Nhóm iCMS thừa nhận xây dựng sản phẩm từ phần mềm mẫu CMS.NET

Nhóm iCMS thừa nhận xây dựng sản phẩm từ phần mềm mẫu CMS.NET

Từ đầu tuần đến nay, những thông tin về một số website, trong đó có www.tintucvietnam.com bị hacker tấn công làm tê liệt với mục đích tố cáo những dấu hiệu gian lận trong cuộc thi Sáng tạo phần mềm Trí tuệ Việt Nam – TTVN lần thứ 4 và thứ 5 (2003 và 2004) đã khiến cho dư luận xôn xao, đặc biệt là giới trẻ làm công nghệ thông tin. Quan trọng hơn, những thông tin đó đang dần được khẳng định.

  • Trường hợp nhóm iCMS

Thực ra, việc khiếu nại về tính “giá trị” và sự “sáng tạo” của phần mềm iCMS đã diễn ra ngay trước khi Ban Tổ chức Cuộc thi TTVN 2003 trao giải nhất cho sản phẩm này. Tuy nhiên những thông tin đó đã không được lưu ý. Mãi đến mấy hôm vừa rồi, khi những người xưng là “Liên minh Hackers Việt Nam”, liên tiếp tấn công các website sử dụng phần mềm iCMS và kêu gọi tìm lại công lý cho giới CNTT Việt Nam, thì vấn đề này mới thực sự được quan tâm.

Nhóm iCMS thừa nhận xây dựng sản phẩm từ phần mềm mẫu CMS.NET ảnh 1

Một đêm trao giải TTVN.

Trước đó, ngày 30-11, trả lời báo chí, Vương Vũ Thắng và nhóm iCMS khẳng định: 100% sản phẩm iCMS là do họ “sáng tạo” ra!

Trong ngày 2-12, qua hệ thống Internet, dân CNTT ở Việt Nam đã liên lạc được với ông Stephen R.G. Fraser (Mỹ), tác giả phần mềm CMS.NET. Đây là phần mềm mẫu được coi là đã bị nhóm iCMS copy khoảng 80% để thành sản phẩm đoạt giải của mình.

Biết có chuyện như vậy, ông Fraser đã tuyên bố chính thức trên website cá nhân rằng, ông không cho phép Công ty Vinacomm thương mại hóa mã nguồn mà không xin phép, cách làm của iCMS và Vinacomm như vậy là bất hợp pháp. Ông Fraser cũng yêu cầu iCMS phải loại bỏ mã nguồn lấy từ CMS.NET.

Trước sức ép của dư luận, ngày 3-12, Nguyễn Anh Tuấn đã đại diện cho nhóm iCMS (3 thành viên khác là Nguyễn Công Kha, Đặng Quang Huy, Nguyễn Thanh Tùng) chính thức ra lời xin lỗi cộng đồng tin học Việt Nam và tác giả Fraser. Họ đã thừa nhận là xây dựng sản phẩm của mình từ phần mềm mẫu CMS.NET mà không khai báo đầy đủ với Ban Tổ chức như quy định. Họ thừa nhận sai lầm của mình, nhưng cho rằng đó là do thiếu kinh nghiệm và sự ấu trĩ của tuổi trẻ.

Cũng trong ngày 3-12, Ban Tổ chức TTVN đã chính thức ra thông báo về vấn đề này trên diễn đàn www.ttvn.com.vn, trong đó, Ban tổ chức cho rằng, việc nhóm iCMS sử dụng nền tảng lý thuyết và mã nguồn mẫu mang tên CMS.NET trong sản phẩm dự thi TTVN 2003 mà không xin phép hay dẫn chứng tác giả là điều đáng tiếc.

Ban tổ chức hoan nghênh thái độ tiếp thu phê bình của nhóm iCMS. Tuy nhiên, phải đến ngày 7-12 tới, Ban tổ chức TTVN mới họp với nhóm iCMS để nghe giải trình mọi việc với sự có mặt của đại diện Diễn đàn tin học Việt Nam.

  • Trường hợp Vương Vũ Thắng

Cùng với vấn đề của nhóm iCMS, thông qua các diễn đàn online, dư luận đặt dấu hỏi là vì sao Vương Vũ Thắng (người từng đoạt giải nhất TTVN 2001) lại được giao chấm sơ khảo sản phẩm phần mềm của nhóm Fanxipan? Đây là một nhóm sinh viên đã thực tập tại Vinacomm và cái tên Fanxipan cũng trùng với tên một sản phẩm phần mềm của Vinacomm. Phải chăng đã có sự gian lận, hay tiêu cực nào đó, trong việc chấm giải TTVN?

Đề cập đến vấn đề này, sáng 1-12, trong cuộc họp báo công bố về vòng chung khảo cuộc thi TTVN 2004, cả ông Vũ Mạnh Cường, thành viên thường trực Ban tổ chức, TS Nguyễn Thành Nam, Trưởng Ban Sơ khảo và GS. TSKH Bạch Hưng Khang, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi, đều khẳng định rằng: không hề có tiêu cực trong cuộc thi TTVN kể từ khi cuộc thi này ra đời đến nay.

Về việc Vương Vũ Thắng chấm sơ khảo sản phẩm của nhóm Fanxipan, Ban tổ chức cho biết đó là một sự ngẫu nhiên, và sau khi kết thúc vòng 1 sơ khảo (chấm sơ khảo có 3 vòng và kéo dài suốt trong tháng 11 vừa qua), khi phát hiện có “vấn đề”, Ban tổ chức đã không tiếp tục mời Vương Vũ Thắng chấm tiếp sơ khảo. Riêng phần mềm của nhóm Fanxipan, sau 3 vòng chấm sơ khảo đã không đủ tiêu chuẩn để lọt vào vòng chung khảo.

Về việc dư luận cho rằng Vương Vũ Thắng đã “vận động” và “chi phối” để nhóm iCMS đoạt giải nhất TTVN 2003 và “âm mưu” kiếm giải năm 2004, Ban Tổ chức khẳng định đó mới chỉ là tin đồn, không có bằng chứng nào cả. Ngay cả việc nhóm iCMS hiện nay đang làm việc tại Vinacomm và sản phẩm iCMS đã được Vinacomm “tuyên bố” mua lại bản quyền với giá 10 tỷ đồng, cũng không thể khẳng định rằng có hay không việc Vương Vũ Thắng đã “vận động” và “chi phối”…

  • Không có đường dây “chạy” giải (?)

Đó là lời khẳng định của ông Vũ Mạnh Cường khi trao đổi cùng phóng viên báo SGGP chiều 3-12. Ông Cường cho biết, với quy chế và cách thức chấm sơ khảo, chung khảo, xét điểm hiện hành, không bao giờ và không thể diễn ra được chuyện “chạy giải” ở cuộc thi TTVN! Trong cuộc họp báo ngày 1-12, ông Nam và ông Khang cũng khẳng định như vậy.

Về trường hợp Vương Vũ Thắng và nhóm iCMS, ông Cường cho biết: ngoài việc chính thức ra thông báo trên diễn đàn www.ttvn.com.vn, Ban Tổ chức sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm về khâu tổ chức cũng như chấm giải, trước hết là với vòng chung khảo TTVN 2004 được bắt đầu từ 8-12 tới.

Thật ngạc nhiên với cách xử lý 2 trường hợp nói trên của Ban tổ chức cuộc thi TTVN! Đáng ra họ có thể tuyên bố dứt khoát mọi vấn đề với công luận, ngay khi có thông tin đầu tiên về những vụ việc đó, không nên chờ “văn bản chính thức” hay là khi báo chí “truy hỏi”, nhóm iCMS “thú tội” mới giải thích mọi việc. Vì vậy, việc có tiêu cực hay không, dư luận vẫn xì xào.

Rõ ràng giải thưởng CNTT (về phần mềm và không chuyên) được xem là danh giá nhất Việt Nam trong 5 năm vừa qua, ít nhiều đã bị “rớt giá”! 

TRẦN BÌNH - KHẮC VĂN


 

Tin cùng chuyên mục