Sau khi nghỉ công tác, anh Mười - Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - vẫn thường xuyên đọc báo, tuy ít viết so với trước. Anh vẫn gọi chúng tôi để trao đổi về những vấn đề báo đã viết, song anh vẫn buồn vì ít có “Những việc cần làm ngay”.
1. Lần đầu tiên tôi gặp anh là vào đợt 2 cuộc Tổng tiến công Mậu Thân - tháng 5-1968 - ở Hội nghị Mặt trận Sài Gòn - Gia Định. Đó là một người đậm đà, lông mày đen nhánh, trông rất quắc thước và nghiêm trang.
Dạo đó, sau mấy lần ta tấn công vào nội đô không thành công, dân buồn hoang mang trong lúc các cơ quan tuyên truyền cứ la lên là ta giành thắng lợi to lớn, liên tục tấn công là chủ trương đúng đắn. Cán bộ, chiến sĩ thì buồn, bởi ta không thắng như mong muốn mà lãnh đạo không chịu nhận thiếu sót, ai nói thắng thì khen, ai nói ta thất bại thì bị phê bình. ]
May sao đầu 1969, Trung ương Cục có Nghị quyết 01, tự phê bình về sự chỉ đạo các cuộc tấn công liên tiếp mà không giành được thắng lợi cuối cùng. Nghị quyết tự phê bình của Trung ương Cục đã tạo nên một sự phấn khởi to lớn trong các chi bộ và nhân dân.
Từ chiến trường, tôi viết thư về báo cáo với anh Mười về sự chuyển động tư tưởng ở bên dưới. Hôm vô căn cứ, được gặp anh, anh rất vui nhắc lại: “Câu chú viết ý kiến của người đảng viên ở Khu 8 làm các anh rất xúc động - một khi Trung ương Cục thấy được sai sót đưa ra cách sửa sai như thế thì tình hình nhất định sẽ có biến đổi”.
2. Do anh biết tôi là người viết xông xáo nên sau ngày giải phóng thường gọi cho đi theo trong các cuộc chỉ đạo đổi mới từ hợp tác xã mua bán quận 7, Dệt Thành Công, Thuốc lá Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty Lương thực... Anh luôn lắng nghe, nghiên cứu, đúc kết lý luận, thực tiễn để phát động đổi mới nên các thế lực chống đổi mới cũng tìm cách bao vây, phản bác và thậm chí gây khó anh.
Lúc mới giải phóng, anh viết báo kêu gọi xây dựng nền kinh tế thị trường, tôn trọng và áp dụng ý kiến Lênin về nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ. Một hai người có tên tuổi trong Đảng viết bài nói lại, cho rằng suy nghĩ đó là sai trái, đi ngược lại chủ trương xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Anh cổ vũ lãnh đạo Nhà máy Dệt Thành Công được vay vốn để mua sợi dệt vải, không lệ thuộc vào các quy định cứng nhắc của nhà nước. Anh cổ vũ xí nghiệp thuốc lá, đầu tư cho nông dân làm để có nguyên liệu sản xuất, giảm nhập lá thuốc của nước ngoài. Anh ủng hộ lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất tổ chức cách quản lý mới tăng tần suất bay, chở nhiều hàng hóa, hành khách, đưa đời sống của anh em lên cao.
Cũng từ những ngày lắng nghe cách làm ăn ở sân bay, anh phát hiện việc cung cấp xăng dầu còn nhiều trở ngại nên viết bài về vấn đề này mở đầu cho “Những việc cần làm ngay “ với bút danh N.V.L. trên Báo Nhân Dân ngày 25-5-1987. “Những việc cần làm ngay” đã trở thành một chuyên mục được bạn đọc hoan nghênh và ủng hộ, phát hiện thêm “Những việc cần làm ngay” và “dịch” bút hiệu N.V.L. thành “Nói và làm”. N.V.L. trở thành một nhà báo thẳng thắn, trung thực, phát hiện kịp thời các vấn đề sai sót, yêu cầu các cơ quan đơn vị tích cực triển khai Nghị quyết Trung ương I khóa VI.
Đáng tiếc chuyên mục “Những việc cần làm ngay” dừng lại từ 10-7-1987 do tác giả bận rộn. Hội Nhà báo Việt Nam đã đặc cách tặng đồng chí Nguyễn Văn Linh Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam như một nhà báo thực thụ.
Vào dịp TPHCM kỷ niệm 20 năm giải phóng (l975 – 1995), lãnh đạo TP đề nghị anh viết một bài đánh giá để đăng trong tập “Thành phố Hồ Chí Minh 20 năm giải phóng”. Anh vui vẻ nhận lời, song nói rõ tay anh yếu không thể viết. Anh cho gọi tôi đến giao cho chấp bút bài của anh. Hai ngày anh kể chuyện về 20 năm thành phố khôi phục kinh tế và đổi mới, dặn tôi ghi chép kỹ.
Tôi chấp bút, đưa anh xem lại và sửa. Bài viết ký tên anh, nhưng khi ký vào bản thảo, cuối bài anh ghi rõ “Bài do nhà báo Đinh Phong, Phó Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM chấp bút”. Tôi xin anh bỏ dòng này, anh nói rất nghiêm: “Đây cũng là trách nhiệm của người viết, không thể bỏ câu này” .
ĐINH PHONG