Giới thiệu

Những điều khoản mới trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Nhằm lấy ý kiến của nhân dân trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) - một bộ luật có phạm vi điều chỉnh rộng lớn, Báo SGGP xin lược trích nội dung một số điều khoản mới, những sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện để bạn đọc dễ dàng đóng góp cho bản dự thảo này.

CHƯƠNG III: CÁ NHÂN

Mục 2: Quyền nhân thân

Điều 33-
Quyền hiến bộ phận cơ thể: Cá nhân có quyền được hiến bộ phận cơ thể của mình cho người khác vì mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học. Việc hiến và sử dụng bộ phận cơ thể người được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 34- Quyền hiến bộ phận cơ thể hoặc hiến xác sau khi chết: Cá nhân có quyền hiến bộ phận cơ thể của mình hoặc hiến xác sau khi chết vì mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học. Việc hiến xác, hiến bộ phận cơ thể của người chết chỉ được thực hiện với sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng và con đã thành niên của người đó. Việc sử dụng xác, bộ phận cơ thể của người chết được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 35- Quyền nhận bộ phận cơ thể người: Cá nhân có quyền nhận bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Nghiêm cấm việc nhận, sử dụng bộ phận cơ thể của người khác vì mục đích thương mại.

Điều 36- Quyền xác định lại giới tính: Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.

Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG V: HỘ GIA ĐÌNH

Điều 110-
Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình: 1- Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thỏa thuận. 2- Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên của hộ gia đình đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý. 3- Trong trường hợp thành viên của hộ gia đình phải thanh toán nghĩa vụ riêng về tài sản mà tài sản riêng của người đó không đủ để thanh toán, thì trích phần tài sản của người đó trong khối tài sản chung của hộ gia đình để thanh toán nghĩa vụ.

CHƯƠNG VI: GIAO DỊCH DÂN SỰ

Điều 125
- Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức: 1- Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện, thì giao dịch vô hiệu. 2- Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự mà các bên không tuân theo thì giao dịch đó vẫn có hiệu lực giữa các bên nhưng không có giá trị pháp lý với bên thứ ba.

PHẦN 2: TÀI SẢN VÀ QUYỀN SỞ HỮU
CHƯƠNG X: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 157
- Chịu rủi ro về tài sản: Chủ sở hữu phải chịu rủi ro khi tài sản bị tiêu hủy hoặc bị hư hỏng do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 159- Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản: 1- Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu theo quy định của bộ luật này và pháp luật về đăng ký bất động sản. 2- Việc chuyển quyền sở hữu đối với động sản có hiệu lực kể từ thời điểm động sản được chuyển giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

CHƯƠNG XII: NỘI DUNG QUYỀN SỞ HỮU
Mục 1: Quyền chiếm hữu

Điều 178-
Quyền chiếm hữu gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc: Người phát hiện gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu. Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc được chiếm hữu tài sản đó từ thời điểm phát hiện đến thời điểm trả lại cho chủ sở hữu.

CHƯƠNG XV: BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU

Điều 232
- Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình: 1- Nếu động sản không phải đăng ký quyền sở hữu có được bằng hợp đồng có đền bù với một người không có quyền định đoạt tài sản, nhưng người nhận tài sản là người chiếm hữu ngay tình, thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản trong trường hợp động sản đó bị lấy cắp, bị đánh mất hoặc bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu. 2- Nếu động sản không phải đăng ký quyền sở hữu có được bằng hợp đồng không có đền bù từ một người mà người này không có quyền định đoạt tài sản, thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản đó trong mọi trường hợp.

Điều 233- Quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản: Phương án 1: Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa. Phương án 2: Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản.

Điều 236- Bảo vệ quyền của người chiếm hữu mà không phải là chủ sở hữu: Những quyền đã được quy định từ điều 230 đến điều 235 của Bộ luật này đồng thời cũng thuộc về người tuy không phải là chủ sở hữu nhưng chiếm hữu tài sản trên cơ sở quyền sử dụng đất, quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề, hoặc theo các căn cứ khác do pháp luật quy định hoặc theo thỏa thuận. Người này cũng có quyền đối kháng lại với chủ sở hữu nhằm bảo vệ sự chiếm hữu của mình.

CHƯƠNG XVII: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ NGHĨA VỤ DÂN SỰ VÀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

Điều 299-
Đăng ký giao dịch bảo đảm: 1- Việc đăng ký các giao dịch bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm. 2- Giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký, trừ trường hợp bên nhận bảo đảm giữ tài sản bảo đảm, thì giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận bảo đảm; nếu giao dịch bảo đảm được đăng ký trước khi chuyển giao tài sản cho bên nhận bảo đảm giữ, thì giao dịch bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu đăng ký sau khi chuyển giao tài sản, thì có hiệu lực kể từ khi chuyển giao tài sản. Việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp pháp luật có quy định.

Điều 300- Thứ tự ưu tiên thanh toán: Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định như sau: 1- Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký, thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký; 2- Trong trường hợp tài sản bảo đảm được chuyển giao cho bên nhận bảo đảm hoặc người thứ ba giữ, thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thời điểm chuyển giao; nếu giao dịch bảo đảm được đăng ký trước khi chuyển giao tài sản bảo đảm, thì thứ tự ưu tiên thanh toán được tính theo thời điểm đăng ký; nếu đăng ký sau khi chuyển giao tài sản, thì thứ tự ưu tiên thanh toán được tính theo thời điểm chuyển giao.

Điều 301- Một tài sản dùng để bảo đảm nhiều nghĩa vụ dân sự: 1- Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự, nếu có giá trị lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. 2- Trong trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác; nếu không thông báo, thì phải bồi thường cho bên nhận bảo đảm, nếu có thiệt hại xảy ra. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản. 3- Trong trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn, thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác. Trong trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn, thì có thể thỏa thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.

Điều 309- Cầm cố nhiều tài sản: 1- Trong trường hợp cầm cố nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ, thì mỗi tài sản được xác định bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận mỗi tài sản bảo đảm thực hiện một phần nghĩa vụ. 2- Bên cầm cố không được giảm bớt tài sản cầm cố cho đến khi thực hiện xong nghĩa vụ đối với bên nhận cầm cố.

Điều 312- Xử lý tài sản cầm cố trong trường hợp có nhiều tài sản cầm cố: Trong trường hợp tài sản được dùng để cầm cố có nhiều vật, thì bên nhận cầm cố được chọn tài sản cụ thể để xử lý, trừ khi có thỏa thuận khác. 2- Bên nhận cầm cố chỉ được xử lý số tài sản cần thiết tương ứng với giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm. Nếu xử lý quá số tài sản cần thiết và gây ra thiệt hại cho bên cầm cố, thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.

Điều 313- Thanh toán tiền bán tài sản cầm cố: Tiền bán tài sản cầm cố được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận cầm cố sau khi trừ chi phí bảo quản, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác có liên quan để xử lý tài sản cầm cố; trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm là khoản vay, thì thanh toán cho bên nhận cầm cố theo thứ tự nợ gốc, lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại (nếu có); nếu tiền bán còn thừa thì phải trả lại cho bên cầm cố; nếu còn thiếu, thì bên cầm cố phải trả tiếp phần còn thiếu đó.

Điều 343- Xử lý tài sản bảo lãnh: 1- Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà người bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì tài sản bảo lãnh được xử lý để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh. 2- Việc xử lý tài sản bảo lãnh được thực hiện theo phương thức do bên nhận bảo lãnh và người bảo lãnh thỏa thuận. 3- Các bên phải thỏa thuận về loại tài sản đưa ra xử lý để thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh; nếu không thỏa thuận được, thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định về việc xử lý một hoặc một số tài sản cần thiết cho việc thực hiện nghĩa vụ. 4- Trình tự, thủ tục xử lý tài sản bảo lãnh được thực hiện tương tự như xử lý tài sản cầm cố, thế chấp.

Điều 350- Cầm giữ tài sản: 1- Cầm giữ tài sản là việc một người (gọi là bên cầm giữ) đang chiếm hữu hợp pháp một vật thuộc sở hữu của người khác (gọi là bên có tài sản cầm giữ) mà có nghĩa vụ đến hạn được phát sinh từ vật này thì có thể cầm giữ vật đó cho đến khi nghĩa vụ được hoàn thành. 2- Khi nghĩa vụ được chuyển giao cho người khác thì cầm giữ tài sản cũng được chuyển giao cho người nhận chuyển giao nghĩa vụ đó. 3- Cầm giữ tài sản được thực hiện cho đến khi bên có tài sản cầm giữ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. 4- Thời hạn cầm giữ do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì bên cầm giữ có quyền xử lý tài sản cầm giữ để thực hiện nghĩa vụ của bên có tài sản cầm giữ sau khi thông báo về việc xử lý tài sản cầm giữ cho bên có tài sản cầm giữ trong một thời gian hợp lý.

Điều 351- Quyền và nghĩa vụ của các bên: 1- Bên cầm giữ tài sản có thể thu hoa lợi từ tài sản bị cầm giữ thay cho việc thực hiện nghĩa vụ. 2- Bên cầm giữ tài sản phải bảo quản tài sản cầm giữ, nếu để mất mát, hư hỏng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên có tài sản cầm giữ. 3- Bên cầm giữ tài sản có quyền yêu cầu bên có tài sản cầm giữ thanh toán các chi phí hợp lý để bảo quản tài sản. 4- Bên có tài sản cầm giữ được nhận tài sản sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ đối với bên cầm giữ.

Điều 352- Chấm dứt cầm giữ tài sản: Việc cầm giữ tài sản trong các trường hợp sau đây: 1- Theo thỏa thuận của các bên; 2- Bên có tài sản cầm giữ hoàn thành nghĩa vụ; 3- Bên cầm giữ tài sản vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 2 điều 350 của bộ luật này; 4- Thay thế cầm giữ tài sản bằng biện pháp bảo đảm khác.
 

Bảo lưu quyền sở hữu

Điều 353-
Bảo lưu quyền sở hữu: Chủ sở hữu có quyền bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản mua bán hoặc tài sản cung ứng cho đến khi bên có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ số tiền phải thanh toán.

Điều 354-
Hình thức của bảo lưu quyền sở hữu: Việc bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản. Việc bảo lưu quyền sở hữu có giá trị pháp lý đối với người thứ ba khi được đăng ký theo pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Điều 365- Chấm dứt nghĩa vụ dân sự do hết thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự: Khi thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự đã hết thì nghĩa vụ chấm dứt.
 

Mục 7: Hợp đồng dân sự
I. Giao kết hợp đồng dân sự

Điều 373-
Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực: 1- Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau: a) Do bên đề nghị ấn định; b) Nếu bên đề nghị không ấn định, thì đề nghị giao kết hợp đồng bắt đầu có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó. 2- Các trường hợp sau đây được coi là đã nhận được đề nghị: a) Đề nghị giao kết hợp đồng được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở, nếu là pháp nhân; b) Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị; c) Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.

Điều 375- Hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng: Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền hủy bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền này trong đề nghị, thì phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Điều 377- Sửa đổi đề nghị do bên được đề nghị đề xuất: Khi bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng, nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị, thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới.

Điều 378- Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng: Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.

Điều 380- Chậm nhận được thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng: 1- Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng biết về việc chậm nhận được thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, thì khi nhận được thông báo này bên đề nghị phải báo ngay cho bên được mời giao kết hợp đồng biết; nếu không thông báo ngay, thì coi như việc trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng được thực hiện đúng hạn. 2- Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan, mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này, thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị ngay lập tức trả lời không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị giao kết hợp đồng.

Điều 381- Trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự: Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi bên được mời giao kết hợp đồng trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng, thì đề nghị giao kết hợp đồng vẫn có giá trị.

Điều 382- Trường hợp bên được mời giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự: Trong trường hợp bên được mời giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng, thì việc trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có giá trị.

Điều 383- Rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng: Bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu thông báo này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.

Điều 393- Hợp đồng dân sự vô hiệu: 1- Các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ điều 118 đến Điều 129 của bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu. 2- Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. 3- Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.

Điều 394- Hợp đồng dân sự vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được: 1- Trong trường hợp ngay từ khi ký kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được vì lý do khách quan, thì hợp đồng này bị vô hiệu. 2- Trong trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được, nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng, thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được. 3- Quy định tại khoản 2 điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng có một hoặc nhiều phần đối tượng không thể thực hiện được, nhưng phần còn lại của hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý.

Điều 400- Không thực hiện được nghĩa vụ nhưng không do lỗi của các bên: Trong hợp đồng song vụ, nếu một bên không thực hiện được nghĩa vụ mà các bên đều không có lỗi thì bên không thực hiện được nghĩa vụ không có quyền yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Trường hợp một bên đã thực hiện được một phần nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên kia thực hiện phần nghĩa vụ tương ứng đối với mình.

Điều 408- Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự: Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là ba năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.
 

CHƯƠNG XVIII: HỢP ĐỒNG DÂN SỰ THÔNG DỤNG
Mục 4: Hợp đồng vay tài sản

Điều 463-
Chơi hụi, họ, biêu, phường: 1- Chơi hụi, họ, biêu, phường (sau đây gọi chung là chơi hụi) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người chơi hụi, thời gian chơi hụi, số tiền chơi hụi, định kỳ lĩnh hụi, thể thức lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của chủ hụi và các hụi viên trong dây hụi. 2- Việc chơi hụi nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân theo quy định của pháp luật và được nhà nước bảo hộ. 3- Nghiêm cấm việc tổ chức chơi hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi nhằm mục đích thu lợi bất chính.
 

CHƯƠNG XXI: TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Điều 593-
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: 1- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Có thiệt hại xảy ra; b) Có hành vi trái pháp luật; c) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra; d) Người gây thiệt hại có lỗi cố ý hoặc vô ý. 2- Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.

Điều 596- Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại: Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.

Điều 617- Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể, mồ mả: Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại cho cha, mẹ, vợ, chồng, con của người chết do xâm phạm đến thi thể, mồ mả. Trong trường hợp không có những người này thì bồi thường thiệt hại cho người trong dòng họ trực tiếp chăm sóc, trông coi thi thể, mồ mả.
 

CHƯƠNG XXV: THANH TOÁN VÀ PHÂN CHIA DI SẢN

Điều 675-
Phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế: 1- Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm thanh toán theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 2- Trong trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người thừa kế đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm thanh toán cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
 

CHƯƠNG XXX: HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 713-
Hợp đồng bảo lãnh quyền sử dụng đất: 1- Hợp đồng bảo lãnh quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên sử dụng đất (bên bảo lãnh) dùng quyền sử dụng đất của mình cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo quy định của bộ luật này và pháp luật về đất đai. 2- Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác, thì quy định tại các điều từ điều 706 đến điều 712 của bộ luật này cũng được áp dụng đối với việc bảo lãnh quyền sử dụng đất, trừ quy định tại khoản 5 điều 708 và khoản 2 điều 709 của bộ luật này.
 

CHƯƠNG XXXI: hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất

Điều 714-
Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất: Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận theo quy định của bộ luật này và pháp luật về đất đai.

Điều 715- Nội dung chủ yếu của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất: Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: 1- Tên, địa chỉ của các bên; 2- Lý do tặng cho quyền sử dụng đất; 3- Quyền, nghĩa vụ của các bên; 4- Loại đất, hạng đất, diện tích, vị trí, số hiệu, ranh giới và tình trạng đất; 5- Thời hạn sử dụng đất còn lại của bên tặng cho; 6- Quyền của người thứ ba đối với đất được tặng cho; 7- Trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng.

Điều 716- Nghĩa vụ của bên tặng cho quyền sử dụng đất: Bên tặng cho quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây: 1- Giao đất đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thỏa thuận trong hợp đồng; 2- Báo cho bên được tặng cho về quyền của người thứ ba đối với đất được tặng cho.

Điều 717- Nghĩa vụ của bên được tặng cho quyền sử dụng đất: Bên được tặng cho quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây: 1- Đăng ký tặng cho quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai; 2- Bảo đảm quyền của người thứ ba đối với đất được tặng cho; 3- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về đất đai.
Điều 718- Quyền của bên được tặng cho quyền sử dụng đất: Bên được tặng cho quyền sử dụng đất có các quyền sau đây : 1- Yêu cầu bên tặng cho giao đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thỏa thuận trong hợp đồng; 2- Được sử dụng đất theo đúng mục đích, đúng thời hạn; 3- Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 

CHƯƠNG XXXII: Hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất

Điều 719-
Hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất: Hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất (bên góp vốn) góp phần vốn của mình bằng giá trị quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh với cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình khác theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 720- Nội dung chủ yếu của hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất: Hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: 1- Tên, địa chỉ của các bên; 2- Quyền, nghĩa vụ của các bên; 3- Loại đất, hạng đất, diện tích, vị trí, số hiệu, ranh giới và tình trạng đất; 4-Thời hạn sử dụng đất còn lại của bên góp vốn; 5- Thời hạn góp vốn; 6- Giá trị quyền sử dụng đất góp vốn; 7- Quyền của người thứ ba đối với đất được góp vốn; 8- Trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng.

Điều 721- Nghĩa vụ của bên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất: Bên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây: 1- Giao đất đúng thời hạn, đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thỏa thuận trong hợp đồng; 2- Báo cho bên nhận góp vốn về quyền của người thứ ba đối với đất được góp vốn; 3- Đăng ký việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 722- Quyền của bên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất: Bên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất có các quyền sau đây: 1- Được hưởng lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất; 2- Được chuyển nhượng, để thừa kế phần góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác; 3- Được nhận lại quyền sử dụng đất đã góp vốn theo thỏa thuận hoặc khi thời hạn góp vốn đã hết; 4- Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên nhận góp vốn không thực hiện việc thanh toán phần lợi nhuận đúng thời hạn hoặc thanh toán không đầy đủ.

Điều 723- Nghĩa vụ của bên nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất: Bên nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây: 1- Thanh toán phần lợi nhuận cho bên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất đúng thời hạn, đúng phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng; 2- Bảo đảm quyền của người thứ ba đối với đất được góp vốn; 3- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 724- Quyền của bên nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất: Bên nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất có các quyền sau đây: 1- Yêu cầu bên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất giao đất đủ diện tích, đúng thời hạn, hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thỏa thuận trong hợp đồng; 2- Được sử dụng đất theo đúng mục đích, đúng thời hạn; 3- Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp bên nhận góp vốn là pháp nhân.
 

CHƯƠNG XXXV: Quyền sở hữu công nghiệp

Điều 756-
Căn cứ xác lập quyền sở hữu công nghiệp: 1- Đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, giống cây trồng và các đối tượng sở hữu công nghiệp khác mang bản chất sáng tạo công nghệ, quyền được hưởng sự bảo hộ thuộc về người đầu tư để tạo ra hoặc có được đối tượng đó: a) Tác giả, các đồng tác giả tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp bằng công sức và chi phí riêng của mình; b) Người sử dụng lao động đối với đối tượng sở hữu công nghiệp do người lao động tạo ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao, nếu không có thỏa thuận khác trong hợp đồng lao động; c) Người giao kết hợp đồng thuê việc với tác giả, nếu không có thỏa thuận khác; d) Người được người có quyền được hưởng sự bảo hộ quy định tại các điểm a, b và c khoản này chuyển giao quyền đó. 2- Đối với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại và các đối tượng sở hữu công nghiệp khác mang bản chất chỉ dẫn thương mại, quyền được hưởng sự bảo hộ thuộc về các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp đã đầu tư để thiết kế hoặc có được chỉ dẫn thương mại để sử dụng trong hoạt động kinh doanh của mình. 3- Chỉ dẫn địa lý là tài sản quốc gia, quyền quản lý thuộc về tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, quyền được hưởng sự bảo hộ thuộc về cộng đồng các tổ chức, cá nhân sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm có tính chất đặc thù chủ yếu do nguồn gốc địa lý đem lại.

Điều 759- Chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp: 1- Việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp phải tuân thủ các quy định chung về giao dịch dân sự và hợp đồng dân sự. 2- Mọi thỏa thuận chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp phải được lập thành văn bản hợp đồng. 3- Đối với các quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký: a) Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực trước bên thứ ba nếu được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; b) Việc chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu công nghiệp phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mới có hiệu lực.
 

CHƯƠNG XXXVI: CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Phần 7: Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài

Điều 776-
Xác định người không có, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự: Việc xác định người không có năng lực hành vi dân sự, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải tuân theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch. Trong trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thì việc xác định người đó không có, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải tuân theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 777- Xác định người bị mất tích hoặc chết: 1- Việc xác định một người bị mất tích hoặc chết phải tuân theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch vào thời điểm trước khi có tin tức cuối cùng về việc bị mất tích hoặc chết. 2- Trong trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thì việc xác định người đó bị mất tích hoặc chết phải tuân theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 779- Áp dụng biện pháp hạn chế năng lực pháp luật: Trong trường hợp công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài áp dụng biện pháp hạn chế năng lực pháp luật hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự đối với các quyền dân sự của họ thì trong trường hợp cần thiết cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể áp dụng biện pháp hạn chế năng lực pháp luật hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự tương tự đối với công dân, pháp nhân của nước ngoài đó tại Việt Nam.

Điều 781- Thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài: 1- Thừa kế theo pháp luật phải tuân theo pháp luật của nước có người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết. 2- Thời điểm mở thừa kế phải tuân theo pháp luật của nước nơi người để lại di sản thừa kế có quốc tịch vào thời điểm chết. 3- Quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó. 4- Di sản không có người thừa kế là bất động sản thuộc về nhà nước nơi có bất động sản đó. 5- Di sản không người thừa kế là động sản thuộc về Nhà nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết.

Điều 782- Thừa kế theo di chúc: 1- Năng lực lập di chúc, thay đổi và hủy bỏ di chúc phải tuân theo pháp luật của nước mà người lập di chúc là công dân vào thời điểm lập di chúc. 2- Hình thức của di chúc phải tuân theo pháp luật của nước nơi lập di chúc.

Điều 784- Hình thức của hợp đồng dân sự: 1- Hình thức của hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng được giao kết ở nước ngoài mà vi phạm quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước đó, nhưng không trái với quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật Việt Nam, thì hình thức hợp đồng được giao kết ở nước ngoài đó vẫn được công nhận tại Việt Nam. 2- Hình thức hợp đồng liên quan đến việc xây dựng hoặc chuyển giao quyền sở hữu công trình, nhà cửa và các bất động sản khác trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam.

Điều 785- Giao kết hợp đồng dân sự vắng mặt: Trong trường hợp giao kết hợp đồng vắng mặt, thì việc xác định nơi giao kết hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi cư trú của cá nhân hoặc nơi đóng trụ sở chính của pháp nhân là bên chào hợp đồng. Thời điểm giao kết của hợp đồng vắng mặt này được xác định là theo pháp luật của nước bên chào hợp đồng nhận được trả lời chấp nhận của bên được chào hợp đồng.

Điều 786- Giao dịch đơn phương: Trong quan hệ giao dịch đơn phương, quyền và nghĩa vụ của bên tự nguyện thực hiện quan hệ giao dịch đơn phương được xác định theo pháp luật của nước nơi cư trú hoặc nơi có hoạt động chính của bên đó.

Điều 791- Thời hiệu khởi kiện: Thời hiệu khởi kiện đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà pháp luật nước đó được áp dụng để điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài tương ứng.

CÁC PHƯƠNG ÁN SỬA ĐỔI (sửa đổi, bổ sung)
CHƯƠNG V: HỘ GIA ĐÌNH

Điều 108-
Đại diện của hộ gia đình: Phương án 1: 1- Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự nhân danh hộ gia đình. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ. Chủ hộ có thể ủy quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự. 2- Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện nhân danh hộ gia đình làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình. Phương án 2: 1- Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự nhân danh hộ gia đình. Chủ hộ là người đã thành niên do các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên cử ra. Việc cử người làm chủ hộ phải được lập thành văn bản. Chủ hộ có thể ủy quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản. -2 Khi tham gia giao dịch dân sự thì chủ hộ phải xuất trình văn bản được cử làm chủ hộ hoặc người đại diện của hộ theo ủy quyền phải xuất trình văn bản ủy quyền. 3- Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện nhân danh hộ gia đình làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình.
 

CHƯƠNG VI: GIAO DỊCH DÂN SỰ

Điều 129-
Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu: 1- Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực. Phương án 1: 2- Trong trường hợp giao dịch dân sự là bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa. Phương án 2: 2- Trong trường hợp giao dịch dân sự là bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu và người thứ ba được yêu cầu bồi thường thiệt hại.
 

CHƯƠNG XIII: CÁC HÌNH THỨC SỞ HỮU (chỉ giới thiệu phương án 1)
Mục 1

Sở hữu toàn dân

Điều 189-
Tài sản thuộc sở hữu toàn dân: Đất đai, rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi tự nhiên ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do nhà nước đầu tư vào các cơ quan, doanh nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân.

Điều 190-
Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân: 1- Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân. 2- Chính phủ thống nhất quản lý và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và tiết kiệm tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Điều 191-
Quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân: Việc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân được thực hiện trong phạm vi và theo trình tự do pháp luật quy định.

Mục 2
SỞ HỮU CÁ NHÂN

Điều 192-
Tài sản thuộc sở hữu cá nhân: 1- Mọi tài sản đều có thể thuộc sở hữu cá nhân, trừ một số loại tài sản mà pháp luật quy định không thể thuộc sở hữu cá nhân. 2- Tài sản hợp pháp thuộc sở hữu cá nhân không bị hạn chế về số lượng, giá trị.

Điều 193-
Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu cá nhân: 1- Cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng hoặc sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác phù hợp với quy định của pháp luật. 2- Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu cá nhân không được gây thiệt hại và làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Mục 3
SỞ HỮU PHÁP NHÂN (mới)

Điều 194-
Tài sản thuộc sở hữu pháp nhân: 1- Tài sản thuộc sở hữu pháp nhân là tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của các thành viên, từ ngân sách nhà nước và từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật. 2- Tài sản hợp pháp thuộc sở hữu pháp nhân không bị hạn chế về số lượng, giá trị.

Điều 195- Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu pháp nhân: Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu pháp nhân phải tuân theo các quy định của pháp luật, phù hợp với mục đích hoạt động của pháp nhân được quy định trong quyết định thành lập, điều lệ của pháp nhân đó.

Mục 4
SỞ HỮU CHUNG

Điều 196-
Sở hữu chung: Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản. Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Tài sản thuộc sở hữu chung là tài sản chung.

Điều 197- Xác lập quyền sở hữu chung: Quyền sở hữu chung được xác lập theo thỏa thuận của các chủ sở hữu, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán.

Điều 198- Sở hữu chung theo phần: 1- Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung. 2- Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Điều 199- Sở hữu chung hợp nhất: 1-Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu không được xác định đối với tài sản chung. Sở hữu chung hợp nhất bao gồm sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia. 2- Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung.

Điều 200-
Sở hữu chung của vợ chồng: 1- Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất. 2- Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. 3- Vợ chồng cùng bàn bạc, thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. 4- Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của tòa án.

Điều 201- Sở hữu chung của cộng đồng: 1-Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, làng, bản, buôn, sóc, cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng. 2- Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán, vì lợi ích của cộng đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. 3- Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất.

Điều 202- Chiếm hữu tài sản chung: Các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 203- Sử dụng tài sản chung: 1- Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. 2- Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung ngang nhau, nếu không có thỏa thuận khác.

Điều 204-
Định đoạt tài sản chung: 1- Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. 2- Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật. 3- Trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình, thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong thời hạn ba tháng đối với tài sản chung là bất động sản, một tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua, thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Trong trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn ba tháng kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại. 4- Trong trường hợp một trong các chủ sở hữu chung từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế, thì phần quyền sở hữu đó thuộc nhà nước.

Điều 205-
Chia tài sản thuộc sở hữu chung: 1- Trong trường hợp sở hữu chung có thể phân chia, thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu các chủ sở hữu chung đã thỏa thuận không phân chia tài sản chung trong một thời hạn, thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật, thì được trị giá thành tiền để chia. 2- Trong trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán, thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Điều 206- Sở hữu chung trong nhà chung cư: 1- Phần diện tích, trang thiết bị dùng chung trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung của tất cả chủ sở hữu các căn hộ trong nhà đó và không thể phân chia, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc có sự thỏa thuận của tất cả các chủ sở hữu. 2- Chủ sở hữu các căn hộ trong nhà chung cư có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc quản lý, sử dụng phần diện tích và thiết bị chung. 3- Trong trường hợp nhà chung cư bị tiêu hủy, thì chủ sở hữu các căn hộ trong nhà chung cư có quyền sử dụng diện tích mặt đất của nhà chung cư theo quy định của pháp luật.

Điều 207-
Chấm dứt sở hữu chung: Sở hữu chung chấm dứt trong các trường hợp sau đây: 1- Tài sản chung đã được chia; 2- Một trong số các chủ sở hữu chung được hưởng toàn bộ tài sản chung; 3- Tài sản chung không còn; 4- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
 

Phần sửa đổi, bổ sung

Về nguyên tắc áp dụng tập quán và áp dụng tương tự pháp luật được sửa đổi “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán áp dụng quy định tương tự của pháp luật” (trước đây có thể áp dụng tập quán hoặc tương tự pháp luật). Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận quy định thêm “phải được mọi cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác tôn trọng” (thay vì trước đây chỉ bắt buộc thực hiện đối với các bên). Nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền nhân thân được sửa đổi thành “quyền dân sự” với các quy định mới “khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm, thì chủ thể đó có quyền tự mình bảo vệ quyền theo quy định của bộ luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền: a) công nhận quyền dân sự của mình; b) buộc chấm dứt hành vi vi phạm; c) buộc xin lỗi, cải chính công khai; d) buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; đ) buộc bồi thường thiệt hại”. Nguyên tắc tuân thủ pháp luật được quy định chỉ “tuân theo quy định của bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan” (bỏ quy định: nếu pháp luật không quy định thì các bên có thể cam kết, thỏa thuận về việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự…).

Phần giám hộ, bỏ việc giám hộ của cơ quan nhà nước. Quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú, bỏ phần “UBND xã, phường, thị trấn nơi có tài sản của người vắng mặt thực hiện giám sát việc quản lý tài sản đó”. Việc giám hộ, bỏ phần đại diện của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Bỏ các điều luật quy định về việc giám hộ của cơ quan lao động, thương binh và xã hội.

Bộ luật cũng tách quy định phần Hộ tịch ra thành luật riêng nên xóa quy định về Hộ tịch trong bộ luật này.

Điều luật về Giám sát việc giám hộ, dự thảo quy định mới “Người thân thích của người được giám hộ có trách nhiệm cử người đại diện làm người giám sát việc giám hộ để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ, xem xét, giải quyết kịp thời những đề nghị, khiếu nại của người giám hộ liên quan đến việc giám hộ. Người thân thích giám sát việc giám hộ phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Người thân thích của người được giám hộ gồm: vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người được giám hộ. Trong trường hợp không có ai trong số những người thân thích nói trên thì người thân thích của người được giám hộ gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ. Trong trường hợp không có ai trong số những người thân thích nói trên thì người thân thích của người giám hộ gồm: chú, bác, cô, cậu, dì. Trong trường hợp không có người thân thích của người được giám hộ hoặc những người thân thích không cử được người giám sát việc giám hộ thì UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người giám hộ cử người giám sát việc giám hộ”.

Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ, dự thảo bỏ quy định “đủ 18 tuổi trở lên” nhưng lại thêm quy định “có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một tội trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác”. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên, quy định thêm “trong trường hợp không có ai trong số những người thân thích nói trên thì người thân thích của người giám hộ gồm: chú, bác, cô, cậu, dì”. Chấm dứt việc giám hộ, thêm nội dung chấm dứt khi “người được giám hộ được nhận làm con nuôi”. Quyền-nghĩa vụ của người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú, thêm phần “Trong trường hợp người vắng mặt tại nơi cư trú ủy quyền quản lý tài sản cho người khác, thì người quản lý tài sản có các quyền (nghĩa vụ) theo hợp đồng ủy quyền quản lý tài sản. Trong trường hợp người vắng mặt tại nơi cư trú không ủy quyền quản lý tài sản cho người khác, hoặc có ủy quyền nhưng trong hợp đồng ủy quyền không quy định quyền (nghĩa vụ) của người quản lý tài sản”. Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của người bị tòa án tuyên bố là đã chết, dự thảo thêm phần “Quan hệ tài sản của người bị tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với một người đã chết”. Hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết, thêm phần “vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã được tòa án cho ly hôn theo quy định trên thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật”.

Tài sản chung của hộ gia đình, dự thảo quy định thêm “Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu rừng, quyền sử dụng rừng hợp pháp của hộ gia đình”. Hình thức giao dịch dân sự, dự thảo thừa nhận thêm “Các giao dịch dân sự thông qua các hình thức điện báo, telex, fax, thư điện tử và các hình thức thông tin điện tử khác cũng được coi là giao dịch bằng văn bản”. Người đại diện theo pháp luật, bỏ phần đại diện của chủ hộ gia đình đối với hộ gia đình và của tổ trưởng tổ hợp tác với tổ hợp tác. Các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản, bổ sung thêm phần các quyền: “a- Quyền sử dụng đất; b- Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề; c- Các quyền khác theo quy định của pháp luật. Chuyển quyền sở hữu tài sản cho người khác không phải là căn cứ để chấm dứt các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản đó”. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật, thêm phần “Người phát hiện gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc” được coi là chiếm hữu có căn cứ pháp luật.

Tin cùng chuyên mục