Những điều cần biết về điện áp và lưới điện trên không

Những điều cần biết về điện áp và lưới điện trên không

Hệ thống lưới điện phân phối ở TPHCM phần lớn đã được xây dựng và vận hành lâu năm và kéo trên các cột điện dọc đường lộ, ngõ hẻm, đường ruộng, đi gần nhà cửa, công trình, dưới các tàn cây cao... Khi có giông gió, bão lụt, sét đánh cây ngã, cháy nổ hoặc bị vật lạ ném vào..., dây điện có thể bị chạm chập, bị đứt rớt xuống đường, ao hồ, đồng ruộng, mái nhà, công viên… có thể gây tai nạn nguy hiểm. Công ty Điện lực TPHCM đã và đang cải tạo lưới điện của TP. Tuy nhiên, để đề phòng các trường hợp sự cố đột xuất có thể gây ra hậu quả đáng tiếc, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc cách nhận biết cấp điện áp của đường dây dẫn điện trên không và một số điều cơ bản cần thực hiện để bảo đảm an toàn điện.

Những điều cần biết về điện áp và lưới điện trên không ảnh 1
Ảnh 1

- CẤP ĐIỆN ÁP 220V-380V: Bị điện giật khi chạm vào dây điện bị tróc vỏ cách điện hoặc phần dây kim loại đang mang điện. Cấp điện áp này sử dụng dây cáp bọc vặn xoắn ACB gồm 4 sợi bện vào nhau; một số ít sử dụng 4 dây rời, gắn lên cột điện bằng kẹp treo hoặc sứ (ảnh 1 và 2). Cột điện thường sử dụng cột bê tông ly tâm, có nơi sử dụng cột bê tông vuông, trụ tháp sắt, cao từ 5m-8m.

- CẤP ĐIỆN ÁP 15 kV (15.000 V): Bị phóng điện khi vi phạm khoảng cách an toàn (người hoặc vật đến gần dây điện hoặc thiết bị điện dưới 0,7m). Sử dụng dây bọc, dây trần gắn trên trụ bằng sứ cách điện. Cột bê tông ly tâm, cao từ 9m-12m, sứ cách điện là sứ đỡ hoặc sứ treo (ảnh 3 và 4).

- CẤP ĐIỆN ÁP 110kV-220kV-500kV (110.000V - 220.000V-500.000V): Bị phóng điện khi vi phạm khoảng cách an toàn (người hoặc vật đến gần các dây điện và thiết bị điện: 110kV dưới 1, 5m; 220 kV dưới 2,5m; 500 kV dưới 4,5m). Sử dụng dây trần, gắn trên cột qua các chuỗi sứ cách điện. Cột bê tông ly tâm, cột tháp sắt, một số nơi còn sử dụng cột gỗ thông, cột có chiều cao trên 18m (ảnh 5 và 6).

Những điều cần biết về điện áp và lưới điện trên không ảnh 2
Ảnh 2

Để bảo đảm an toàn điện, mọi người hết sức cẩn thận trong việc sử dụng điện và cần nắm vững và thực hiện những điều cần thiết sau đây:

1- Không bắn súng, ném đất đá, thanh dây kim loại, vật lạ… vào đường dây điện, trạm điện vì có thể làm chạm chập, đứt dây gây nguy hiểm.

2- Không lắp đặt ăng ten tivi gần đường dây, trạm điện vì ăng ten có thể ngã đổ vào dây điện, trạm điện gây chạm chập, đứt dây phóng điện rất nguy hiểm, làm chết người đang tháo lắp ăng ten.

3- Không thả diều, bong bóng vật bay… gần đường dây trạm điện vì dây diều vật bay… có thể gây chạm chập khi vướng vào dây điện, trạm điện gây nguy hiểm cho chính người thả diều, bà con đi đường và gây mất điện khu vực.

4- Không xây dựng cơi nới nhà, công trình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên không.

Những điều cần biết về điện áp và lưới điện trên không ảnh 3
Ảnh 3 (bên trái) và ảnh 4

5- Không được tới gần đường dây, trạm điện 15kV trong phạm vi 2m (đường dây và trạm điện 110kV trong phạm vi 4m) bằng bất cứ cách gì như: Leo lên mái nhà, sân thượng, leo ra ban công, lan can, ô văng… từ các nhà công trình ở gần đường dây, trạm điện để đề phòng bị điện giật hoặc bị điện cao thế phóng chết người.

6- Không trèo lên cột điện hoặc tự ý sửa chữa, câu móc vào lưới điện công cộng vì có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân.

7- Không đột nhập vào trạm điện hoặc phòng biến điện. Không làm hỏng tháo gỡ, trộm cắp dây điện, dây cáp ngầm, dây nối đất, thiết bị điện… trên cột điện, trạm điện.

8- Không chặt cây ở gần đường dây, trạm điện vì khi cây ngã có thể đổ vào đường dây gây chạm chập, đứt dây rất nguy hiểm.

Những điều cần biết về điện áp và lưới điện trên không ảnh 4
Ảnh 5 (bên trái) và ảnh 6

9- Không dùng dây điện trần, dây điện có vỏ bọc kém chất lượng, dây điện có tiết diện nhỏ… để câu điện lại; không dùng các loại tre trúc, tầm vông, gỗ mục làm trụ điện tạm, vì như vậy cột điện có thể bị ngã, gẫy, dây diện có thể bị quá tải, gây chạm chập đứt rơi xuống đường, vũng nước ao hồ, sông rạch mái nhà… hoặc điện bị rò dẫn xuống thanh, cọc kim loại, hàng rào kẽm gai, mái tôn, dây phơi đồ… dẫn đến nhiều trường hợp chết người rất thương tâm.

10- Khi phát hiện trụ điện ngã, hoặc dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao, hồ…, người phát hiện phải cấp báo cho mọi người chung quanh biết, tìm cách lập rào chắn, thông tin ngay cho điện lực khu vực biết. 

ĐỨC THÀNH

Tin cùng chuyên mục