TPHCM không chỉ là một đầu tàu kinh tế - luôn thể hiện sự năng động, sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế mà còn là nơi có khả năng kiến tạo đời sống văn hóa, nghệ thuật đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển, của công chúng - thu hút và lan tỏa giá trị nhân văn.
Ngay sau ngày giải phóng và những năm đầu đổi mới, nhất là sau khi có Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại TP diễn ra sôi động và đa dạng. Lãnh đạo TP đã luôn có sự quan tâm, có chính sách đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa. Đồng thời có chính sách hỗ trợ đầu tư cho sáng tác, chăm sóc văn nghệ sĩ cao tuổi, tiêu biểu và hỗ trợ tài năng trẻ. TP đã tạo điều kiện xã hội hóa trong đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, trong tổ chức hoạt động nhiều loại hình văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng cao của người dân.
Mặc dù TP có tiềm lực về văn hóa, có lực lượng văn nghệ sĩ đông nhưng chưa mạnh, sản phẩm văn học, nghệ thuật có số lượng nhiều nhưng chưa tương xứng với đòi hỏi nâng cao về chất lượng. Văn học, nghệ thuật chưa phản ánh sống động công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, chưa làm bật những vấn đề chung của con người, chưa có nhiều tác phẩm đỉnh cao thể hiện tư tưởng thẩm mỹ, nghệ thuật, nhân văn, con đường đi lên của đất nước trong thời kỳ mở cửa, hội nhập. Một số tác phẩm thể hiện sự cực đoan, tô đậm mặt trái, mặt tiêu cực…
Không ít tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, không ít phim làm nhanh theo kiểu “mì ăn liền”. Khoảng trống nghệ thuật, khoảng trống “GDP văn hóa” còn lớn, nhất là việc đáp ứng nhu cầu cho thiếu nhi. Có nhạc sĩ cho rằng, hàng chục năm nay ít có bài hát hay dành cho thiếu nhi. Phim dành cho thiếu nhi số lượng ít và chất lượng không cạnh tranh so với phim ngoại. Sách cho thiếu nhi cũng thưa thớt và đa phần là sách dịch.
Những năm qua, sách, báo đã nhập siêu nhiều và trong nhập văn hóa phẩm cũng có nhập “rác phẩm”. Trước đây, TP có hơn 50 rạp chiếu phim thuộc Công ty Chiếu bóng, nay rạp chiếu trực thuộc Nhà nước chỉ còn 2 rạp (Đống Đa ở quận 5 và Fafilm Cinéma ở quận 1). Một số phim nhà nước đặt hàng được đánh giá là có chất lượng nhưng không có điều kiện chiếu rộng rãi cho người dân xem.
Nguyên nhân của tình hình trên không chỉ cho người sáng tác thiếu cảm hứng, trí tuệ, vốn sống, thực tiễn... Vấn đề đáng nói là ở khâu lãnh đạo, chỉ đạo, ở việc thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Trong đó, có việc chưa quan tâm đầy đủ đối với văn nghệ sĩ cả về đào tạo, bồi dưỡng và chế độ chính sách hợp lý, nhất là đối với những tài năng. Nhiều văn nghệ sĩ cho rằng mình đã tự bơi, không có sự động viên, tiếp sức, đặt hàng.
Chính sách đầu tư cho văn hóa, văn nghệ còn nhiều điều bất hợp lý, chưa tương xứng và chênh lệch nhiều so với đầu tư phát triển kinh tế. Chính sách xã hội hóa có triển khai ở lĩnh vực này nhưng chưa mạnh. Trong chỉ đạo, điều hành, có phần tập trung lo cho hoạt động trước mắt như lễ hội, hội diễn, hội thi, liên hoan, sân khấu hóa… Nhìn chung, cơ chế quản lý văn hóa chậm được đổi mới, bộ máy và cán bộ quản lý chậm kiện toàn. Các hội chuyên ngành còn thiếu điều kiện hoạt động và chưa thu hút mạnh lực lượng trẻ tham gia. Mặt khác, tiêu cực trong Đảng và xã hội làm ảnh hưởng đến niềm tin, có tác động không nhỏ đến văn nghệ sĩ.
Cùng với việc thể chế hóa nghị quyết của Đảng thành chính sách cụ thể ở phạm vi cả nước, TP cần có đề án riêng, đề cập đúng mức những vấn đề cần giải quyết. Trong đó có xem xét nâng tỷ lệ đầu tư cho văn hóa, văn học, nghệ thuật một cách tương xứng, có trọng tâm, trọng điểm, có chính sách đầu tư cho các văn nghệ sĩ có khả năng sáng tác. Quan tâm đúng mức việc quy hoạch, sắp xếp và đầu tư mới những công trình văn hóa, thiết chế văn hóa như nhà hát, rạp chiếu phim, thư viện, nhà văn hóa ở cơ sở… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân. Cùng với tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý tương xứng bao gồm những người có chuyên môn, tâm huyết hết lòng chăm lo cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
TP sẽ chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo và công tác xây dựng Đảng theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân, tạo đà cho cảm hứng sáng tạo của văn nghệ sĩ. Hội nghị Trung ương 9 với nghị quyết mới về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, nhất định TP sẽ là nơi triển khai thực hiện một cách tích cực và hiệu quả.
Thời cuộc và công chúng tạo ra văn nghệ sĩ. Cuộc sống với yêu cầu phát triển đang chờ đợi văn nghệ sĩ. Có nhiều điều trong cuộc sống có thể văn nghệ sĩ chưa lý giải và còn tranh cãi nhưng làm thế nào cho con người yêu cuộc sống và chung tay xây dựng cho cuộc sống tốt hơn là điều mà văn nghệ sĩ nào cũng đều có thể vun đắp.
Chăm lo cho sự phát triển văn hóa, ươm mầm cho những tài năng, trong đó có tài năng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật là điều rất cần được quan tâm đầu tư, không thể xem nhẹ. Một khi được TP quan tâm và có sự tập trung chỉ đạo, điều hành, vấn đề sẽ khác. Chúng ta có quyền hy vọng…
PHẠM PHƯƠNG THẢO