
5 năm sau thảm họa tàu vũ trụ Columbia, một bản báo cáo đầu tháng này đã công bố chi tiết những giây cuối cùng của 7 phi hành gia trong chuyến tàu định mệnh khiến nhiều người phát hiện thêm nguyên nhân dẫn đến tai nạn thảm khốc này.
Nguyên nhân tai nạn: quần áo phi hành gia?
Bản báo cáo dài 400 trang, tường thuật chi tiết khoảng thời gian của 7 phi hành gia bước chân lên tàu Columbia, vụ nổ bất ngờ và những giả thiết dẫn đến tai nạn sau nhiều năm điều tra. Trong chuyến bay, tàu con thoi Columbia mang theo Ilan Ramon, Kalpana Chawla, Rick Husband, Willie McCool, Michael P. Anderson, Laurel B. Clark và David M. Brown.
Theo lịch trình, sau 16 ngày làm việc trên quỹ đạo, 7 nhà du hành sẽ trở về Trái đất ngày 1-2-2003. Tuy nhiên thảm họa đã xảy ra. Giả thiết đầu tiên là cả phi hành đoàn hoàn toàn mất kiểm soát tốc độ và phương hướng của con tàu. Tàu lật qua lật lại, đèn trong cabin lái tắt và nhiều phần của con tàu bao gồm các cánh, đã bắt đầu rơi ra. Trong khoảng vài giây cuối trước khi tàu bị nổ tung, module chở phi hành đoàn bị nứt và mất áp suất. Toàn bộ các phi hành gia đều bị ngất và chết ngay lập tức.

7 phi hành gia trên chuyến tàu định mệnh Columbia.
Nhưng giả thiết được chú ý nhiều nhất mới được đưa ra và được đặt nhiều câu hỏi nhất là quần áo chuyên dụng của 7 phi hành gia trong chuyến thám hiểm định mệnh ấy. Trong lúc con tàu đang bị mất phương hướng, một số phi hành gia còn chưa mang găng tay bảo vệ và vẫn đang mở kính che mặt.
Số khác vẫn chưa thắt chặt đai an toàn. Và điều này đã dẫn đến những sự cố không ngờ tới. Nếu các phi hành gia mặc quần áo có đủ độ tăng áp, họ có thể sẽ sống lâu hơn và thực hiện thêm nhiều hoạt động nữa.
Nhưng điều này cũng không thể giúp phi hành đoàn sống sót vì trong khoang lái họ bị va đập với các vật thể khác nhau trong module chở người, đối mặt với tình trạng gần chân không ở độ cao 30 km và đâm thẳng xuống mặt đất. Các phân tích cho thấy mũ bảo hộ của phi hành gia không bảo vệ được họ. Sự thiếu vắng các quy định về an toàn trước lúc hạ cánh đã gây nên những thương tổn không đáng có.
Nhóm điều tra phát hiện nhiều khiếm khuyết ở các ghế và hệ thống hạ cánh bằng dù của tàu. Người ta từng nghĩ nguyên nhân do bánh hạ cánh bên trái của con tàu hạ xuống không đúng cách. Nhưng nguyên nhân này bị loại trừ do chỉ có một bộ phận cảm biến trên tàu báo cáo về việc này. Nhiều chuyên gia vũ trụ không ủng hộ kịch bản này.
Một bản báo cáo lần đầu tiên đã đưa ra 30 kiến nghị giúp cải tiến chất lượng các chuyến bay thám hiểm vũ trụ của NASA. Hầu hết đó là những thay đổi liên quan tới quần áo phi hành gia, mũ bảo vệ và dây đai an toàn trong các con tàu hiện nay và cho cả các con tàu du hành vũ trụ lắp ghép mới mà NASA đang xây dựng. Kể từ khi thảm họa xảy ra, bản thân NASA cũng đã yêu cầu các phi hành gia phải đặt việc bảo vệ tính mạng lên hàng đầu bằng cách mặc quần áo dành cho phi hành gia đầy đủ, trước khi lo cứu con tàu.
Hậu quả
Vụ nổ tàu Columbia năm 2003 đã gây chấn động nước Mỹ và thế giới. Tai nạn thảm khốc này kéo theo một loạt những thay đổi trong chương trình không gian. NASA tuyên bố ngừng việc phóng các tàu con thoi trong 1 năm, dân số trên Trạm không gian quốc tế tạm thời bị rút gọn, đồng thời làm dấy lên nhiều lo ngại về độ an toàn của những con tàu đưa người lên vũ trụ.
NASA đã đình chỉ hoạt động của 3 tàu con thoi còn lại (Discovery, Atlantis và Endeavour) sau hơn một năm kể từ khi tàu Columbia nổ tung. NASA cũng thừa nhận là đã đánh giá quá thấp các nguy cơ thất bại. Các nhà điều tra chỉ ra rằng chính việc coi thường sự cố của NASA là nguyên nhân gây ra các tai nạn chết người.
Sau sự kiện tàu con thoi Challenger nổ tung vào năm 1986, vụ tai nạn của tàu Columbia đã khiến NASA tiếp tục hứng chịu sự chỉ trích ác liệt nhất kể từ khi tổ chức này được sinh ra. Tổn thất của con tàu thật lớn, không chỉ về tài chính mà cả về tiếng tăm. Nhưng tần số phóng tàu con thoi xuống dưới 6 lần/năm (giai đoạn 1988-2002) khiến giá thành của mỗi chuyến bay trở lên đắt đỏ hơn. Chưa hết, do quá dồn sức vào việc thiết kế và chế tạo tàu con thoi, nước Mỹ cũng không có đủ thời gian để thay thế các thế hệ tên lửa và trên thực tế họ đã bị người Nga, Trung Quốc và châu Âu qua mặt.
Từ 2003 đến nay, NASA đã phóng thành công 11 tàu con thoi lên vũ trụ. Chuyến mới nhất là tàu Endeavour chở thiết bị lên nâng cấp Trạm không gian quốc tế ISS, cuối tháng 11 vừa qua. Năm 2008, người Mỹ dường như không muốn mình tụt hậu xa hơn nữa: một kế hoạch không gian tham vọng khác đã bắt đầu với mục tiêu đưa con người trở lại Mặt trăng.
Mỹ có kế hoạch đẩy nhanh chương trình trở lại mặt trăng trong tương lai, nhằm giữ vững vị trí tiên phong của Mỹ trong ngành không gian, trước sự bành trướng của Trung Quốc. Nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống tân cử Barack Obama đang xem xét kỹ lưỡng kế hoạch này. Theo đó, cơ quan không gian của Lầu Năm góc cùng cơ quan Hàng không và không gian quốc gia Mỹ (NASA) sẽ phối hợp với nhau xóa nhòa ranh giới giữa hai lĩnh vực không gian dân sự và quân sự. NASA cho biết sẽ phóng tàu vũ trụ không người lái thăm dò Mặt trăng vào ngày 2-12-2009.
Thanh Hằng
(Theo Reuters, MSNBC)