Nhớ Tư lệnh I4 Trần Hải Phụng và đồng đội

Đã hơn 40 năm trôi qua, những người cựu chiến binh I4 (Sài Gòn - Gia Định) mới có dịp trở lại thăm chiến trường xưa tại vùng đất Mỏ Cày, Bến Tre - nơi Bộ Tư lệnh I4 đóng quân và hoạt động trong những năm 1969, 1970.
Nhớ Tư lệnh I4 Trần Hải Phụng và đồng đội

Đã hơn 40 năm trôi qua, những người cựu chiến binh I4 (Sài Gòn - Gia Định) mới có dịp trở lại thăm chiến trường xưa tại vùng đất Mỏ Cày, Bến Tre - nơi Bộ Tư lệnh I4 đóng quân và hoạt động trong những năm 1969, 1970.

Ban Chỉ huy Quân sự Tiền phương Sài Gòn - Gia Định (1961 - 1972) (người đứng giữa là Tư lệnh Trần Hải Phụng).

1. Lúc đó, sau tổng tiến công năm Mậu Thân, địch phản kích dữ dội, các cơ sở cách mạng nội thành bị lộ, địch đánh phá gần thành như vùng trắng. Do vậy, Bộ Tư lệnh tiền phương Sài Gòn - Gia Định dời xuống Mỏ Cày, Bến Tre, gồm Tư lệnh Trần Hải Phụng, Tham mưu trưởng Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu) cùng các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần và một đơn vị vệ binh đủ sức bảo vệ cho hoạt động của Bộ Tư lệnh. Đơn vị đóng quân tại ấp Phước Lý, xã Phước Mỹ Trung và mở rộng ra vùng chợ Ba Vát qua bên kia Thành An, Giồng Keo… Bên kia xã Thạnh Ngãi là căn cứ của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Các đồng chí Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ và Trần Bạch Đằng ở cách đó không xa để tiện sự liên lạc và chỉ đạo của Thành ủy lúc bấy giờ. Khi ấy chúng tôi đóng quân trong các ngôi nhà của dân giữa những cánh rừng dừa bạt ngàn của vùng đất quê hương Đồng Khởi, được nhân dân yêu thương đùm bọc, che chở, nên giữa năm 1970 địch đánh phá ác liệt nhưng các lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định vẫn bám trụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Giờ đây, trên mảnh đất này, khi chúng tôi vừa đặt chân tới trụ sở Ủy ban nhân dân xã Phước Mỹ Trung đã được rất đông bà con ấp Phước Lý ra đón, trong đó có ông Nguyễn Văn Lý - Bí thư chi bộ ấp, ông Phạm Văn Tươi - Trưởng ấp, ông Trần Văn Bằng - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp…Vẫn là những cái bắt tay thân thiện nồng ấm, chân tình và cởi mở của người dân quê như những năm xưa, khiến chúng tôi thấy ấm lòng.

Sau vài phút thăm hỏi và giới thiệu về sự phát triển của địa phương, các đồng chí đưa chúng tôi đi thăm lại các căn cứ ngày xưa. Những con đường đất nhỏ hẹp, những cây cầu khỉ năm xưa không còn nữa, thay vào đó là những con đường trải bê tông và những cây cầu bê tông rộng rãi núp dưới bóng dừa xanh mát, gợi nhớ trong chúng tôi về bao kỷ niệm về một thời chiến đấu gian khổ, hy sinh.

2. Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là nơi ở và làm việc của Tư lệnh Trần Hải Phụng. Ngôi nhà và cái hầm kèo không còn nữa, chỉ còn lại hàng gạch nhỏ của bờ tường nhô lên trên nền đất rêu phong. Đồng chí Phạm Duy Lâm, người cận vệ của tướng Trần Hải Phụng năm xưa, kể lại rằng: Tại nơi này gần nửa thế kỷ trước (1969 - 1970) đã hình thành tất cả những chỉ thị, mật lệnh, những phương án tác chiến của lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định, đặc biệt là việc phát triển, gây dựng lại cơ sở nội thành. Từ những vùng trắng sau Mậu Thân 1968, đến cuối năm 1969, đầu 1970, hầu hết các cơ sở nội thành gần như được phủ kín trở lại và tiếp tục hoạt động đánh địch ngay giữa lòng thành phố Sài Gòn, trong đó nổi bật là các trận đánh ở Trường Tiểu học Bàn Cờ (bắn súng cối 60 ly vào biệt khu thủ đô) và trận tấn công lính Đại Hàn ở đường Nguyễn Văn Thoại… (nửa cuối năm 1969) góp phần nhanh chóng buộc Mỹ - ngụy phải ký kết Hiệp định Paris năm 1973.

Ngoài việc chỉ huy đánh giặc giỏi, Tư lệnh Trần Hải Phụng luôn sống gần gũi thân tình với cán bộ chiến sĩ và nhân dân địa phương, được bà con Bến Tre yêu mến tin cậy và gửi con em vào đơn vị công tác và chiến đấu. Vì thế, lúc mới xuống đây, mỗi cơ quan đơn vị chỉ có mấy chục người, đến cuối năm 1970 khi rút đi, đơn vị nào cũng đầy ắp những người lính mới là con em của quê hương Bến Tre. Trong chuyến trở lại chiến trường xưa này còn có anh Phan Xuân Biên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, hồi ấy là thư ký riêng của ông Trần Hải Phụng.

Trong niềm vui ngày gặp lại, chúng tôi còn có cả nỗi buồn bởi nhớ thương những đồng đội đã mãi mãi nằm lại đất này. Vào tháng 3 - 1970, địch đã phát hiện lực lượng bộ đội chủ lực của ta xuống đồng bằng nên chúng huy động một lực lượng lớn gồm các đơn vị của Trung đoàn 10, Sư đoàn 7 và các Tiểu đoàn 507, 509… của Tiểu khu Kiến Hòa mở đợt đánh lớn vào vùng Mỏ Cày. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt tại bìa ấp Phước Lý và trên cây cầu Cá Trê, tại đây ta đẩy lui hơn hai tiểu đoàn địch và diệt nhiều tên, chúng phải điều trực thăng đến chở xác lính, nhưng phía ta hy sinh hơn chục chiến sĩ, trong đó có: Giáp Văn Hạ, Trần Văn Huyền, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Văn Trung và y tá của cơ quan là Nguyễn Văn Thọ… Trong trận này, địch càn vào ấp và bắt được Nguyễn Thị Phương, thư ký đánh máy cho Tư lệnh Trần Hải Phụng tại nhà bà Mười (nay bà đã mất), con trai bà là ông Sáu Bê hiện vẫn sống tại căn nhà cũ. Lúc đó Phương mới 16 tuổi, giặc trấn nước và đánh đập rất dã man, nhưng Phương nhất định không khai báo mà nhận bà Mười là bà ngoại của Phương. Nhưng chúng vẫn bắt Phương đi. Sau khi không khai thác được gì, ngày hôm sau chúng phải thả Phương ra, Phương lại trở về đơn vị hoạt động. Điều quan trọng là căn cứ không bị lộ và Bộ Tư lệnh không phải di dời và tiếp tục hoạt động. Ngày hôm nay đứng trên mảnh đất này, cô bé Phương năm xưa (nay đã là bà nội) kể lại chuyện cũ trong niềm rưng rưng xúc động.

3. Cũng tại nơi này, trong một trận càn vào tháng 4-1970, địch lại tấn công vào ấp Phước Lý. Trung đội bảo vệ vòng ngoài bị tróc công sự, chiến sĩ Hùng hy sinh, địch thọc sâu vào căn cứ. Lúc ấy tôi là trợ lý tuyên huấn, vừa cất giấu tài liệu xong, tôi leo lên cây quan sát, đã nghe đạn bắn vèo vèo dưới gốc cây. Tôi vội tụt xuống và thấy bên kia bụi tầm vông một tên lính ngụy đang cầm khẩu súng AR15 tiến tới, nhưng hắn không thấy tôi. Vì bảo toàn lực lượng và tài liệu, nên tôi không nổ súng. Tôi kéo Đinh Văn Niềm lúc ấy là trợ lý văn phòng chạy theo hướng bờ sông Cát Lở, lội sông qua Thành An. Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ, không biết sức mạnh từ đâu mà tôi vừa lội sông mà vẫn mang được khẩu súng AK qua sông Cát Lở rộng mênh mông trong làn nước chảy xiết. Nhiều lúc khẩu súng nhấn chìm tôi, nhưng tôi lại cố ngoi lên và cứ như thế tôi và Đinh Văn Niềm qua sông an toàn cùng khẩu súng AK, vũ khí chiến đấu của người lính ngoài mặt trận. Giờ đây, đứng trên bờ sông Cát Lở mênh mông, tôi bồi hồi nhớ về những kỷ niệm xa xưa và lặng lẽ nhớ thương bao đồng đội đã mãi mãi nằm lại đất này. Và tất cả những người cựu chiến binh chúng tôi về đây hôm nay đều có nguyện vọng muốn xây dựng một bia tưởng niệm để ghi lại dấu ấn một thời của căn cứ Bộ Tư lệnh I4 về vị tư lệnh thân yêu của mình và các anh hùng liệt sĩ của đơn vị đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên vùng đất Phước Lý, xã Phước Mỹ Trung và trên vùng đất Mỏ Cày… Nguyện vọng ấy được các đồng chí địa phương vui mừng đón nhận. Đặc biệt, người cháu của ông Năm Triệu, hiện là Trưởng ấp Phước Lý - người có mảnh vườn và căn nhà xưa là nơi Bộ Chỉ huy I4 ở và làm việc - rất vui và sẵn sàng hiến đất để xây dựng bia tưởng niệm. Tôi xúc động nắm tay Phan Văn Tươi nói lời cảm ơn chính quyền và nhân dân Phước Lý ngày xưa đã bao bọc, che chở, giúp đỡ bộ đội đánh giặc, ngày nay lại tiếp tục tạo mọi điều kiện tốt nhất để chúng tôi đạt được tâm nguyện của mình. Cũng tại đây tôi gặp được người đồng đội là Nguyễn Vũ Hoàng quê ấp Phước Hậu, xã Phước Mỹ Trung. Hoàng gia nhập bộ đội đầu năm 1970 và được phân về làm bảo vệ cho Tư lệnh Trần Hải Phụng. Hoàng cũng tham gia nhiều trận đánh chống càn và chứng kiến các đồng đội chiến đấu hy sinh anh dũng. Sau khi đơn vị rút đi, Hoàng còn ở lại thu gom vũ khí đạn dược, trong đó có 4 hầm thuốc nổ C4 với gần một tấn thuốc nổ và nhiều vũ khí khác bàn giao cho đường dây vận chuyển về căn cứ mới an toàn.

4. Buổi trưa, đoàn chúng tôi về nhà người đồng đội là Nguyễn Văn On, cũng người Phước Mỹ Trung, đã về nghỉ hưu. Bữa cơm “dưa mắm” đạm bạc, nhưng ấm tình đồng đội. Cả gia đình anh On đón tiếp chúng tôi bằng tình thân của những người đi xa trở về nhà bao nghĩa bao tình, bao câu chuyện cảm động dâng trào nước mắt.

Tạm biệt gia đình anh On, tạm biệt nhân dân ấp Phước Lý, xã Phước Mỹ Trung, đoàn chúng tôi trở về thành phố và hẹn ngày gặp lại không xa trong những cái bắt tay nồng ấm, những cái vẫy tay không dứt… Trên đường về, chúng tôi ghé thăm Khu di tích lịch sử Thành ủy Sài Gòn - Gia Định cách đó không xa. Tại đây, chúng tôi tham quan di tích, những hình ảnh về các vị lãnh đạo Thành ủy lúc bấy giờ như các đồng chí Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Trần Bạch Đằng… càng thêm hiểu và khâm phục tài năng kiệt xuất và công lao to lớn của các ông đối với quân và dân Sài Gòn - Gia Định nói riêng, với nhân dân miền Nam nói chung. Và tôi lại nhớ tới câu thơ của đồng chí Bí thư Thành ủy Trần Bạch Đằng viết trong những năm 1969 - 1970 …“Ước gì có được viên nguyên soái”… và thực sự các ông đã có được “viên nguyên soái”. Đó là Tư lệnh Trần Hải Phụng, người thực hiện xuất sắc sự chỉ đạo của Thành ủy và cũng là người đề xuất, hoạch định các chiến lược, chiến thuật quân sự và chỉ huy tác chiến, góp phần làm nên thắng lợi của nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ hy sinh gian khổ, ác liệt và bảo vệ thành phố sau ngày giải phóng.

Nhớ Tư lệnh I4 Trần Hải Phụng và đồng đội ảnh 2

Ngày 25-4-2015, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 771/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Thiếu tướng Trần Hải Phụng, nguyên Tư lệnh Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định. Chiều ngày 5-6-2015, nhân kỷ niệm 104 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Thành ủy - Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã long trọng tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu AHLLVT cho Thiếu tướng Trần Hải Phụng và các đồng chí khác.

Xuân Hòa

Tin cùng chuyên mục