Những người “mê phim”

Xuất phát điểm không phải là đạo diễn, biên kịch hay những người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, nhưng nhóm mê phim (passionate about film) gồm các thành viên học các ngành nghề khác nhau lại có chung một điểm, đó là đam mê về phim.
Những người “mê phim”

Xuất phát điểm không phải là đạo diễn, biên kịch hay những người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, nhưng nhóm mê phim (passionate about film) gồm các thành viên học các ngành nghề khác nhau lại có chung một điểm, đó là đam mê về phim.

Xung trận ngoạn mục

Trần Minh Đức, tốt nghiệp khoa Mỹ thuật Trường Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, là trưởng nhóm mê phim cho biết, nhóm của Đức ban đầu có 3 thành viên là Đức, Tố Lan và Sophie Hughes (người Anh). Năm 2009, cả 3 gặp nhau vì cùng có chung sở thích… mê xem phim. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thị trường và thị hiếu ở nước ngoài, nhóm cảm thấy loại hình phim ngắn chưa thịnh hành ở Việt Nam thời bấy giờ. “Do đó nhóm của Đức đã lên ý tưởng về việc tổ chức các buổi chiếu phim ngắn, bằng cách đến các trường sân khấu điện ảnh, văn hóa nghệ thuật tìm gặp sinh viên đang thực hiện các loại phim ngắn để báo cáo tốt nghiệp; sau đó xem và chọn lọc các đề tài đang được giới trẻ quan tâm để xâu chuỗi thành một dự án phim ngắn (gồm khoảng 4 - 5 phim) để chiếu tại các quán cà phê và các câu lạc bộ dành cho giới trẻ”, Minh Đức tâm sự.

Phần đông sau các buổi chiếu, các bạn trẻ rất hào hứng với thể loại phim ngắn vì nội dung cô đọng và khiến người xem phải có tư duy kết nối các dữ liệu, chứ không đơn giản chỉ là xem. Trong đó, có một số phim của các bạn sinh viên như Trương Minh Quý, Ngô Bình Giang, Đỗ Đăng Thường… mà hiện giờ đều là những đạo diễn làm phim ngắn tham gia các liên hoan phim quốc tế và đoạt giải.

Phong trào xem phim ngắn dần được giới trẻ hưởng ứng và trở thành trào lưu trong hai năm liên tiếp sau đó (2010 và 2011). Kể từ đó, nhóm mê phim quyết định kết nối với tổ chức Future Short của Anh để giao lưu và trao đổi phim ngắn. Thông qua Future Short, nhóm mê phim gửi 5 - 10 bộ phim ngắn của Việt Nam sang Anh và ngược lại nhận được những bộ phim ngắn của Anh để tham gia vào dự án phim ngắn của nhóm. Dần dần giới trẻ Việt Nam có cơ hội xem phim ngắn của nước ngoài thông qua các dự án của mê phim.

“Nhiều phim ngắn của đạo diễn trẻ người Pháp Stephanie Lansaque lần đầu tiên được chiếu tại Việt Nam thông qua dự án của nhóm vào năm 2009. Đến bây giờ, sau khi đã nổi tiếng, đạo diễn Stephanie vẫn yêu mến Việt Nam và luôn tham gia vào các hoạt động tuần lễ phim ngắn quốc tế tại Việt Nam. Cô vừa cùng với đạo diễn người Đức Heinz Hermanns tham gia chiếu một số phim ngắn của mình cùng với phim của các đạo diễn trẻ Việt Nam như Phạm Lê Hiếu, Kim Ngân, Bảo Anh… trong tuần lễ phim Hoa Sen diễn ra từ 14 đến 17-3-2016 vừa qua”, Minh Đức cho biết.

Tạo dựng không gian hội tụ

“Mỗi phim ngắn có thời lượng từ 1 phút rưỡi đến 10 phút, hướng đến các đề tài giới trẻ quan tâm như môi trường, giới tính, văn hóa xã hội và lối sống. Từ các dự án của nhóm “mê phim”, những năm qua, một số đạo diễn trẻ của Việt Nam đã có những sản phẩm đầu tay được trình chiếu ở các liên hoan phim nước ngoài. Trong đó, nhiều đạo diễn trẻ như Mỹ Dung, Lê Bình Giang khi còn là sinh viên Trường Sân khấu Điện ảnh đã nhận được những thù lao xứng đáng cho các tác phẩm phim ngắn của mình”, Đức giải thích.

Sau “Future Short”, hiện một số tổ chức phim ngắn nước ngoài đã có những liên kết chặt chẽ với dự án của Đức như Doc Lab; lớp làm phim Busan (Hàn Quốc), Francois Leroy (Pháp)… Tuy vậy, mê phim chỉ là một trong những dự án tay trái của Trần Minh Đức, bởi lẽ với Đức, hội họa mới là duyên nghiệp, nhưng cũng từ chuyên môn hội họa mà Đức có được cách nhìn nhận khá chuyên nghiệp trong việc đánh giá, chọn lọc các thể loại phim ngắn phù hợp.

Trần Minh Đức giao lưu với khán giả nước ngoài tại triển lãm của mình

Thuộc thế hệ 8X, trẻ trung, năng động và hòa nhập, Trần Minh Đức có thể nói là một trong những người khẳng định được tài năng khi có mặt trong nhiều triển lãm quốc tế như “Global cities” (Những thành phố toàn cầu) ở Mỹ vào năm 2014; Lễ hội nghệ thuật ở Charlie Dutton - Anh năm 2013, Lễ hội về nghệ thuật biểu diễn ở Yangon Myanmar năm 2012, “Tokyo story” ở Nhật năm 2012 và nhiều triển lãm trong nước khác.

“Với tôi, nghệ thuật - phim ảnh đều có giá trị thẩm mỹ cao, hỗ trợ lẫn nhau, nhóm “mê phim” đã có những thành công riêng đến thời điểm hiện tại và tôi rất hài lòng với các dự án phim ngắn, tuy bây giờ không khó khăn chọn lọc phim ngắn như lúc ban đầu nhưng tôi vẫn muốn nơi đây là nhịp cầu nối những tác phẩm phim ngắn của các đạo diễn trẻ (sinh viên năm cuối) với các nhà làm phim quốc tế, để thông qua đó, lớp trẻ của Việt Nam được học hỏi và trưởng thành hơn”, Đức trải lòng.

GIA LYNH

Tin cùng chuyên mục