Trong ba ngày tết, tại TPHCM, các hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra sôi nổi, nhộn nhịp, tràn ngập khắp các phố phường, xóm ấp. Nhóm PV Báo SGGP đã điểm qua không khí tại các sân khấu, trung tâm văn hóa ở khu vực TPHCM.
Hoạt động giải trí: Đông, vui
Những ngày tết, Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TPHCM) tổ chức chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp và chiếu phim thường trực tại Công viên Gia Định 2 (quận Gò Vấp), Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc, Trung tâm văn hóa quận 12, Thị trấn cần Thạnh (huyện Cần Giờ), Đền Bến Dược (huyện Củ Chi)… phục vụ gần 100.000 lượt bà con vùng ven và ngoại thành. Đây có thể ghi nhận là một điểm nhấn chính trong hoạt động văn hóa tết của TP rất được bà con hoan ngênh.
Ngoài ra, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP… đã phối hợp đưa các chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật đi phục vụ tại vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ, trung tâm giáo dục, trường trại…
Ở nội thành, Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, Công viên Văn hóa Đầm Sen, Thảo Cầm viên Sài Gòn, các bảo tàng, khu di tích đã đón chào hàng trăm ngàn lượt khách tham quan trong ba ngày tết. Tại các trung tâm văn hóa quận huyện, rất đông người dân đã tìm đến để vui chơi giải trí.
Ngay cả sân khấu ca múa nhạc nhỏ trong khuôn viên Trung tâm văn hóa quận 10 cũng thu hút đông đảo bà con đến xem ca múa nhạc mừng xuân. Các hoạt động vui chơi giải trí ở Trung tâm văn hóa quận 5 thu hút hàng trăm lượt khách tham quan, thưởng thức ẩm thực dân tộc Hoa, ca cổ, trích đoạn tuồng, ca múa nhạc Việt - Hoa, Hội Đèn hoa, diễu hành nghệ thuật, xem các màn biểu diễn lân sư rồng…
Sân khấu: Thắng lớn
Tết Canh Dần 2010, sân khấu TPHCM có thêm nhiều điểm diễn mới nên khán giả cũng có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn.
Ngày mùng 1 Tết trùng với ngày lễ tình nhân (14-2) nên hầu hết các điểm diễn như Nhà hát Kịch TPHCM, Kịch IDECAF, Phú Nhuận, Super Bowl, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Hoàng Thái Thanh, Nụ Cười Mới… đều thu hút đông đảo khán giả. Hầu hết các suất diễn từ nay đến ngày mùng 8 Tết đều đã bán gần hết vé.
Tại rạp xiếc Công viên 23-9, do năm nay là lần đầu tiên chương trình biểu diễn xiếc thú của Đoàn xiếc thú chuyên nghiệp LHL ra mắt khán giả TP nên đã thu hút khá đông các em nhỏ đến xem.
Theo đánh giá, sân khấu tết năm nay dù không có những vở diễn nặng ký mà chỉ chủ yếu là các vở diễn “vui là chính”, phục vụ khán giả giải trí trong những ngày tết nhưng nhiều nơi đã thắng lớn.
Hội xuân ngoại thành: Hút khán giả
Ở nhiều huyện ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, năm nay đều tổ chức Hội xuân phục vụ bà con vui xuân đón tết. Tại Hội xuân huyện Bình Chánh, các trò chơi dân gian như: Đi cầu khỉ, đập chuông, nhảy sạp, thi chưng mâm ngũ quả… luôn hấp dẫn giới trẻ tham gia.
Ở Hội xuân huyện Củ Chi, theo anh Nguyễn Văn Thâm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Củ Chi, lần đầu tiên, huyện Củ Chi phối hợp cùng Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức triển lãm những hình ảnh, hiện vật về truyền thống văn hóa Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển của tà áo dài qua các thời kỳ đã thu hút rất đông khán giả đến tham quan, tìm hiểu. Trong những ngày qua, riêng khu vực triển lãm này, trung bình mỗi ngày đã có hơn 2.000 lượt khách tham quan.
Nhìn chung, trong dịp tết năm nay các quận, huyện đều đẩy mạnh cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh, chấp hành nghiêm túc Chỉ thị 27/CT-TW của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội nên đã giảm đáng kể tệ cờ bạc, nhậu nhẹt góp phần đem lại một mùa xuân an vui, tốt lành.
Hạnh - Bình - Chương