TP Hồ Chí Minh có số lượng di tích lịch sử văn hóa chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống di sản văn hóa Việt Nam. Cuộc thi “Tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TPHCM do Sở VH-TT-DL TPHCM”, Thành đoàn TNCS TPHCM và Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức tại Bảo tàng TPHCM là một trong những bài học về nguồn, giáo dục truyền thống sâu sắc cho các bạn trẻ.
Giáo dục truyền thống hiệu quả
Từ 9.245 bài viết dự thi cấp quận huyện, ban tổ chức đã chọn 48 thí sinh xuất sắc nhất tham gia thi thuyết trình “Tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TPHCM” ở vòng chung kết cấp TP ngày 27-11. Kết quả, ban tổ chức đã trao 2 giải nhất, 4 giải nhì, 4 giải ba và 6 giải khuyến khích. Hai giải nhất thuộc về Nguyễn Thùy Trang (quận 1) và Bùi Thị Ánh Dương (quận Thủ Đức). |
Đến từ Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1), chị Nguyễn Thùy Trang đã thuyết phục hội thi với lối trình bày mạch lạc về một địa chỉ đỏ - Dinh Thống Nhất. Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này có ý nghĩa rất to lớn trong công tác giáo dục truyền thống và là điểm đến không thể thiếu đối với du khách quốc tế khi đến TPHCM. “Nghiên cứu những tư liệu về Dinh Thống Nhất, lòng tôi ngập tràn cảm xúc biết ơn những người đã đổ máu xương để chúng ta được sống, làm việc và học tập trong một đất nước thanh bình, tươi đẹp như hôm nay”, chị Thùy Trang bày tỏ.
Những bài học cho mai sau
Đến với vòng chung kết cuộc thi “Tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TPHCM”, điều làm ban tổ chức và nhiều khán giả ngạc nhiên lẫn thú vị là sự tìm hiểu, kiến thức và phong cách tự tin của học sinh cấp II.
Chững chạc khi trình bày những cảm nhận sau chuyến đi về nguồn thăm địa đạo Củ Chi của mình, em Võ Thị Tuyết Như, học sinh lớp 6A1, Trường THCS Tân Tiến, huyện Củ Chi nói: “Đến với địa đạo Củ Chi, em không chỉ biết được những bài học từ lịch sử hào hùng của cha ông, của dân tộc mà còn biết được sự mưu trí, dũng cảm và sáng tạo trong chiến đấu bảo vệ dân tộc của quân dân Củ Chi. Là người con của đất thép, em tự thấy mình có bổn phận và trách nhiệm xây dựng, gìn giữ nền độc lập bằng cách cố gắng học tập thật tốt, xứng đáng là con em của quê hương đất thép thành đồng”.
Khi ban giám khảo hỏi về cảm nghĩ khi đi xuống địa đạo, Tuyết Như trả lời: “Em thấy cha ông mình ngày xưa đã quá cực khổ mà vẫn tài giỏi như thế. Em rất tự hào về quê hương đất thép của mình. Hãy đến với quê hương tôi, các bạn nhé”.
“Di tích lịch sử văn hóa đã thực sự trở thành những địa chỉ đỏ bồi đắp, nuôi dưỡng tình cảm, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc với các thế hệ và người dân thành phố, nhất là các bạn trẻ”, bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM bày tỏ. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng TPHCM, nhìn nhận: “Không chỉ giáo dục truyền thống, cuộc thi còn là dịp để những người làm công tác bảo tồn như chúng tôi học hỏi thêm kinh nghiệm cho nghiệp vụ chuyên môn cho mình”.
MINH AN