Nếu đã một lần ra “phố Tây” Phạm Ngũ Lão, quận 1, bạn sẽ thấy nhịp sống nhộn nhịp của hàng ngàn người nước ngoài tại Sài thành. Café, bar, quán ăn, hiệu sách, cửa hàng… tranh đua mọc san sát nhau tạo nên một nếp sống khá riêng. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi vì sao lại có những người ngoại quốc nhiều lần tìm đến Việt Nam, thậm chí định cư và yêu mến nước Việt? Tại sao Việt Nam trở thành một phần trong tim họ và qua đó cảm nhận về chính tình yêu quê hương, đất nước của mình…
Ông Bernard Kervyn (quốc tịch Bỉ) được nhiều người gọi bằng cái tên thân thương “Ông Việt Nam” bởi họ bất ngờ, ngạc nhiên vì những gì mà ông hiểu về đất nước, con người Việt Nam. Hơn 19 năm sinh sống tại nước Việt, Bernard đã tạo ra việc làm, đào tạo nghề để giúp hàng ngàn người nghèo có kế sinh nhai từ Bình Thuận, Đồng Nai xuống đến cả Hậu Giang.
Ông hỗ trợ học viên làm thiệp từ giấy tái chế, mở các cửa hàng bán đồ thủ công để giúp người nghèo bán được những vật phẩm nhỏ do mình tạo ra. Ông đang thực hiện nhiều dự án hỗ trợ người nghèo, phát triển chăn nuôi trồng trọt và đặc biệt quan tâm đến các vấn đề về giáo dục cho trẻ em vùng sâu vùng xa.
Hay như một “câu chuyện lạ” về chàng thanh niên ngoại hát nhạc Trịnh là Kyo York. Sinh năm 1985, Kyo là kỹ sư Công nghệ thông tin, từng làm việc cho Apple ở New York (Mỹ). Anh sang Việt Nam trong một dự án dạy tiếng Anh miễn phí của ĐH Princeton tại Hậu Giang và rồi Việt Nam đã ngấm vào trái tim anh. Kyo quyết tâm học tiếng Việt và thể hiện rất cảm xúc các ca khúc của Trịnh Công Sơn hay những nhạc phẩm của Trần Tiến, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Ánh 9…
Bằng vốn tiếng Việt sành sỏi cùng với niềm đam mê âm nhạc, Kyo đem lại luồng sinh khí mới cho thị trường âm nhạc Việt với một trái tim vì nghệ thuật không phải vì tiền. Anh hát nhạc Việt đơn giản vì anh yêu Việt Nam với cái đẹp hồn nhiên mà không phải ca sĩ Việt nào cũng có.
Và chuyện tình đẹp như “cổ tích” của một phụ nữ Pháp giàu có kết duyên cùng một bệnh nhân ung thư người Việt và tạo ra những bộ phim tài liệu hết sức ấn tượng về nước Việt. Đó là nữ đạo diễn Leslie Wiener, từng là đạo diễn phim tài liệu của kênh truyền hình Lonely Planet. 20 năm trước, khi đi dọc các tỉnh miền Bắc, miền Trung để làm phim về Việt Nam, bà đã “bị” gắn chặt trái tim và con người ở lại nơi đây.
Năm 1994, bà có dự án phim về trẻ em đường phố, sau đó bà gia nhập nhóm thiện nguyện Nụ Cười chuyên chăm sóc trẻ em nghèo, nhiễm bệnh HIV tại TPHCM. Tiếp nối dự án của chồng sau khi mất, bà xây dựng trung tâm nhân đạo có tên gọi Thay’s World (thế giới của Thầy) ở xóm biển gần Phan Thiết để giúp trẻ cơ nhỡ, những cánh chim lạc loài có được niềm tin vào cuộc sống.
Đó là ba trong số hàng trăm câu chuyện đời đầy ý nghĩa về những người ngoại quốc yêu nước Việt qua chương trình “Việt Nam trong tim tôi” (VTV3). Chương trình theo thể loại talkshow kết hợp với reality giúp khán giả hiểu hơn về cuộc đời của họ, biết được lý do vì sao họ chọn ở lại Việt Nam, xem Việt Nam là quê hương thứ hai.
Từng ngày trôi qua, những người nước ngoài này đã và đang tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện vì lợi ích cộng đồng, lặng lẽ đóng góp cho sự phát triển từ kinh tế đến văn hóa, xã hội của đất nước ta.
Tường Châu