Với một nhà cầm quân non kinh nghiệm, một đội ngũ mới tinh tươm thay thế cho dàn sao danh tiếng, Brazil vẫn thống trị Copa America 2007 để xác lập một trật tự y hệt như kỳ giải trước, bất kể Argentina mang đến một đội hình mạnh nhất trong 2 thập niên qua.

Chiến thắng 3-0 của Brazil trước đại kình địch Argentina trong trận chung kết hôm thứ Hai đã tái lập lại thứ bậc của bóng đá lục địa này trước vòng loại World Cup (sẽ diễn ra vào tháng 9 tới). Cùng lúc nó khẳng định ưu thế hiện thời của Brazil trước đối thủ truyền kiếp Argentina sau chiến thắng đầy may mắn ở kỳ giải trước (năm 2004, Brazil ghi bàn trong giờ cộng thêm và thắng trong loạt sút luân lưu).
Đó là chiến thắng thứ hai liên tiếp của Brazil ở Copa trên tổng cộng 8 lần chiến thắng trong 42 kỳ giải. Đó cũng là chiến thắng bất ngờ với một nhà cầm quân chưa từng trải chiến trường như Dunga và với một đội hình vắng hầu như toàn bộ các vị trí chính thức. Người ta thống kê là đội quân của Dunga chỉ có đúng 5 cầu thủ từng dự World Cup 2006 (Juan, Gilberto, Robinho, Gilberto Silva và Mineiro) mà 4 trong số đó thường xuyên ngồi băng ghế dự bị. Thậm chí, đội hình chính của Dunga trông còn yếu hơn cả đội hình 2 của HLV Parreira trên đất Đức!
Nhưng dường như việc thiếu vắng những siêu sao Brazil trong giải đã khuyến khích các cầu thủ còn lại ganh đua để phá kỷ lục về số bàn thắng: 86 bàn trong 26 trận, trung bình 3,3 bàn/trận và làm hài lòng đám đông khán giả trên những sân vận động bán hết vé ở Venezuela - nơi và việc xây dựng và cải tạo sân bóng đã khiến quốc gia đăng cai mất 1 tỷ USD. Đó cũng là kỷ lục đáng nhớ ở giải châu lục có lịch sử lâu đời đến 91 năm này.
Nhưng không phải Brazil mà chính Argentina mới là đội mang đến nét đẹp và lối chơi ngẫu hứng cho Copa kỳ này. Với những bàn thắng ở cấp độ thế giới của Leo Messi và những cuộc trình diễn ngoạn mục của Riquelme, Tevez, Argentina đã thu hút lượng khán giả to lớn đến xem những trận đấu của họ. Nhưng chơi hay như thế vẫn chưa đủ để kết thúc cơn khao khát vinh quang suốt 14 năm và chưa thể nhích thêm chút nào con số kỷ lục 14 danh hiệu mà họ tạo dựng ở Copa. Sau trận thua Brazil 0-3, trung vệ Roberto Ayala thừa nhận: "Đó không phải là trận chung kết mà chúng tôi mong chờ".
Brazil đang thống trị tuyệt đối ở Copa khi thắng 4 trong 5 kỳ giải gần đây, nhưng chiến thắng lần này dựa trên hiệu quả hơn là lối chơi đẹp. Họ hiếm khi gây ấn tượng bằng lối chơi tập thể mà chỉ dựa trên kế hoạch phòng thủ trước khi quật ngã đối thủ bằng những đòn phản công. HLV Dunga đã bị chỉ trích khi từ bỏ truyền thống bóng đá đẹp, nhưng chiến thắng là điều quan trọng nhất như lập luận của Robinho và Baptista: "Nhiều người chỉ trích Brazil, nhưng chúng tôi đã là những nhà vô địch".
NHỮNG DẤU ẤN CÒN LẠI
Brazil và Argentina vẫn là hai thế lực vượt trội ở châu lục, nhưng phía sau họ Uruguay cho thấy một đẳng cấp cao hơn so với phần còn lại. Cristian Rodriguez, tiền vệ tấn công 21 tuổi của PSG đã chơi rất hay để giúp nhà cựu vô địch lần thứ 4 liên tiếp lọt vào bán kết. Họ thua Brazil trong sút luân lưu và chỉ thua Mexico 1-3 trong trận tranh hạng ba vì mất thủ quân Diego Lugano từ phút 38. Thành tựu của Mexico ở giải này đã giúp củng cố chiếc ghế của Hugo Sanchez sau khi đưa đội hình mới, vắng nhiều trụ cột từng chơi trong đội hình của người tiền nhiệm Ricardo La Volpe ở World Cup 2006.
Thất vọng lớn nhất ở giải này là Colombia, đội bóng đến Venezuela với tham vọng vô địch nhưng rời giải ngay sau vòng đầu và tương lai của HLV Jorge Luis Pinto thực sự bị nghi ngờ khi Cafeteros để lọt đến 9 bàn sau 3 trận. Thất bại của Ecuador cũng là điều đáng ghi nhận khi đội đại diện Nam Mỹ 2 lần dự World Cup gần đây lại thua tan tác cả 3 trận.
Trận thua 1-6 trước Brazil ở tứ kết đã khiến Nelson Acosta quyết định chia tay tuyển Chile, nhưng cú sốc lớn nhất lại là scandal trong khách sạn khiến LĐBĐ Chile treo giò 20 trận đội trưởng Jorge Valdivia và 5 cầu thủ khác.
Cuối cùng, phải kể đến dấu ấn lịch sử của đội chủ nhà Venezuela. Trong lần đầu tiên đăng cai, họ đã giành chiến thắng đầu tiên trong lịch sử kể từ năm 1967 khi khuất phục Peru 2-0 để mở đường vào tứ kết. Người Venezuela chứng tỏ họ có năng lực tổ chức khi giải diễn ra suôn sẻ bất kể đến ngày khai mạc nhiều sân vẫn chưa hoàn thành những công đoạn cuối cùng. Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ dự định sẽ trao quyền tổ chức giải tới cho Argentina, nhưng cũng đang cân nhắc đưa Copa đến Mexico như lần đầu tiên tổ chức bên ngoài lục địa.
THANH NHƯ