Vì sao lại có những “Bao Công” tự phong với hành vi manh động, thiếu kiềm chế, thậm chí vi phạm pháp luật như vậy?
Tự phán xử và thi hành án
Hiến pháp năm 2013 quy định, một người không bị xem là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Đồng thời, không ai có quyền kết tội người khác, trừ tòa án. Tuy nhiên, trong lúc vụ việc đang được điều tra thì một số người sử dụng mạng xã hội và ngoài đời đã tự đóng vai Bao Công, cho mình cái quyền “kết án” đối với ông L. và “thi hành án” ngay ngôi nhà ông đang sinh sống cùng gia đình ở TP Đà Nẵng.
Theo TS Vũ Toản (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM), mọi người có quyền bày tỏ chính kiến của mình nhưng phải đúng người, đúng sự việc, ứng xử văn minh trên tinh thần xây dựng, cũng như tránh bị kẻ xấu lợi dụng kích động làm ra những việc mất kiểm soát, làm xấu hình ảnh người Việt Nam.
Những hành vi vẽ bậy, ném đồ dơ trước cửa nhà ông L. đã vi phạm về chuẩn mực đạo đức xã hội, can thiệp vào không gian riêng tư cá nhân của người khác, không chỉ tạo sự phản cảm mà còn làm mất đi ý nghĩa giáo dục đối với người có việc làm sai trái.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng hành vi của ông L. đến đâu thì sẽ bị xử lý đến đó, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cần phải khởi tố ông L.
Việc điều tra, truy tố là thẩm quyền của công an, viện kiểm sát và kết tội một người là quyền của tòa án. Thế nhưng, lấy lý do không tin vào pháp luật cũng như người thực thi pháp luật, nên có những người tự cho mình cái quyền được “xét xử”.
Hội chứng “công lý đám đông” đang diễn ra trên đất nước có pháp luật, chẳng những không mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội mà còn tạo ra những tiền lệ nguy hiểm. Những người tự cho mình có quyền “xét xử”, “tuyên án” người khác không biết rằng chính họ đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Chưa kể, vợ con, cha mẹ và những người thân thích của ông L. không có tội tình gì để bị đối xử như vậy. Pháp luật đã quy định rất rõ ràng: người nào vi phạm pháp luật thì họ phải bị xử lý, không liên quan gì đến vợ/chồng, con, người thân thích, trừ khi những người này tiếp tay hoặc che giấu tội phạm.
“Nếu cứ cho rằng một người vi phạm pháp luật thì tất cả người thân của họ bị trừng phạt theo kiểu kéo đến nhà bôi bẩn, quậy phá như vậy thì xã hội này sẽ đi về đâu? Những người tự cho mình nhân danh công lý, nhân danh tự do để hành xử kiểu mông muội, bầy đàn cũng cần phải bị xử lý”, luật sư Nguyễn Văn Đức nêu vấn đề.
Cần hành lang pháp lý nghiêm minh
Nguyên nhân dẫn đến những hành vi tự phán xử người khác một cách mất kiểm soát trong vụ việc ông L., theo TS Vũ Toản, là do sự thiếu niềm tin, dẫn đến tâm lý bất an của một số người khi không ít vụ việc sai trái bị xử lý quá nhẹ, không tương xứng hành vi sai phạm trong thời gian qua.
Sự mất niềm tin vào phán xử nghiêm minh của luật pháp khiến họ tự thấy phải “thay Trời hành đạo” mà không nghĩ việc mình làm cũng sai, thậm chí vi phạm pháp luật. Vì vậy, bên cạnh việc đưa ra cảnh báo và đẩy mạnh giáo dục để không tiếp tục xảy ra những cái “nựng” sàm sỡ người khác thì cần thiết có những giải pháp tạo dựng sự an tâm trở lại trong cộng đồng.
Giải pháp quan trọng để ngăn chặn những vụ việc tương tự, và sâu xa hơn là để đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật chính là kịp thời sửa luật để phù hợp tình hình thực tế.
Trao đổi về vấn đề này, một số chuyên gia pháp luật cho rằng hiện nay có những điều luật chỉ dừng lại ở khái niệm; do đó khiến cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khi áp dụng, phải chờ văn bản hướng dẫn, làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, trong trường hợp phát sinh hành vi nguy hiểm cho xã hội mà chưa được quy định trong điều luật, thì cần phải được kịp thời bổ sung.
Cụ thể ở đây, hành vi dâm ô trẻ em, quấy rối tình dục cần phải có văn bản giải thích, hướng dẫn cụ thể, hoặc bổ sung điều luật kịp thời để có những hình phạt nghiêm khắc tương xứng với hành vi nhằm răn đe riêng và phòng ngừa chung. Chỉ khi có hành lang pháp lý nghiêm minh mới có thể ngăn chặn hữu hiệu hơn những hành vi lệch chuẩn xã hội, vi phạm pháp luật.
Mới đây, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã có công văn yêu cầu Chánh án TAND và Tòa án quân sự các cấp trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em cần thực hiện nghiêm túc các đạo luật mới và các văn bản hướng dẫn thi hành của TAND tối cao, liên ngành trung ương, để xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; các hình phạt và biện pháp tư pháp được áp dụng bảo đảm nghiêm khắc.
Ngay khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, các tòa án cần giải quyết theo quy định tại Thông tư 02/2018/TT-TANDTC của TAND tối cao về việc xét xử các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Trong quá trình xét xử, cần đảm bảo các quyền của trẻ em và người chưa thành niên trên cơ sở nguyên tắc “bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi”.
Theo TAND tối cao, thời gian qua tình trạng tội phạm xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các đạo luật có liên quan và các hướng dẫn thi hành trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Do vậy, TAND tối cao yêu cầu Chánh án TAND và Tòa án quân sự các cấp báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các quy định mới của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em. Từ đó, TAND tối cao kịp thời phối hợp với liên ngành trung ương hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. |