
Người dân các tỉnh đến TPHCM làm công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp… là chuyện bình thường. Gần đây, còn có khá nhiều dân nhập cư đến TP thuê đất làm nông nghiệp, hình thành nên những làng rau, làng hoa kiểngcủa nông dân các tỉnh.
- Từ “làng rau Hà Nam”
Men theo con đường đất đỏ chia cắt khu đô thị mới phường Thới An quận 12, xen lẫn giữa những dãy nhà cao tầng đang thi công dang dở là những thửa rau muống xanh mơn mởn chạy ngút ngàn. Tuyết, cô gái 22 tuổi, quê Hà Nam, nói với tôi: “Đất như vậy chứ thuê mỗi năm hàng chục triệu đồng/ha đó anh. Ở đây toàn dân Hà Nam vào thuê không hà”.

Ông Nguyễn Văn Lợi (người Nam Định) đang thu hoạch rau cải trên 2.000m2 đất thuê tại phường Hiệp Thành, quận 12.
Nói về người trồng rau muống nổi tiếng ở khu Tân Thới Hiệp và Thới An phải kể đến anh Lê Văn Nghệ với 8 năm làm nghề trồng rau, trải qua hàng chục lần thuê đất từ Thạnh Xuân qua Tân Thới Hiệp, giờ đến Thới An.
Anh cho biết: “4 sào đất thuê ở đây, mỗi năm phải trả 20 triệu đồng. Không làm cật lực lấy đâu mỗi tháng hơn triệu đồng trả tiền thuê đất. Phải ngày đêm vật lộn với cây rau, cung cấp cho thị trường 300 bó rau mỗi ngày thì mới có ăn. Có hôm dầm mưa suốt ngày, bị sốt vẫn không dám ngơi nghỉ, sợ mất khách hàng và không có tiền để trả tiền đất. Nghề nào cũng có nỗi cơ cực riêng, nhưng nghề trồng rau muống nước lại có thêm nguy cơ bệnh về da rất lớn. Hỏi anh Nghệ, sao không ở quê làm cho đỡ vất vả mà phải lặn lội vào đây sớm hôm như thế này. Anh đáp: “Trồng rau ở TPHCM thu nhập một tháng bằng cả năm ngoài ấy!”.
Cùng quê với anh Nghệ có hàng trăm người quê Hà Nam vào quận 12 thuê đất trồng rau muống nước. Một người vào, thấy ở đây dễ kiếm tiền hơn ở quê, kéo theo anh em, họ hàng. Và cứ thế từ Thới An, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, Tân Thới Hiệp, Hiệp Thành, Tân Chánh Hiệp… nơi nào có đất trống là kéo nhau vào thuê với giá 40 – 50 triệu đồng/ha/năm.
- Đến “làng rau Bắc Ninh”
Những người trồng rau tha hương mong muốn có một phiên chợ đêm ổn định nào đó để làm nơi gặp gỡ giữa người trồng rau và mối lái. “Có hôm hàng trăm chiếc xe ba gác, xe đạp, xe thồ chất đầy rau đang chờ mối lái đến thì công an trật tự đến giải tán. Thương lái thấy vậy ép giá họ cũng phải đành chịu bán rẻ tiền để cứu vớt được đồng nào hay đồng nấy. Cũng có nhiều người quá bức xúc đã đổ rau xuống sông Vàm Thuật rồi đi về tay trắng. |
Rảo quanh cánh đồng các xã Thới Tam Thôn, Đông Thạnh thuộc huyện Hóc Môn, dễ dàng bắt gặp những khung nhà lưới chen chúc nhau mọc lên sau những khu phố đang xây nham nhở. Trưởng ấp Tam Đông xã Thới Tam Thôn cho biết: “Đấy là dân ở Từ Sơn, Bắc Ninh vào đây thuê trồng rau”.
Anh Sơn, một nông dân nhập cư ở Bắc Ninh, nói: “Nghe người ở quê vào đây thuê đất trồng rau hàng tháng gửi tiền về bạc triệu, vợ chồng tôi vào làm thử. Đất thuê 45 triệu đồng/ha/năm. Anh em chia nhau ra làm. Thấy kiếm ăn được nên thuê thêm 2ha nữa và rước thêm người ở quê vào cùng làm”.
Theo anh Trần Văn Quang, cán bộ khuyến nông xã Đông Thạnh: “Nông dân nhập cư trồng rau rất chuyên nghiệp và bài bản. Cộng với tính cần cù, siêng năng cùng ăn cùng ngủ với thửa rau, dân tại chỗ chỉ có chào thua. Đêm đến, người trồng rau ngã lưng vài tiếng đồng hồ, lại hối hả đạp xe chở rau ra chợ đêm để chờ khách hàng đến lấy. Dù hàng tháng tiền thuê đất, điện nước phải trả hàng triệu đồng, nhưng vẫn sống được.
Gần phân nửa diện tích trồng rau ở huyện Hóc Môn, quận 12, Thủ Đức do nông dân từ các tỉnh đến thuê đất canh tác, nhiều nhất là trồng rau xanh. Trong khi khá nhiều nông dân TPHCM lo bán đất, chuyển nghề, từ bỏ nghề nông trong quá trình đô thị hóa, thì vùng ven TP với những tiềm năng còn khá lớn trong nông nghiệp đang thu hút khá nhiều “nông dân nhập cư” từ các tỉnh đổ về thay thế.
- Làm nông dân khỏe hơn công nhân
Theo chị Trần Thị Hà, quê Quảng Nam (thuê 2 công đất trồng rau muống và rau nhút ở KP3, phường Thạnh Xuân, quận 12), ban đầu, vợ chồng chị vào TPHCM làm công nhân ở xí nghiệp. Nhưng không có trình độ, lương thấp, tăng ca liên tục. Một lần trò chuyện với người đồng hương đang thuê đất trồng hoa kiểng ở xã Nhị Bình (Hóc Môn), chị Hà biết được vùng ven TP có nhiều hộ dân địa phương cho thuê đất để làm nông nghiệp.
Nhẩm tính nếu “chịu cày” có thể “trụ” được, vợ chồng chị quyết định quay lại nghề nông ngay tại TP. Một năm trồng rau, trừ mọi chi phí kể cả tiền ăn uống, phòng trọ, gia đình chị dành dụm trên 30 triệu đồng gửi về quê nuôi 2 cậu con trai đang học cấp 2 và cô con gái lớn đang học ĐH Kinh tế TP. Hiện chị Hà vừa thuê thêm 3 công đất nữa để mở rộng diện tích trồng rau, thuê thêm 2 nhân công cùng quê vào để canh tác.
Nông dân nhập cư như chị Hà là tình trạng khá phổ biến tại các vùng sản xuất nông nghiệp ngoại thành hiện nay. Hình thành hẳn những khu vực trồng rau, trồng kiểng do người dân nhập cư từ các tỉnh đến. Phường Tân Chánh Hiệp (quận 12) có khu trồng rau toàn là dân Nam Định, khu trồng kiểng dân Đồng Tháp ở Đông Thạnh…
Một hộ làm ăn được rủ thêm những hộ khác cùng làng, cùng thôn vào làm nông nghiệp. Do quen chịu cực, nên khá nhiều hộ nông dân nhập cư sau thời gian ngắn làm nông nghiệp ở TPHCM đã ổn định cuộc sống, mua được đất, cất được nhà, mở rộng diện tích sản xuất. Do thuê đất làm nông nghiệp ăn nên làm ra nên ngày càng có nhiều dân các nơi đổ vào ngoại thành “săn” ruộng đất đã chuyển nhượng (bị bỏ hoang) hoặc không canh tác của người dân địa phương để thuê sản xuất.
Giá đất cho thuê vì vậy tăng vọt, 1 công đất nông nghiệp (1.000m2) cho thuê với giá 4-6 triệu đồng/năm, tăng gần gấp đôi so với hai năm trước, nhưng vẫn có người đến xin thuê. Chuyện nông dân các tỉnh đến TPHCM để làm nông nghiệp nghe ra khá nghịch lý, nhưng là sự thật. Điều này cho thấy làm nông nghiệp - nhất là trồng rau xanh, hoa kiểng ở ngoại thành vẫn là nghề có thu nhập cao. Vấn đề đặt ra là: Tại sao nông dân nhập cư làm được mà nông dân ngoại thành lại “bó tay” và vùng rau ngoại thành có nguy cơ lần hồi xóa sổ?
PHIÊN - ĐẠT - BÌNH