Như SGGP-TT đã có nhận định, việc một loạt ngoài 20 trọng tài đã và đang được cơ quan điều tra triệu tập nhằm làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến các trận đấu tiêu cực đang là thách thức không nhỏ cho VFF trong việc tìm lời giải cho mùa bóng tới: liệu sẽ còn bao nhiêu trọng tài đủ trình độ và tư cách tham gia điều hành ở mùa bóng tới? Đó sẽ là một bài toán không nhỏ cho VFF khi xét về lượng và chất của trọng tài hiện nay.
Những sai phạm chủ yếu liên quan đến các trọng tài có tên tuổi
Nếu thống kê lại số lần đội bóng khiếu nại trọng tài, số lượng trọng tài có tên trong các bản thông báo của BTC giải kể từ khi V-League được định hình cho đến nay là không nhỏ. Lâu nay, người ta cứ hay đem điều luật của FIFA mỗi khi trả lời các câu hỏi của báo chí là “giao cho Hội đồng Trọng tài xử lý!”. Và Hội đồng này xử lý như thế nào thì cũng đã biết, có trọng tài chỉ ở mức cảnh cáo; có trọng tài thì bị cho nghỉ thổi khoảng 3 trận rồi lại xuất hiện mang theo nỗi ám ảnh và lo sợ từ những đội bóng đã khiếu nại họ.

Trọng tài Lương Trung Việt.
Nhưng chuyển sang chiến dịch “bàn tay sắt” mà cơ quan điều tra đang tiến hành bóc gỡ hiện nay sẽ không cần một Hội đồng Trọng tài nào xử lý cả. Đó là chuyện liên quan đến luật pháp và cứ thi thoảng, một trọng tài được gọi lên làm việc và đến nay con số đã ngót nghét 20 người. Nhưng số lượng chưa hẳn là dừng lại ở đây vì phía trước ắt vẫn còn có nhiều trận chưa bị sờ đến.
Không chỉ có những trọng tài trẻ, mới được đôn lên điều khiển chuyên nghiệp 1 vài mùa gần đây mà có cả những trọng tài thâm niên, cả ở cấp quốc gia lẫn đã được phong FIFA cũng có tên như thường. Ai có, ai không có liên quan hay nhúng chàm sẽ chờ kết quả điều tra của cơ quan công an.
Nhưng thực tế trước mắt là nền bóng đá Việt Nam nói chung và Hội đồng trọng tài nói riêng đang bị một ảnh hưởng rất lớn mà không thể nào giải quyết trong một sớm, một chiều…
Trọng tài đã bị mất niềm tin
Đó là ảnh hưởng chắc chắn sẽ phủ trùm lên ở mùa bóng tới, không chỉ ở V-League mà ngay cả ở các giải đấu phía sau. Không chỉ những trọng tài đã có “tì vết” ở chuyên án lần này mà cả những trọng tài không liên quan, khi điều hành trận đấu nếu để xảy ra chuyện gì cũng không tránh được dị nghị. Lúc này, điều mà dư luận đang bàn tán tiếp theo là tiền bồi dưỡng trước trận đấu và sau trận đấu khác nhau như thế nào và mức độ nặng, nhẹ rao sao?
Vụ việc tiêu cực đến nay đã không chỉ khoanh vùng ở một Đ.Á Thép Pomina mà đã chuyển sang nhiều đội khác, nhiều giải đấu khác, thậm chí từ những mùa bóng trước cũng đang được tái hiện lại. Và điều dĩ nhiên, càng mở rộng thì danh sách trọng tài có liên quan lại càng nhiều thêm và lại sẽ có thêm nhiều tên gọi được nêu ra và niềm tin từ các đội bóng, từ khán giả cũng vơi dần.
Có trọng tài dù đã được đưa đi làm nhiệm vụ quốc tế, rất thành công cũng như có chỗ đứng trong đội ngũ trọng tài hiện nay cũng đã được cơ quan điều tra triệu tập. Trong thời điểm chuyên án đang tiếp tục mở rộng, làm sáng tỏ những trận đấu bị nghi vấn, người ta lại vội vả đi xét đăng ký trọng tài FIFA và ngay khi danh sách trên được công bố thì đã có trọng tài đầu tiên bị “soi” vì có liên quan đến tiêu cực. Không lâu sau một trọng tài khác cũng có tên trong một tổ trọng tài bị nghi vấn. Rồi mới đây, một trọng tài FIFA khác cũng đã ra Hà Nội theo lệnh triệu tập của cơ quan điều tra.
Đôn trọng tài trẻ lên làm nhiệm vụ: một vấn đề không đơn giản
Khi mà nhiều trọng tài có liên quan từ vụ án Lương Trung Việt được bóc dần ra đến nay, người ta đã không khỏi xót xa khi có không ít trọng tài có tên tuổi, có thâm niên trong nghiệp cầm còi đã bị triệu tập. Một phương án đang được tính đến trong thời điểm hiện nay là đôn các trọng tài trẻ lên để lấp vào khoảng trống, như thế “hy sinh” một mùa vậy. Nhưng liệu phương án này có ổn?
Ngoài tâm lý đang bị ảnh hưởng không nhỏ từ các “đàn anh” đang được nêu tên hàng ngày trên các mặt báo, vấn đề năng lực của các trọng tài trẻ cũng đáng được lưu ý. Ngay ở VCK giải U21 đang diễn ra đã có những 3 trận trọng tài bị đội bóng phản ứng gay gắt, không chỉ liên quan đến tình huống bị phạt thẻ mà có cả trường hợp chuyển thành bàn thắng. Trọng tài chính trong trận bán kết giữa Bình Định và Nam Định đã thừa nhận trong buổi họp vào sáng qua về sai sót của mình trong tình huống cho đội chủ nhà hưởng quả đá phạt dẫn đến bàn thắng quyết định vào cuối trận. Vậy là thêm một sai lầm của trọng tài đã dẫn đến kết quả của một trận đấu…
Những sai lầm trên nếu tiếp tục xảy ra ở mùa giải tới, nhất là ở V-League là điều không ổn chút nào. Không chỉ ở năng lực mà ngay cả bản lĩnh của các trọng tài trẻ này khi đối diện với các cầu thủ chuyên nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn, và cũng rất dễ vỡ.
Những sai lầm của trọng tài ở VCK U21 vừa qua chỉ đơn thuần là chuyên môn, và để chỉnh sửa những sai lầm trên không thể một sớm một chiều, không thể hoàn thiện chỉ trong khoảng thời gian từ 3-4 tháng. Cách đây không lâu, đã có phương án mời trọng tài nước ngoài sang điều khiển các trận vòng cuối của giải VĐQG, lúc ấy đã bị phản ứng từ trong đội ngũ trọng tài, như là bị chạm lòng tự trọng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, phương án trên cũng đáng để được xem lại.
NGUYỄN HOÀNG