mai sau thế nào nhưng trong tôi vẫn không thể nào quên những đêm trực trường, những buổi cắm trại ở bãi biển Mỹ Khê, những ngày lao động tập thể… và cả những lúc bị giám thị mời lên phòng hiệu trưởng “uống nước trà” vì “trò” nghịch phá thời học sinh”. Trên đường đời, đôi khi vì mãi lo cho cuộc sống, chạy theo tiền tài, danh vọng, chúng tôi vô tình quên đi các thầy cô, những người “đưa đò” đã cho chúng tôi kiến thức để vào đời không hỗ thẹn. Xin cảm ơn, cảm ơn các thầy cô đã cho tôi vốn kiến thức, cuộc sống được như ngày hôm nay. Tôi nguyện sống sao cho xứng đáng với những gì đã được thầy cô truyền dạy, với truyền thống của Trường THPT Sơn Mỹ, ngôi trường mà nhiều lần tôi đã tự hào khoe với bạn bè khắp nơi trong những lần tham gia hội thảo quốc tế!
Thạc sĩ - đạo diễn HOÀNG DUẨN
(Huỳnh Công Duẩn, Cựu học sinh Trường THPT Sơn Mỹ)