Một năm sau khi trở thành những người hùng của đất nước Chile, 33 thợ mỏ ở quốc gia này đang đối diện với cuộc sống khắc nghiệt vì không có việc làm và phải sống trong những căn nhà tồi tàn.
Bị lãng quên
Anh Sánchez, 20 tuổi, một trong 33 thợ mỏ sống sót đang trải qua những ngày tháng rất khó khăn. Cứ 2 lần trong tháng, anh phải đón xe buýt đến thủ đô Santiago và trải qua 11 giờ trị liệu chấn thương tâm lý. Ngoài Sánchez, 8 đồng nghiệp của anh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sánchez cho biết, anh và các bạn thường xuyên phải sử dụng thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm do gặp ác mộng và mất ngủ. Dù rất muốn nhưng bác sĩ điều trị đã khuyên họ không nên quay trở lại công việc cũ nữa.
Chỉ cách đây một năm, Sánchez đã được mời chào đi diễn thuyết khắp nơi về sự sống sót thần kỳ sau 69 ngày sống dưới độ sâu 700m. Sánchez đã đến Anh, Israel, Los Angeles, Disney World, Hy Lạp và ở đâu người ta cũng chào đón anh và các bạn như những người hùng. Nhưng một năm sau chiến dịch giải cứu lịch sử, cuộc sống của những thợ mỏ đang trở nên khó khăn hơn nhiều và một số thậm chí còn khốn khổ hơn thời trước khi xảy ra vụ sập hầm.
Ngoài vấn đề tài chính, các thợ mỏ còn đối mặt với xáo trộn về tâm lý do nổi tiếng quá nhanh mà không có sự chuẩn bị. 15 người đang thất nghiệp, chỉ có 4 người còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc trong các hầm mỏ. Víctor Zamora và Darío Segovia chuyển nghề bán thịt và rau củ.
7 người còn đi diễn thuyết với mức phí thấp. 2 người còn lại không có việc làm do bị ảnh hưởng bởi các vấn đề tâm lý và được nhận một phần tiền lương từ chi trả y tế của chính phủ. Những người còn lại hái trái, rau củ dọc đường để kiếm sống qua ngày.
Theo ông Rodrigo Gilibrand, bác sĩ điều trị cho Jimmy Sánchez và 8 thợ mỏ khác, việc điều trị hậu chấn thương đã được tiến hành ngay sau khi các thợ mỏ được kéo lên khỏi mặt đất. Bác sĩ cho rằng hoàn cảnh bị buộc phải sinh hoạt trong hầm tối sâu dưới lòng đất suốt 69 ngày đã tác động đến tinh thần của một số nạn nhân.
Các thợ mỏ đã bị các triệu chứng rối loạn tâm lý hậu chấn thương, một phản ứng tâm lý nghiêm trọng xảy ra sau một sự cố hãi hùng. Những triệu chứng này rất giống với những triệu chứng tâm lý khủng hoảng của nhiều cựu binh tham chiến tại Việt Nam những năm 1960 và 1970.
Thợ mỏ Edison Pena nói với New York Times rằng sau 1 năm, hỗ trợ của chính phủ và những tập đoàn lớn như đã hứa hẹn trước đây dường như không được thực hiện. Thế giới cũng không còn quan tâm tới họ nữa, vì thế mọi khoản hỗ trợ để 33 người thợ mỏ hòa nhập với cuộc sống sau chuỗi ngày kinh khủng sống dưới lòng đất cũng đã ít dần đi.
Nhiều người trong số 33 thợ mỏ hy vọng vào khoản tiền lương hưu trọn đời 500 USD/tháng mà Tổng thống Pinera nói chính phủ sẵn lòng chi trả, nhưng đến vài tháng gần đây họ mới nhận được khoản tiền này.
Khoản hỗ trợ duy nhất họ nhận được là số tiền trị giá 10.950 USD do Leonardo Farkas, một chủ hầm mỏ người Chile tặng. Ông cũng tặng mỗi người một chiếc xe máy. Tuy nhiên, phần thưởng này cũng đã bị phần lớn các chủ nhân bán đi nhằm trang trải những khó khăn về kinh tế.
Đòi lại công bằng
Lúc số tiền lương hưu trọn đời chưa được Chính phủ Chile trao trả đúng như lời hứa, một số thợ mỏ đã quyết định khởi kiện. Hôm 16-7, họ đã nộp đơn kiện đòi chủ mỏ đã phá sản bồi thường 10 triệu USD, đồng thời yêu cầu chính quyền trả 17 triệu USD vì không thực hiện đúng quy định về an toàn lao động.
Các nguyên đơn cho biết họ quyết định kiện không chỉ vì tiền, cũng không phải họ muốn giáng một đòn chí tử vào chính quyền Tổng thống Sabestian Pinera vốn rất tận tâm trong đợt giải cứu họ, mà chỉ mong muốn đặt ra tiền lệ để ngăn chặn những tai nạn tương tự sẽ tái diễn. Số tiền họ đòi bồi thường lên tới 541.000 USD.
Omar Reygadas nói rằng, nhờ “vụ kiện mà phần lớn thợ mỏ được minh oan vì mọi người vẫn đồn 33 thợ mỏ thu về rất nhiều tiền sau vụ giải cứu đó. Với thợ mỏ, cách trở thành triệu phú là xuống hầm, tìm thấy mỏ vàng và đào nó lên. Chúng tôi không hoặc chưa hưởng lợi gì từ việc xuất bản sách, làm phim hay trả lời phỏng vấn độc quyền với báo giới như đồn thổi”.
Tuy nhiên, hành động của các thợ mỏ Chile đã bị nhiều người dân lên án. Người phản đối cho rằng họ vô ơn vì chính phủ của Tổng thống Pinera từng chi hàng triệu USD cho việc đào các mũi khoan sâu dưới lòng đất để cứu họ. Nhiều người dân Chile thậm chí còn khinh ghét họ khi họ kiện đòi Chính phủ Chile bồi thường một số tiền lên đến gần nửa triệu USD cho mỗi người.
Sau khi giải cứu thành công, uy tín của ông Pinera liên tục tăng cao, nhận được sự ngưỡng mộ từ nhiều nước trên thế giới. Nhưng niềm vui này cũng ngắn ngủi bởi chỉ sau vài tháng, Tổng thống Chile phải đối mặt nhiều khó khăn trong nước: tình hình kinh tế khó khăn, những cuộc biểu tình, bãi khóa liên tục của các sinh viên, học sinh Chile khi chính phủ mạnh tay cắt giảm nhiều trợ cấp giáo dục và tăng học phí.
Thực ra, các thợ mỏ Chile hiện vẫn chưa hết cơ hội kiếm tiền từ sự nổi tiếng của mình. Nhà sản xuất Mike Medavoy tháng trước công bố rằng ông đã mua bản quyền toàn bộ câu chuyện của các thợ mỏ để dựng thành phim vào năm 2012.
Theo một thỏa thuận mà nhóm thợ mỏ ký với luật sư của họ tháng 12 năm ngoái, tất cả tiền thu được từ viết sách hay dựng phim sẽ được chia đều. Nhưng nhiều người trong số họ cho rằng, có lẽ đây vẫn chỉ là những lời hứa hão. Họ vẫn quyết tâm theo đuổi vụ kiện để đòi lại công bằng cho mình.
| |
Thanh Hằng