Những nguy cơ cho toàn cầu

Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ngày 12-6 đã đưa ra lời cảnh báo được xem là nghiêm trọng nhất cho toàn cầu, theo đó cả thế giới đang đối mặt với một lúc 3 nguy cơ nếu không kịp thời có nỗ lực phát triển kinh tế bền vững. 3 nguy cơ đó là: giảm sút về thu nhập, môi trường bị hủy hoại và tình trạng bất ổn xã hội.

Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ngày 12-6 đã đưa ra lời cảnh báo được xem là nghiêm trọng nhất cho toàn cầu, theo đó cả thế giới đang đối mặt với một lúc 3 nguy cơ nếu không kịp thời có nỗ lực phát triển kinh tế bền vững. 3 nguy cơ đó là: giảm sút về thu nhập, môi trường bị hủy hoại và tình trạng bất ổn xã hội.

Cảnh báo trên của bà Christine Lagarde được đưa ra trước Hội nghị thượng đỉnh Rio+20 về Trái đất diễn ra từ ngày 20 đến 22-6 ở Rio de Janeiro, Brazil. Người đứng đầu IMF cho biết, các nước giàu nên hạn chế nhu cầu tăng thêm thu nhập trong khi vẫn còn 200 triệu người trên toàn thế giới mất việc và gia tăng đói nghèo. Người đứng đầu IMF cho rằng đã hơn 4 năm qua, thế giới vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất kể từ cuộc “đại suy thoái” (năm 1930). “Ngay bây giờ, 200 triệu người trên toàn thế giới không thể tìm việc làm, trong đó có 75 triệu thanh niên đang cố tìm việc làm đầu tiên. Vì thế chúng ta cần một chiến lược tốt để đảm bảo cho tăng trưởng và ổn định”, bà nói.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc đánh thuế môi trường cũng như hàng loạt biện pháp bảo vệ môi trường khác. Bà thúc giục các nước nên gia tăng đánh thuế vào xe hơi sử dụng xăng. Theo bà, thuế đánh trên xăng và các nhiên liệu carbon khác có thể mang lại hàng tỷ USD đầu tư vào các dự án bảo vệ môi trường. Chẳng hạn tại Mỹ, thuế 25 USD/tấn khí thải CO2 có thể đóng góp thêm cho 22 cent vào 1 gallon xăng, nâng tổng số tiền thuế trong vòng 10 năm có thể trên mức 1.000 tỷ USD. Hay như thuế đánh vào các chuyến bay và tàu biển có thể mang về 25 tỷ USD/năm để giúp các nước đang phát triển giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra. Tổng Giám đốc IMF thêm rằng, rất nhiều nước tiếp tục trợ giá cho hệ thống nhiên liệu gây ô nhiễm, điều đó gây tổn hại cho ngân sách và cho cả hành tinh. Các nước cần phải giảm bớt sự trợ giá này. Nhưng để thực hiện, trước tiên phải bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo bằng cách trợ giá sản phẩm cho họ cũng như tăng cường mạng lưới an sinh xã hội. Bà Lagarde nói: “Đã 20 năm kể từ khi các nhà lãnh đạo thế giới tới Rio để cam kết mục tiêu bảo vệ Trái đất và giờ đây đã qua 20 năm chúng ta lại tới Rio chỉ để tiếp tục cam kết phát triển bền vững”.

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay tại châu Âu và tốc độ tăng trưởng chậm chạp của kinh tế toàn cầu cùng với mối đe dọa đang gia tăng về thay đổi khí hậu và căng thẳng xã hội có thể phá hoại mọi nỗ lực phát triển kinh tế vững bền. Thêm vào đó Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã hết hạn mà vẫn chưa có một cơ chế pháp lý mới nào thay thế.

Những cảnh báo của người đứng đầu IMF thật sự đang gây thêm lo ngại cho tương lai phát triển toàn cầu. Chỉ việc tập trung giải cứu các nền kinh tế lớn đang trong cơn suy thoái cũng đã chiếm quá nhiều thời gian của các chính khách toàn cầu. Vì vậy, lo cho một đại cục lớn hơn, trong đó có bảo vệ môi trường và tăng cường an sinh xã hội dường như vẫn còn là điều xa vời. Điều đáng nói là hậu quả của các vấn đề này chắc chắn sẽ rất gần.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục