Hiện nay, “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng nhái đang ngày càng quyết liệt. Năm 1996, cả nước chỉ phát hiện, xử lý 961 vụ vi phạm hàng gian, hàng giả nhưng đến năm 2013, chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 11.274 vụ, tăng hơn 11 lần so với 17 năm trước.
Hàng giả đang là vấn nạn toàn cầu, xâm nhập khắp mọi nơi trên thế giới với nhiều loại hàng hóa khác nhau, chỉ cần thấy trên thị trường có mặt hàng bán chạy là hàng giả sẽ ra đời ngay sau đó. Theo Tổ chức Hải quan thế giới, hàng giả chiếm khoảng 10% thương mại toàn cầu, tương đương 500 tỷ USD hàng năm. Các nhà phân tích cho rằng đây chỉ là số liệu thống kê qua hoạt động xuất nhập khẩu, nếu tính cả sản xuất và tiêu thụ nội địa thì lên đến 2.000 tỷ USD.
Tại lễ kỷ niệm Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái diễn ra gần đây, nhiều đại diện doanh nghiệp đã bày tỏ bức xúc về nạn hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường. Đại diện Công ty Minh Hòa chuyên sản xuất van vòi, cho biết các loại van vòi giả được chế tạo từ loại đồng chất lượng thấp và hàm lượng độc tố chì cao hơn so với quy định.
Vì vậy, sau một thời gian ngắn sử dụng, van vòi giả rất mau hư hỏng, còn độc tố chì cao sẽ tích tụ trong nguồn nước, về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Còn theo Chi hội Gas miền Nam, hầu hết các doanh nghiệp sang chiết gas lậu sau khi bị xử phạt hành chính vẫn tiếp tục vi phạm là do lợi nhuận đem lại hàng tỷ đồng, trong khi mức xử phạt hành chính còn thấp nên các cơ sở sang chiết gas trái phép liên tục tái phạm. Chi hội đề nghị, đối với các trạm chiết nạp gas lậu, ngoài việc bị phạt hành chính, tịch thu tang vật thì cơ quan chức năng cần truy thu thuế và các thu nhập bất chính.
Hiện nay, hàng giả, hàng nhái không chỉ sản xuất ở Việt Nam, mà còn sản xuất ở nước ngoài rồi đưa về Việt Nam tiêu thụ. Chỉ cần có mẫu đem sang nước ngoài đặt trong vòng 1 tuần là có hàng trăm ngàn sản phẩm nhái đem về bán. Có doanh nghiệp phát hiện hàng hóa của họ chỉ mới ra thị trường 1 tháng đã có ngay hàng giả.
Về tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại trên thị trường, các chuyên gia đúc kết 6 nguyên nhân chính: Luật còn nhiều kẽ hở; chế tài xử lý còn nhẹ chưa đủ sức răn đe; sự phối hợp giữa các đơn vị lực lượng chức năng chưa đồng bộ; nhận thức về hàng giả của người dân còn nhiều hạn chế; Chủ thể hàng có chứng nhận Sở hữu trí tuệ (SHTT) chưa hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng để truy ra hàng giả, hàng nhái; chưa có sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương.
Trong thời gian qua, việc thực thi quyền SHTT ngày càng được chú trọng hơn nhưng cũng chưa hiệu quả vì ít áp dụng biện pháp dân sự. Từ khi có luật SHTT đến nay, số vụ tranh chấp SHTT đưa ra tòa xét xử chỉ vài trăm vụ, trong khi các lực lượng hải quan, công an, quản lý thị trường xử lý hàng chục ngàn vụ vi phạm.
Do vậy, trong điều kiện hiện tại của Việt Nam nếu được kết hợp xử lý hành chính với xử lý dân sự, hình sự sẽ góp phần mang lại hiệu quả cao cho việc thực thi quyền SHTT, qua đó hạn chế được hàng giả, hàng nhái.
QUANG KHOA