Nhộn nhịp làng biển Quảng Bình

Những ngày cận Tết Nguyên đán, trở lại các làng biển ở Quảng Bình, sau một năm sự cố môi trường, nơi bị nặng nề nhất 4 tỉnh miền Trung cũng đã hồi sinh mạnh mẽ. 
Yên tâm bám biển
Xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch) đưa ra chỉ tiêu đánh bắt nghề cá trên biển năm 2017 là khoảng 8.000 tấn, ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã cho biết, đặt ra mục tiêu ấy cũng vì lo sau sự cố môi trường biển, địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn, sợ không hoàn thành sẽ ảnh hưởng tâm lý cho năm 2018. Nhưng mọi việc đã ngoài mong đợi, sản lượng đánh bắt đạt hơn 12.000 tấn, tất cả đều là hải sản có chất lượng, giá bán tốt khiến làng biển phấn khởi.
Ngư dân Hồ Đăng Toàn cho biết: “Nhờ bám chính sách của Đảng, Nhà nước nên ngư dân yên tâm đánh xa bờ, cần cù chịu khó khiến biển không phụ lòng người. Mỗi ký cá trung bình giá 70.000 đồng thì 12.000 tấn cá cũng đạt được hơn 800 tỷ đồng rồi, chưa kể nghề cá kéo theo dịch vụ hậu cần, ngành buôn bán chế biến hải sản cũng ăn nên làm ra”.
Khác với Đức Trạch, xã biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) có sản lượng đánh bắt khiêm tốn hơn, đạt 4.000 tấn hải sản. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Phạm Đình Tiến cho biết: “So với năm 2016, mùa đánh bắt năm 2017 đã tăng hơn 1.000 tấn, chủ yếu là nghề câu cá hố đặc sản ở khơi xa mang lại giá trị hơn 300 tỷ đồng, mỗi lao động được trả lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Nghề biển đã trở lại thời kỳ phát triển như trước khi sự cố môi trường và bà con rất yên tâm bám biển”.
Nhộn nhịp làng biển Quảng Bình ảnh 1 Cá hố, loài đặc sản của ngư dân Cảnh Dương được xuất bán ra nước ngoài
Đi về phía cát, vào xã biển Bảo Ninh (huyện Đồng Hới), kinh tế biển cũng đang vực dậy. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã bảo Ninh cho biết, sản lượng đánh bắt cá của xã đạt hơn 11.000 tấn, cao hơn nhiều so với năm chưa bị sự cố môi trường. “Mùa đánh bắt 2018 đang hứa hẹn một năm bội thu và giá cá tăng cao sẽ là động lực lớn để ngư dân phấn đấu đầu tư làm ăn”, ông Hiếu đánh giá.
Nguồn lực đúng hướng
Năm 2017, xã Đức Trạch lên kế hoạch đóng mới 22 tàu cá, tuy nhiên đến cuối năm đã đóng tổng cộng 42 tàu xa bờ, vượt kế hoạch 22 tàu cá.
Ngư dân Hồ Đăng Hiền cho biết: “Chủ trương đánh bắt xa bờ đúng hướng nên ngư dân tích cực tham gia, tài chính vay mượn được đầu tư bài bản và giám sát chặt chẽ đưa lại lợi ích từ đánh bắt hiệu quả, tàu và ngư lưới cụ mua sắm chỉn chu nên bà con làng biển lao vào làm ăn từ biển lên bờ, từ bờ vào nhà máy, từ nhà máy buôn bán ra nước ngoài ngày càng tốt hơn”. 
Xã Cảnh Dương thành lập 14 tổ đoàn kết biển xa với 170 phương tiện tham gia, ngoài ra xã còn lập được 10 tổ hợp tác, 18 tổ đoàn kết, 28 tập đoàn tàu riêng cùng 5 tổ đoàn thúng máy tạo thế mạnh rất lớn trên biển. Khó khăn giúp đỡ nhau, buôn bán cá câu không bị ép giá.
Ngư dân trẻ Nguyễn Anh Tuấn ở thôn Đông Cảng (xã Cảnh Dương) hồ hởi: “Nhờ có các tổ đội mà cánh ngư dân xa như chúng em hồi phục đánh bắt nhanh sau sự cố môi trường biển. Mọi người giúp nhau thông tin luồng cá, giúp nhau hỗ trợ hậu cần, giúp nhau giá cả thị trường xuất khẩu cá hố nên anh em phấn khởi ra khơi. Một tàu hồi phục là phía hậu cần hồi phục. Người mua bán cá, xưởng làm lưới, nhà máy nước đá, công ty thu mua… đều hồi phục”.  
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, hồ hởi thông báo: “Năm qua địa phương có 12 tàu cá được đóng mới, tất cả đều từ xa bờ. Dù sự cố môi trường biển rất nghiêm trọng nhưng nguồn lực đầu tư đúng hướng đang động viên ngư dân. Xã Bảo Ninh ngoài đóng tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ thì bà con tự bỏ tiền túi để đóng thêm tàu mới”. 
Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết: “Năm 2017 có 91 tàu cá đóng mới, nâng cấp hoàn thành đi vào sản xuất, trong đó có 30 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ composite và 59 tàu vỏ gỗ. Tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng, ngư dân vay 1.011 tỷ đồng”. Năm 2018, ngư dân đang tấp nập đăng ký hơn 30 chỉ tiêu đóng mới tàu xa bờ theo Nghị định 67 với mỗi chiếc từ 18-30 tỷ đồng. Ngư dân Nguyễn Công Hoan, xã Bảo Ninh nói: “Việc vay mượn và trả nợ ngân hàng của ngư dân đúng hẹn, ngư dân cũng rất quyết tâm xem trọng kinh tế biển”.
Làng nghề hồi sinh
Nghề cá hồi phục, các làng nghề ven biển hồi phục theo. Năm 2016, làng nghề nước mắm thôn Nhân Nam, xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) đều úp lu không thể chượp nước mắm truyền thống thì năm 2017 đã nhộn nhịp trở lại.
Bà Đinh Thị Huế, Chủ tịch Hội Nước mắm Nhân Trạch kể: “Năm 2016, 400 hộ làm nước mắm của làng điêu đứng. Nước mắm Nhân Nam nổi tiếng mấy trăm năm nay, chỉ vì sự cố môi trường mà đình đốn cả năm. Sang năm 2017, ngư dân đánh bắt được thì cả làng ai cũng mừng, 400 hộ dân là 400 cơ sở chế biến nước mắm nhĩ ngon nức tiếng, xuất khẩu ra cả nước ngoài. Cả ngàn lao động dựa vào mà làm ăn. Nay bạn hàng tìm đến, dòng nước mắm ngon nhất đã chắt ra bán, người ở trong Nam, ngoài Bắc đã khen tiếng trở lại”. 
Vào làng Nhân Nam, mùi nước mắm cốt dậy lên thơm lừng, từng lu chượp mắm của các cơ sở được chăm sóc chu đáo cho mùa xuất nước mắm Tết cổ truyền Mậu Tuất đã đến lúc xuất đi. Bà Nguyễn Thị Hòa, chủ một cơ sở nước mắm gia đình nói: “Một lít nước mắm xuất bán lúc này hồi sinh việc làm cho cả nhà 6 người chúng tôi, cả xóm rồi cả làng đang rất phấn khởi”.
Trong khi đó, ở làng Quy Đức (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch), ông Trương Công Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân, kể: “Năm 2015, nghề chế biến hải sản tươi thành khô ở Quy Đức đạt 1.500 tấn, năm 2016 bị sự cố môi trường, cả làng chỉ làm cầm hơi 400 tấn. Năm nay, ngư dân làm ăn trên biển tốt, nghề chế biến hải sản đạt hơn 2.000 tấn, rứa là rất cao. Cơm áo gạo tiền, xây nhà cửa, con cái học hành, thăm nom đau ốm… đều ở cái nghề được vực dậy”. 
Các làng nghề đan thuyền thúng ở Thọ Đơn (Ba Đồn) hay làng làm muối ở Phú Lộc (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch) cũng từ đó mà hồi sinh theo nhu cầu đánh bắt của ngư dân. Làng biển mỗi sáng mùa tàu về lại nhộn nhịp hơn trước.
Bởi thế mà ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch kể thêm: “Biển hồi sinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng về thăm xã biển xây dựng nông thôn mới vào giữa năm 2017, thấy không khí ngư dân tin tưởng, Thủ tướng đã đồng ý tặng cho bà con Đức Trạch và vùng phụ cận công trình âu thuyền tránh trú bão và hậu cần nghề cá để bà con yên tâm bám biển xây dựng quê hương, phát triển bền vững”.
Ngư dân Hồ Đăng Toàn cho biết, Tết Mậu Tuất năm nay ăn tết vui hơn 2 năm trước vì nghề biển được mùa, giá cả bán tốt. Ở xã biển Cảnh Dương, người người, nhà nhà đã tất bật mừng xuân, đón tết rất khí thế bằng cách lên kế hoạch đánh bắt thủy hải sản vượt mức năm cũ để nâng cao hơn nữa đời sống của người dân. Tại xã Bảo Ninh, ông Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết, bà con ngư dân có một cái tết đầm ấm và vững tin. Mùa biển sau tết năm nay được dự đoán là bội thu, sẽ kích thích nhiều ngành nghề tạo thêm việc làm cho người dân các vùng phụ cận.

Tin cùng chuyên mục