Ngày 10-12, tại Hội trường NXB Trẻ, nhà báo Trần Ngọc Châu đã có buổi giao lưu và giới thiệu ấn phẩm Những giấc mơ bay tự do. Chương trình diễn ra trong không gian nhỏ gọn và ấm cúng, người tham gia chủ yếu là học trò và bạn hữu của tác giả. Thậm chí, có người bạn từ Mỹ cũng bay về Việt Nam chỉ để tham dự buổi ra mắt sách này.
Nhà báo Trần Ngọc Châu hiện là cố vấn cấp cao của Forbes Việt Nam. Trước Những giấc mơ bay tự do, ông từng viết, biên soạn và dịch một số ấn phẩm như: Nhập môn nghề làm báo; Quảng cáo thoái vị, PR lên ngôi; 40 ngày sống với đối phương; Vị đắng những chuyến đi xa; Con chim e thẹn; People 100; Buổi chiều xanh rêu; Đừng coi thường sự lười học của con người...
Theo chia sẻ của nhà báo Trần Ngọc Châu, giống như tên phụ của cuốn sách - Hiệu ứng Covid-19, nghĩ mới về những chuyến đi cũ, trong thời gian phòng chống dịch, thực hiện giãn cách ở nhà, ông đã mượn những câu chuyện từng viết về Ấn Độ, Philippines, Thái Lan, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ… để viết mới lại. Riêng câu chuyện về nước Nga là được ông viết mới hoàn toàn. “Thực sự tôi đã đi rất nhiều, có nơi ở lâu có nơi đi chơi, đi học. Dù vậy, tôi vẫn nghĩ là mình mới chỉ cưỡi ngựa xem hoa thôi, chưa thể tường tận và đầy đủ được”, ông khiêm tốn chia sẻ.
Là một trong những người được tác giả Trần Ngọc Châu tín nhiệm nhờ đọc sách khi còn ở dạng bản thảo, TS Huỳnh Ngọc Sang, nguyên Trưởng Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM cho biết: “Tôi rất khâm phục và đồng cảm với thông điệp từ cuốn sách của nhà báo Trần Ngọc Châu. Trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 không thể đi đâu được mà tác giả đã gửi gắm tâm tình của mình, gửi gắm những nuối tiếc về những ngày tháng rất tự do mà chúng ta không biết được, bây giờ mới thấy nó quý. Bình thường chúng ta sử dụng những thứ miễn phí nhưng không nghĩ gì hết, đến khi bức bí quá, như đợt dịch vừa rồi, mới thấy tiếc”.
Như một đúc kết của người Việt: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, ở Những giấc mơ bay tự do, có hơn “một sàng khôn” được nhà báo Trần Ngọc Châu chắt lọc và đúc kết. Đó là bài học bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa của Nhật Bản qua trường hợp nghệ thuật rối Bunraku đã tồn tại và phát triển hơn 300 năm. Đó là bài học về “làn sóng Hàn Quốc” từ xứ Kim chi, mà theo tác giả Trần Ngọc Châu, một trong những thành tố quan trọng có thể nói là bản chất của quyền lực mềm, chính là tự do sáng tạo. “Không có ý thức tự do tuyệt đối trong sáng tạo sẽ không có tác phẩm nghệ thuật xuất sắc”, nhà báo Trần Ngọc Châu đúc kết trong cuốn sách của mình.
Còn rất nhiều bài học nữa đến từ các quốc gia với nhiều lĩnh vực khác nhau, đã được tác giả tìm hiểu và thể hiện trong cuốn sách của mình. Vì lẽ đó, cuốn sách này không dành riêng cho một đối tượng cụ thể nào đó mà là món quà chung cho tất cả, từ những bạn đọc phổ thông cho đến những nhà giáo, nhà nghiên cứu, giới chuyên môn thậm chí là giới lãnh đạo.