Ngày 3-4-2012, Chính phủ ban hành NĐ 24/CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Sau 1 năm thực hiện, thị trường vàng vẫn còn tình trạng thiếu ổn định, giá vàng trong nước vẫn liên tục tăng cao hơn so với giá vàng thế giới ở mức phổ biến 5 - 6 triệu đồng/lượng. Việc quản lý thị trường vàng đang là một thách thức đối với các cơ quan quản lý. Báo SGGP trân trọng giới thiệu bài viết của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.
Trả lại việc kinh doanh vàng miếng cho DN
Điều trước tiên là hãy trả lại việc kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép. Điều kiện kinh doanh vàng cho các doanh nghiệp chỉ cần quy định vốn điều lệ 20 tỷ đồng thay vì 100 tỷ đồng; giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp; có cửa hàng, mặt bằng và trang thiết bị đo lường, kiểm định vàng. Thực hiện đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, không cần phải có giấy phép con của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Với điều kiện như vậy sẽ cho phép các DN trước đây đã được phép kinh doanh vàng miếng trở lại. Có như vậy, mới tạo lập một hệ thống phân phối trên thị trường rộng khắp cho phép người dân ở mọi vùng miền đều được hưởng lợi, có điều kiện giao dịch thuận lợi. Nhà nước chỉ quản lý chất lượng (tuổi vàng), trọng lượng, nhãn hiệu như các doanh nghiệp đã đăng ký, cho phép nhiều thương hiệu cùng tồn tại thay vì độc quyền. Khi đã quy định điều kiện kinh doanh thì không được “đẻ” ra các thủ tục xin - cho, cấp giấy phép con. Cần khuyến khích các đơn vị này sản xuất thêm vàng miếng với kích thước trọng lượng theo thông lệ quốc tế (vàng khối/thanh với trọng lượng ounce và kg) và khuyến khích giao dịch loại vàng này để giảm dần việc sử dụng các sản phẩm vàng theo đơn vị truyền thống (chỉ, lượng).
Để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vàng có điều kiện tham gia tích cực hơn nữa vào việc thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường vàng của NHNN, có thể tham gia trong sân chơi đấu thầu vàng, việc cho phép các tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp vay vốn mua vàng qua đấu thầu và mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện tín dụng là cần thiết. Tỷ lệ đặt thầu mức tối thiểu nên quy định là 300 lượng/phiên và mỗi bước khối lượng đặt thầu là 30 lượng. Mức đặt thầu tối thiểu và mỗi bước đặt thầu như vậy mới tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ kinh doanh vàng có điều kiện về vốn tham gia đấu thầu vàng miếng.
NHNN chỉ nên thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách: Chỉ điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh Ngoại hối, Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng mà không tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bình ổn thị trường vàng là bình ổn giá
|
Bản chất của bình ổn thị trường vàng là bình ổn giá bởi giá là tín hiệu, là hàn thử biểu phản ánh thực trạng của thị trường. Như Thống đốc NHNN đã từng tuyên bố chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới 400.000 đồng là hợp lý (khoảng 20USD/lượng). Việc NHNN đưa ra mức giá sàn trong các phiên đấu thầu chính là NHNN đã thừa nhận đó là giá thị trường. Mức giá sàn này luôn cao hơn giá thế giới, hiện tại 5,8 triệu đồng/lượng (khoảng 290 USD/lượng) gấp gần 14 lần so với giá hợp lý mà Thống đốc đã từng tuyên bố. Như vậy, 12 phiên đấu thầu của NHNN là không thành công.
Thông qua đấu thầu, NHNN có thể thu hẹp sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Với vai trò độc quyền xuất nhập khẩu vàng, NHNN có tài khoản vàng ở nước ngoài, nên tại thời điểm đưa ra khối lượng vàng đấu thầu, có thể mua ngay lượng vàng đưa ra gọi thầu với giá vàng thế giới tại thời điểm đó. Tại thời điểm này, NHNN cũng biết được giá vàng trong nước. Từ đó, NHNN có thể đưa ra giá sàn đấu thầu là bao nhiêu tùy thuộc vào ý đồ của mình, có thể sát hoặc không sát với giá thế giới với khoảng chênh lệnh là tùy ý, mà không sợ lỗ.
Để thị trường vàng Việt Nam liên thông với thị trường thế giới, phải có biện pháp loại bỏ yếu tố giá cách biệt như hiện nay bằng các giải pháp thị trường. Cung phải gắn với cầu, tiến tới tự do hóa xuất nhập khẩu, Nhà nước chỉ điều tiết bằng chính sách thuế như các nước khác trên thế giới. Nhà nước quản lý đầu vào là vàng nhập khẩu, vàng nguyên liệu thu mua trôi nổi trên thị trường bằng số lượng vàng miếng sản xuất ra theo báo cáo định kỳ của doanh nghiệp cho NHNN và báo cáo thuế theo quy định. Việc xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu cần được giao dịch trở lại cho các công ty có chức năng và hội tụ đủ điều kiện. Không nhất thiết phải giới hạn về mặt số lượng các công ty tham gia xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, nhưng cần đặt ra các tiêu chuẩn cao để chỉ những công ty thật sự vững mạnh về tài chính lẫn kinh nghiệm mới có đủ những điều kiện sản xuất vàng miếng được phép xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu, các công ty này sẽ đóng vai trò đầu mối trong việc sản xuất, gia công vàng miếng.
Chuyển đổi thị trường vàng vật chất
Phải dần chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng có nhiều sản phẩm phái sinh, tạo cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thêm nhiều công cụ bảo hiểm rủi ro và hội nhập, tiếp cận được những sản phẩm tài chính thông dụng trên thị trường quốc tế. NHTM không nên đóng vai trò đầu mối kinh doanh vàng miếng mà chỉ nên triển khai các sản phẩm phái sinh (với điều kiện đủ kinh nghiệm, trình độ chuyên môn), còn nếu muốn kinh doanh vàng miếng nên thành lập công ty vàng độc lập, vì: Chức năng cơ bản của NHTM là cung cấp các dịch vụ tài chính và hoạt động tín dụng, nếu để các NHTM trực tiếp kinh doanh vàng sẽ dễ dẫn tới các hệ lụy: Dễ đầu cơ, làm giá do có lượng vốn lớn. Đặc biệt nếu được phép huy động vàng và có các nghiệp vụ cho vay, cầm cố bằng vàng, có thể xảy ra nguy cơ mất thanh khoản vàng - tiền khi không được kiểm soát chặt chẽ như trong các trường hợp có sự cố vừa qua.
Chống vàng hóa không thể bằng giải pháp hành chính mà là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, vàng tài khoản…) trên một trung tâm giao dịch tập trung. Thành lập sở giao dịch vàng quốc gia, chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng trên một trung tâm giao dịch tập trung. Sở giao dịch vàng quốc gia sẽ vận hành trong mối quan hệ tổng hợp với với các chủ thể: Cơ quan quản lý, ngân hàng, DN, nhà đầu tư cá nhân, do đó sẽ gắn kết chặt chẽ hơn thị trường vàng với hệ thống tài chính quốc gia. Trong khi đưa vào hoạt động sở giao dịch vàng, sẽ cho phép các NHTM và các công ty được phép nhập khẩu, sản xuất vàng miếng là thành viên của sở giao dịch vàng được phép mở tài khoản vàng ở nước ngoài và kinh doanh vàng trên tài khoản này. Tuy nhiên, việc tổ chức quản lý giám sát rủi ro, nhất là kiểm soát mức độ tuân thủ trạng thái vàng của các tổ chức này, cần được thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt để rủi ro nằm trong mức chấp nhận, tránh đổ vỡ.
Cho phép thành lập các quỹ tín thác bằng vàng (ETF- Exchange Traded Fund) như một công cụ tài chính quốc tế. Chứng chỉ quỹ cũng có thể được mua bán trên Sở giao dịch sẽ khuyến khích người dân gửi vàng, bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, đầu tư thay vì nắm giữ vàng miếng. ETF nếu được tham gia mua bán các sản phẩm forward, futures, options trên sàn thế giới, được xuất nhập khẩu vàng thì dự trữ vàng của ETF sẽ có vai trò như một quỹ bình ổn, giảm bớt áp lực cho NHNN khi xảy ra sốt giá sẽ giúp tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
Sau khi ổn định trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại, NHNN cần nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân, nhưng lần này không phải để ngân hàng thương mại kinh doanh mà NHNN sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về NHNN. Song, để thực hiện điều này, Nhà nước sẽ phải xây dựng quy chế chặt chẽ về nghĩa vụ, quyền lợi của NHNN và ngân hàng thương mại. Số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
PGS-TS Ngô Trí Long
| |