Phụ huynh trông nhập học
Cô giáo gửi thông báo về thằng nhỏ cuối năm xếp loại học sinh khá, chị Nguyễn Thị Bé Hai (36 tuổi, huyện Bình Chánh, TPHCM), chưa kịp mừng, đã lo ngược lo xuôi. Hai vợ chồng làm công nhân, không tăng ca thì cũng 5 giờ chiều mới tan làm, thằng con học lớp 3, nghỉ hè lại rầu không ai trông. “Nghỉ hè ở nhà hông biết ai coi chừng nó nữa, bà ngoại năm nay bệnh rề rề, đâu có lên coi chừng nó được. Tui với ba nó đi làm tới 5-6 giờ chiều mới về, sợ nó tụ tập theo mấy đứa trong xóm đi chơi, bữa nào về cũng u đầu, mẻ trán. Lương công nhân mà mướn người giữ con thì eo hẹp lắm, chi phí bây giờ cái gì cũng lên giá”, chị Bé Hai chia sẻ.
Trẻ con đi học lúc nào cũng trông được nghỉ hè, nhưng nghỉ hè rồi cha mẹ ở nhà lại trông cho tụi nhỏ đến trường. Đám nhóc ở tuổi mẫu giáo, tiểu học, nghỉ hè lo không ai trông, lớn hơn một chút thì không quản nổi, khi tụi nhỏ cứ ôm điện thoại rồi đắm chìm trong mạng xã hội. Ba mẹ có tài lắm, cũng không thể biết hết con mình có bao nhiêu tài khoản trên các trang mạng. Nhiều khi thấy tụi nó cười mà lo. “Ôm cái điện thoại rồi nằm cười một mình vậy đó, rầu dễ sợ luôn. Bước ra ngoài, hay đi đây đi đó gặp ai cũng chào một tiếng rồi nín thinh, chứ lên mạng này kia rành sáu câu. Con nít bây giờ thiệt lạ quá”, ông Hoàng Văn Hùng (48 tuổi, ngụ quận 6, TPHCM) thở dài, khi nhắc về thằng con út đang học lớp 10.
Tuần trước, cả nhà mới rần rần vì cô giáo tịch thu điện thoại, do con bé sử dụng trong giờ học. Tuần này, bắt đầu có thông báo tổng kết cuối năm và lịch nghỉ hè, bà Huỳnh Thị Chín (47 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) lại rầu: “Nó mới học lớp 8 nhưng đòi sắm điện thoại cho bằng được, ôm cái điện thoại cả ngày, rồi đem theo đi học luôn. Vô lớp lén xài trong giờ học sao đó mà bị cô tịch thu, cô gọi báo về gia đình, mời phụ huynh lên làm việc. Giờ nghỉ hè ở nhà cả ngày, nó tha hồ mà bấm điện thoại, tui với ổng đâu có nói nổi. Trong nhà nó chỉ sợ anh Hai, mà thằng nhỏ đi làm xa, đâu có ở nhà thường xuyên mà rầy la được, còn lấy lại điện thoại của con thì mình không nỡ”.
Lạ và… lãng quên
Hơn hai năm dịch bệnh, mùa hè trôi qua nhạt nhòa hơn khi sân trường có lúc thành điểm tiêm vaccine, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, thậm chí là bệnh viện dã chiến. Phượng hồng, lưu bút, hay tiếng ve… có lẽ chỉ còn là hoài niệm của những lứa học trò thế hệ 9X trở về sau. Với bạn trẻ gen Z, ít nhiều mùa hè đã thật khác bởi dịch và thật nhiều lãng quên, khi trên vai đứa trẻ còn hàng tá lớp học thêm, học năng khiếu và “cõng” luôn những giấc mơ, kỳ vọng của ba mẹ.
Đám bạn trong xóm tụ lại, con gái chơi búp bê, banh đũa; con trai thì siêu nhân, đá banh… là những điều quen thuộc với lứa 9X như chúng tôi, mỗi bận nghỉ hè. Nhưng khoảng thời gian ấy không nhiều và định lượng cũng không đủ 3 tháng hè. Được vài tuần nghỉ hè, chúng tôi lại bắt đầu học thêm, vì ba mẹ nào cũng lo con mình thua kém. Có cậu bạn năm ấy, nhà cũng ở ngoại thành như tôi, nhưng ngày nào cũng được ba chở lên các trung tâm trên nội thành để luyện thi, hết toán đến tiếng Anh. Nhưng kỳ thi vào lớp 10 năm ấy, cậu bạn tôi rớt trường chuyên theo nguyện vọng… Tất nhiên, “học tài thi phận”, không bị đánh đòn, nhưng bạn tôi cũng chịu một trận cằn nhằn trong gia đình, vì không bằng “con nhà người ta”.
Và bây giờ, mùa hè vẫn cứ trôi qua, đám trẻ không đến lớp năng khiếu, trung tâm luyện thi… thì miệt mài trong cái điện thoại. Hoa phượng, tiếng ve chỉ cần tra Google là biết ngay, dòng lưu bút cũng thay bằng những trạng thái chia sẻ lên trang cá nhân, mà đứa nào còn được tag (gắn tài khoản người dùng khác vào bài viết của mình) nghĩa là còn chơi chung… Ngoài kia cây phượng thế nào, chắc còn rất ít đứa mảy may để ý.
Và trong điều kiện lên ngôi của mạng xã hội, cũng khó mà tách đám trẻ khỏi vòng xoáy “thế giới ảo”. Nhưng tuổi thơ trôi qua, mùa hè với những khoảng trống không chút sắc phượng, có lẽ là một thiệt thòi lớn trong tâm hồn, mà phụ huynh thời 4.0 lẫn học trò gen Z cần nhìn lại, để không nuối tiếc những điều đẹp đẽ mà cuộc đời “chẳng hai lần thắm lại”.
Mỗi thế hệ luôn có sự khác biệt nhất định, khi đám trẻ lớn lên trong cuộc sống đã bớt phần vất vả, có nhiều điều kiện phát triển bản thân nhưng cũng kèm theo bên mình một áp lực vô hình “con nhà người ta”, khi mà mỗi mùa họp phụ huynh, mạng xã hội trở thành diễn đàn của con ngoan trò giỏi, giấy khen, phần thưởng… |