Oleg Kuznetsov vắng mặt vì bị treo giò trong trận chung kết EURO 1988. Và hơn ai hết, chính Lobanovsky hiểu rõ: Liên Xô không thua Hà Lan trong trận tranh ngôi vô địch Euro thì đấy mới là điều lạ. Kuznetsov chính là mắt xích quan trọng nhất mà Lobanovsky xây dựng trong hệ thống chiến thuật của Dynamo Kiev nói riêng cũng như đội tuyển Liên Xô nói chung.
Tại EURO 1988, Liên Xô gặp lại Hà Lan trong trận chung kết. Đấy là đối thủ mà Liên Xô đã thắng ngay trận ra quân ở vòng bảng. Nhưng kỳ này, Hà Lan thắng 2-0 và lần đầu tiên đoạt được một chức vô địch quan trọng. Lạ ở chỗ: Hà Lan không chỉ thắng về tỷ số, mà còn thắng về lối chơi. Không ai có thể nghi ngờ về chức vô địch EURO 1988 của Hà Lan, kể từ sau bàn mở tỷ số của Ruud Gullit. Càng không ai có thể hoài nghi về tư cách vô địch Hà Lan, khi cả thế giới thán phục cú vô-lê ấn định tỷ số 2-0 của Marco Van Basten trong trận chung kết.
Dĩ nhiên, đấy là chiến thắng quá xứng đáng. Nhưng điều quan trọng là bản thân HLV Lobanovsky đã biết rõ kết cục từ trước khi bóng lăn trong trận chung kết. Còn có ai hiểu rõ hơn chính Lobanovsky, về chỗ khiếm khuyết trong lối chơi nặng tính khoa học mà ông áp dụng?
Hậu vệ Oleg Kuznetsov của Liên Xô bị treo giò trong trận chung kết. Giáo sư Anatoliy Zelensov, một cộng sự đắc lực luôn có những hỗ trợ tuyệt vời cho Lobanovsky trong sự nghiệp huấn luyện của ông, nói về lối chơi của đội tuyển Liên Xô dưới thời Lobanovsky: “Bạn đã bao giờ xem kỹ cách bay của một đàn ong? Cả đàn bay theo một quy luật nhất định, rất nhịp nhàng, do con ong đầu đàn quyết định. Con đầu đàn ngả sang phải, cả đàn sẽ bay sang phải. Con đầu đàn mà bay sang trái thì cả đàn ong lập tức ngả sang trái. Bóng đá cũng vậy.
Và trong cách chơi nặng tính khoa học của đội tuyển Liên Xô dưới thời Lobanovsky, Kutznetsov chính là con ong đầu đàn. Anh quyết định toàn bộ cách di chuyển của cả đội hình. Liên Xô mà thiếu Kutznetsov trong trận chung kết thì chẳng khác gì đàn ong bỗng mất con đầu đàn. Tất cả lập tức xáo trộn, mất định hướng”. Lối chơi của đội tuyển Liên Xô hoàn toàn tan vỡ từ trước khi họ bước vào trận chung kết với Hà Lan. Lobanovsky chẳng phải không thấy, nhưng ông đành chịu.
Vì quá thiên về hệ thống chiến thuật mà rút cuộc, các ngôi sao Liên Xô dưới thời Lobanovsky trước sau cũng chỉ tỏ rõ tài năng của họ trong màu áo Dynamo Kiev hoặc ĐTQG. Khi chuyển ra nước ngoài thi đấu, Oleksandr Zavarov trở thành nỗi thất vọng lớn ở Juventus. Vassily Rats trụ được không tới 1 năm ở Espanyol. “Quả bóng vàng châu Âu” Igo Belanov thì thất bại ở Borussia Moenchengladbach đến nỗi chỉ trong một thời gian ngắn, anh phải trôi giạt về giải hạng Ba của Đức.
Sau này, “tinh thần Lobanovsky” vẫn được phát huy mạnh mẽ trong thời kỳ độc lập của Ucraina. Dynamo Kiev vẫn vào đến tận bán kết Champions League. Nhưng quy luật không hề thay đổi. Andriy Shevchenko là ngôi sao duy nhất do Lobanovsky đào tạo tiếp tục thành công sau khi chia tay Dynamo Kiev. Anh đoạt “Quả bóng vàng châu Âu 2004” dưới màu áo AC Milan. Còn lại, đồng đội tuyệt vời của Shevchenko ở Dynamo Kiev là Serhiy Rebrov hầu như không làm nên trò trống gì dưới màu áo Tottenham. Andriy Husin thì thậm chí thất bại ở CLB nhỏ xíu, Millwall tại Anh.
Cách đây đúng 10 năm, Lobanovsky qua đời. Cũng có thể xem đấy là cột mốc quan trọng khiến bóng đá Ucraina - vốn đã chịu nhiều bất lợi từ khi Liên Xô tan ra, càng rơi vào tình trạng tầm thường khi không còn lá cờ đầu Lobanovsky. Andriy Shevchenko và đồng đội lọt vào VCK World Cup 2006, và có thành tích không đến nỗi tồi tại giải ấy. Nhưng đấy có lẽ chỉ là thành quả ngẫu nhiên.
Bây giờ, Dynamo Kiev không còn chút hy vọng nào trong việc tìm lại thời kỳ hoàng kim, dưới thời Lobanovsky. Đội tuyển Ucraina cũng vậy. Tuy đều là đồng chủ nhà của Euro 2012, nhưng hy vọng của đội tuyển Ucraina bị đánh giá thấp hơn hẳn đội chủ nhà còn lại tại EURO 2012 là đội tuyển Ba Lan.
“Tinh thần Lobanovsky” thật ra không có gì lạ. Cả đội cứ phải chơi bóng vì nhau, pressing mạnh mẽ khi không có bóng và di chuyển một cách đồng bộ khi có bóng, dựa trên nền tảng thể lực dồi dào. Ai cũng biết vậy, nhưng khâu triển khai cụ thể thì hoàn toàn không dễ. Vả lại, trong thời buổi “toàn cầu hóa” này, làm gì có chuyện các tài năng bóng đá vươn lên từ Dynamo Kiev hoặc Ucraina nói chung cứ mãi sát cánh với nhau, như trong thập niên 1980.
Lối chơi nặng về khoa học từng giúp Lobanovsky và các học trò đi vào huyền thoại càng khó có thể lặp lại trong thời buổi này. Không biết bao giờ bóng đá Ucraina mới lại có một Lobanovsky, và cả một triết lý bóng đá nổi tiếng như cách đây 1/4 thế kỷ.
THANH QUẾ