Theo trang mạng Project Syndicate, thế giới đang ở trong thời đại của di cư. Những di dân của thế kỷ 21 đang giúp đất nước họ được tiếp cận thị trường, công nghệ của các nước họ đến sinh sống cũng như góp phần nâng cao vị thế của quê hương mình trên thế giới. Nhà báo người Mỹ Howard W French đã mô tả châu Phi trở thành “lục địa thứ 2 của Trung Quốc” bằng hình ảnh hơn 1 triệu người Trung Quốc đang sống và làm việc tại Hạ Sahara.
Ấn Độ cũng có một cộng đồng lớn ước tính khoảng 20 triệu người đang sống và làm việc ở hải ngoại. Họ làm lợi gì cho Ấn Độ? Ấn Độ nhận hơn 70 tỷ USD kiều hối hàng năm, lượng kiều hối lớn nhất trên toàn thế giới, chiếm gần 4% GDP của nước này. Dù chưa có chứng minh một cách thuyết phục việc dòng người di cư Ấn Độ vào Mỹ tác động ít nhiều đến chính trị nhưng có một sự trùng hợp về thay đổi trong định hướng địa chính trị của cả hai nước mà bằng chứng là năm 2015, hai nước đã khai thông được thỏa thuận hạt nhân dân sự vốn đã bị bế tắc vào năm 2008.
Hay như chuyện 35 triệu người Kurd hiện đang trở thành một trong những cộng đồng người di cư đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị ở châu Âu. Không phải ngẫu nhiên mà Đức và Thụy Điển, những quốc gia có số dân lớn có nguồn gốc liên quan đến người Kurd, lại hỗ trợ lực lượng vũ trang người Kurd chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Israel và IS cũng là 2 ví dụ điển hình cho xu hướng hội nhập hiện nay. Trong cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp: Câu chuyện thần kỳ về nền kinh tế Israel, nhà văn Mỹ và cố vấn chính trị Dan Senor, đồng tác giả với Saul Singer, đã đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào, Israel-một quốc gia có 7,1 triệu người, bao quanh bởi những kẻ thù, luôn ở trong tình trạng chiến tranh kể từ khi thành lập đến nay, không có tài nguyên thiên nhiên lại có thể có số lượng các công ty khởi nghiệp nhiều hơn các quốc gia lớn, hòa bình và ổn định như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ”. Câu trả lời, tất nhiên là người nhập cư. Trong khi đó, IS tung hoành như ngày hôm nay cũng được xây dựng dựa trên dòng người di cư. Theo Soufan Group, khoảng 30.000 người từ 86 quốc gia đã di cư đến các vùng lãnh thổ mà IS đang kiểm soát tại Syria và Iraq.
Cũng không ít các quốc gia đã lợi dụng vị trí địa lý của mình để đổi lấy những nhượng bộ từ các nước láng giềng đang bị ám ảnh bởi tình trạng di cư. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia như vậy. Sau khi phải tha thiết đề nghị Liên minh châu Âu (EU) xem xét cho gia nhập khối, giờ đây Ankara lại nằm ở thế ra điều kiện với Brussels. Một tài liệu bị rò rỉ từ một hội nghị thượng đỉnh EU gần đây đã tiết lộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đe dọa cho người tị nạn lên xe buýt đến Hy Lạp và Bulgaria nếu yêu cầu của Ankara không được đáp ứng.
Niger cũng như Thổ Nhĩ Kỳ. Là một trong trung tâm trung chuyển chính với 90% số người di cư Tây Phi vượt qua Niger để đến Italia, Niger đã nhận được sự đảm bảo từ EU về khoản viện trợ trị giá 600 triệu EUR. Một ví von rất thú vị rằng, nếu G7 là viết tắt tên gọi của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển thì M-7 (M:Migration-di cư) sẽ là tên gọi của nhóm các quốc gia, tổ chức được hưởng lợi từ di cư gồm Trung Quốc, Ấn Độ, người Kurd, Israel, IS, Thổ Nhĩ Kỳ và Niger.
ĐỖ CAO