Những ký ức mãi xanh

Những ký ức mãi xanh

Từng hàng dài xếp hàng mua đồ thời bao cấp, cảnh những em nhỏ hớn hở cắp cặp tựu trường, Tết Trung thu, ngày hội 30-4-1975 mừng đất nước hoàn toàn giải phóng… tất cả những hình ảnh quý giá đó một lần nữa trở lại thật sống động qua những thước phim tư liệu của chương trình Ký ức Việt Nam, do VTV thực hiện và phát sóng vào ngày 19-8. Đây là lần đầu tiên, toàn bộ 6.000 phút phim tài liệu màu về cuộc sống của miền Bắc Việt Nam trong suốt 17 năm kéo dài từ năm 1964 - 1981 được công chiếu rộng rãi trên truyền hình.

Ảnh tư liệu về một thời tem phiếu ở miền Bắc.

Ảnh tư liệu về một thời tem phiếu ở miền Bắc.

Biên tập viên Xuân Tùng, người đã góp phần đưa những thước phim tư liệu, những ký ức quý báu của Việt Nam suốt bao năm qua từ Nhật Bản về Việt Nam cho biết, việc mua bản quyền là một việc hết sức tình cờ và may mắn.

Hãng phim NDN (Nhật Bản), đã có mặt ở Việt Nam từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước và may mắn hơn cả là những người quay phim của hãng làm việc rất chăm chỉ, cần mẫn khi quay tất cả những gì họ nhìn thấy. Họ quay về đời sống của người dân Việt Nam từ ngày này sang năm khác, trong vòng 17 năm. Từ những hình ảnh của việc xếp hàng thời bao cấp cho đến gương mặt các em nhỏ hân hoan trong ngày khai trường, cảnh tưng bừng của ngày tết độc lập… Và một điều may mắn nữa là hãng phim của Nhật Bản đã không đặt nặng vấn đề vật chất, kinh tế, chính vì thế mà khi chuyển giao kho phim này, mọi thứ thật suôn sẻ. Sau 4 năm đàm phán về bản quyền, VTV đã mua độc quyền vĩnh viễn kho phim này vào năm 2010. Toàn bộ phim gốc (gồm 1.500 đầu phim, tức 6.000 phút phim) đã được mang về Việt Nam. Và sau một thời gian dài xem và khai thác kho hình ảnh quý này, các nhà làm phim tư liệu Việt Nam đã lọc được 208 tập. Ký ức Việt Nam được hình thành và xây dựng chính từ nền tảng quý báu này.

Những người làm chương trình cho biết, một điều đáng tiếc là mặc dù những hình ảnh quay của các bạn quốc tế thật sinh động, việc lưu trữ phim cũng rất hoàn hảo song phần lớn trong đó là phim câm (ghi hình và tiếng không đồng thời) vì thế việc khai thác giá trị của kho phim này cũng khá khó khăn. Ê kíp làm phim đã tìm kiếm, gặp gỡ nhân chứng, những người đã sống ở thời điểm đó để nghe, hiểu và ghi chép, chắp nối lại những câu chuyện, những ký ức của họ về một thời gian khó xưa cũ ấy. “Mỗi tập phim là một câu chuyện ít người biết đến của một giai đoạn lịch sử đơn sơ mà vĩ đại, hào hùng chiến đấu và chan chứa yêu thương trải dài trên nhiều lĩnh vực chính trị, lịch sử, văn hóa, đời sống sinh hoạt của nhân dân ta. Ví dụ thước phim 3 phút nói về lãnh tụ Cuba Fidel Castro sang thăm Hà Nội năm 1973, một hình ảnh rất đẹp, mà chúng tôi đã phải nhìn rất kỹ và phải mất ba tuần để tìm thấy ông Nguyễn Đình Bi (sau này là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) lúc đó là phiên dịch cho Fidel Castro”, BTV Xuân Tùng dẫn chứng.

Qua Ký ức Việt Nam, chúng ta sẽ gặp lại một miền Bắc dưới mưa bom đạn lửa của những tháng năm cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào giai đoạn ác liệt nhất, bao thế hệ đã phải kề cận, giành giật giữa sự sống với cái chết hàng ngày, nhưng cuộc đời vẫn luôn tiếp diễn với muôn vẻ nên thơ của nó. Lúa vẫn xanh trên những cánh đồng, bọn trẻ đội mũ rơm đến lớp, tíu tít chen nhau vào hầm trú ẩn tránh bom, lứa đôi vẫn hò hẹn và những đám cưới vẫn diễn ra, ngay khi khói súng vừa tan trên mâm pháo. Mỗi tập trong Ký ức Việt Nam là một chủ đề và qua từng tập, khán giả có thể tìm thấy những mảnh ký ức mà nói vui theo kiểu của nhà văn Nguyễn Quang Lập là những “ký ức vụn” như ăn bánh tôm ở Hồ Tây như thế nào, Quốc khánh 2-9-1973 ra sao, chuyện đi chợ, trồng rau, chế tạo phụ tùng xe đạp, hay những đám cưới vào những năm 1970, chuyện sơ tán, bom đạn rơi…

Chúng ta sẽ thấy lại một quãng thời gian đã được khái quát bằng cụm từ “thời bao cấp”, bùi ngùi với những cửa hàng thực phẩm, hóa chất dài dằng dặc người xếp hàng từ sáng sớm, nhẫn nại nhận về từng mớ rau, con cá, thước vải, bao diêm... đổi bằng những ô tem phiếu nhỏ trên tay. Đây cũng là những thước phim màu duy nhất, đa chiều về gần hai thập niên của miền Bắc sống, chiến đấu vì miền Nam ruột thịt. Cũng trong khuôn khổ chương trình, khán giả sẽ được gặp gỡ nhiều nhân vật, nhiều vị lãnh đạo mà tên tuổi và những đóng góp của họ đã đi vào lịch sử của dân tộc.

Những người làm phim mong muốn những thước phim quý giá của Ký ức Việt Nam sẽ góp phần làm giàu thêm hành trang ký ức của mỗi người dân Việt Nam hôm nay. Sẽ giúp chúng ta lý giải vì sao cả dân tộc đã dồn góp được sức mạnh phi thường cho hai cuộc chiến, vẫn lao động, chiến đấu và duy trì một cuộc sống như thường, vẫn lạc quan và tin tưởng ở ngày mai.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục