Những nhịp cầu hỗ trợ phát triển

Năm 2018 là năm bản lề TPHCM khởi động đề án xây dựng đô thị thông minh. Trong quá trình xây dựng và triển khai đề án, cũng như các quốc gia khác trên thế giới, TPHCM rất cần những chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi hợp tác từ nhiều quốc gia.
Những nhịp cầu hỗ trợ phát triển
 Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi với các Tổng lãnh sự và Phó tổng lãnh sự tại TPHCM xung quanh vấn đề này.
Tổng lãnh sự Hà Lan Carel Richter:
Mong đợi Việt Nam tham gia vào cộng đồng các thành phố thông minh toàn cầu
Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức xuất phát từ việc bùng nổ đô thị và tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, do đó xây dựng các thành phố thông minh là lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển. Trong đó, sử dụng các công nghệ đô thị thông minh là cần thiết để hỗ trợ phát triển kinh tế đi đôi với kiểm soát các tác động từ quá trình đô thị hóa đến môi trường, cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Những nhịp cầu hỗ trợ phát triển ảnh 1
Để thúc đẩy phát triển bền vững cho thành phố, tôi được biết ngày 26-11-2017, lãnh đạo TPHCM đã công bố dự án thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020 và hướng đến 2025. Dự án này sẽ giải quyết những “nút thắt” của thành phố, đặc biệt giải bài toán đô thị theo 4 mục tiêu: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững; Quản trị đô thị hiệu quả; Nâng cao chất lượng môi trường sống, làm việc và Tăng cường sự tham gia quản lý của người dân. Tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để TPHCM thực hiện mục tiêu hướng đến thành phố thông minh, trở thành một trong những thành phố trọng điểm của khu vực và châu Á. 
Hà Lan cũng đang phát triển một chiến lược thành phố thông minh. Đầu năm 2017, Chiến lược thành phố thông minh của Hà Lan đã được Thủ tướng của chúng tôi, Mark Rutte, đề cập đến. Chiến lược này là kết quả của một quá trình đồng hợp tác của hơn 40 đại diện từ các địa phương, 40 công ty và 30 nhà khoa học. Chiến lược này với tầm nhìn đảm bảo rằng các thành phố ở Hà Lan đều đáng sống trong tương lai và có thể hài hòa những thách thức phải đối diện. Đó là một tiến trình phức tạp nhưng là cần thiết để đưa ra những lựa chọn đúng đắn cho tương lai của chúng ta. 
Điều này cũng có nghĩa là các thành phố cần phải có sự gắn kết toàn cầu và đó cũng là lý do Hà Lan gắn kết với Liên minh cộng đồng và các thành phố thông minh toàn cầu. Thông qua liên minh này, các quốc gia sẽ học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm cũng như các giải pháp tối ưu, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế và chia sẻ những hiểu biết cùng nhau. Tôi tin tưởng vào sức mạnh khi các bên liên kết với nhau và mong đợi Việt Nam tham gia vào cộng đồng các quốc gia thành viên phát triển thành phố thông minh tại Liên minh cộng đồng và thành phố thông minh toàn cầu. Đây là một hình thức chia sẻ tốt nhất với các giải pháp hữu hiệu, thực tế nhất cho các thành phố tại Hà Lan, Mỹ và Italia. 
Việt Nam và Hà Lan trong tương lai sẽ là nhà của những thành phố xinh đẹp và năng động. Tôi tin rằng Việt Nam và Hà Lan sẽ là những đối tác thành phố thông minh và dự án thông minh của TPHCM sẽ mang đến cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất. Năm 2018 cũng là năm Việt Nam - Hà Lan kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động để giới thiệu văn hóa, giáo dục, công nghệ của Hà Lan đến người dân Việt Nam. Nhân dịp năm mới, tôi mến chúc người dân Việt Nam và cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam mạnh khỏe, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công trong năm Mậu Tuất. 
Tổng lãnh sự Singapore Leow Siu Lin: 
                         Kỹ thuật số sẽ hóa giải các thách thức một cách hiệu quả
Một quốc gia thông minh là một quốc gia sử dụng công nghệ thông minh để giải quyết những vấn đề và thách thức xảy ra hàng ngày một cách hiệu quả nhất. Giống nhiều quốc gia khác, Singapore cũng đã đưa vào sử dụng công nghệ từ nhiều năm qua trong các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, thời gian trước, tài xế ở Singapore phải sử dụng coupon đậu xe (bằng giấy) khi muốn đậu ở những nơi công cộng. Ngày nay, nếu muốn đậu xe, tài xế chỉ cần dùng ứng dụng Parking-Sg trên điện thoại là có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ đậu xe nơi công cộng.
Những nhịp cầu hỗ trợ phát triển ảnh 2
Một ví dụ khác, lúc trước người dân Singapore phải thông qua nhiều khâu khác nhau để giải quyết những vấn đề giấy tờ, hành chính nhưng năm 2015, ứng dụng điện thoại Oneservice đã được đưa vào sử dụng và các công đoạn thủ tục được giải quyết nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tôi được biết về đề án thành phố thông minh của TPHCM và mong rằng thành phố sẽ sớm đạt được mục tiêu đó.
Có thể nói, quan hệ song phương Việt Nam - Singapore đã và đang phát triển mạnh trong những năm qua. Năm 2016, chúng tôi vinh dự được chào đón Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và tháng 7-2017, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã đến thăm Singapore. Tháng 3-2017, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã sang thăm Việt Nam cũng như tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng. 
Đặc biệt, hai nước sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2018. Nhiều hoạt động nghệ thuật sẽ được tổ chức để chào mừng lễ kỷ niệm này, trong đó, có các cuộc giao lưu và gặp gỡ giữa học sinh hai nước, qua đó, để giới thiệu những tài năng trẻ của Việt Nam và Singapore, cũng như giáo dục các học sinh về mối quan hệ song phương, khuyến khích giới trẻ tiếp tục xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa hai nước.
Tổng Lãnh sự Nhật Bản KAWAUE Jun-Ichi: 
                        Luôn đồng hành cùng TPHCM các mục tiêu phát triển 
Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển tốt. Đặc biệt, năm 2017 là một năm ghi lại nhiều mốc son trong quan hệ hai nước với các chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe; chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản...
Những nhịp cầu hỗ trợ phát triển ảnh 3
Có thể nói, các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam để đầu tư vì trên hết là sự ổn định về chính trị, an ninh đảm bảo và nguồn lao động chất lượng cao dồi dào. Đây chính là những ưu điểm nổi trội của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Riêng TPHCM, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển những năm gần đây đã tạo nên sức hút đối với doanh nghiệp Nhật Bản, với trên 1.300 doanh nghiệp đầu tư vào thành phố và các tỉnh thành phía Nam. Trong đó, chỉ tính riêng số thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM đã cán mốc 952 doanh nghiệp. Tôi tin rằng trong năm 2018, con số này sẽ tiếp tục gia tăng. 
TPHCM là một đại đô thị có tốc độ phát triển kinh tế, gia tăng dân số vô cùng mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu về đi lại cũng tăng cao, dẫn đến việc thành phố phải đối mặt với tình trạng kẹt xe, tai nạn giao thông cũng như các vấn đề về môi trường. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến metro số 1 cũng nhằm góp phần giải quyết các vấn đề nói trên để phát triển hơn nữa kinh tế của thành phố. Có thể nói, dự án tuyến metro 1 là dự án quan trọng không thể thiếu đối với TPHCM và hiện đang được những công ty xây dựng nổi tiếng hàng đầu tại Nhật Bản triển khai thi công bằng các công nghệ tiên tiến. Điều đó cho thấy Nhật Bản luôn sẵn sàng đồng hành với TPHCM trong mục tiêu hướng đến thành phố thông minh. 
Bước sang năm 2018, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản với tinh thần “All Japan” sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TPHCM và các tỉnh thành phía Nam trong việc xúc tiến các hoạt động kinh doanh của cả hai nước. Với tư cách Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức mình để góp phần phát triển hơn nữa mối quan hệ kinh tế của hai nước nói chung và với TPHCM nói riêng.
Phó Tổng lãnh sự CHLB Đức Daniela Scheetz:  
 Nhiều thách thức và cơ hội
Môi trường, nhà cửa, giao thông, sức khỏe, tăng trưởng dân số, đô thị hóa và kỹ thuật số… đều là những vấn đề mà các quốc gia trên thế giới phải giải quyết khi họ hướng đến xây dựng những thành phố thông minh toàn cầu và tôi nghĩ Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng cũng phải đối diện với các khía cạnh ấy.
Đô thị hóa, tăng trưởng dân số và kỹ thuật số là những khuynh hướng toàn cầu, cũng là thách thức và cơ hội cho các thành phố. Mặc dù, kỹ thuật số đã và đang làm thay đổi cơ bản cách thức chúng ta đang sống, làm việc tại các đô thị nhưng nó không quyết định tất cả, nó chỉ là một giải pháp kỹ thuật phục vụ cho mục đích của thành phố thông minh và biến thành phố đó trở nên đáng sống. Tôi cho rằng, thành phố thông minh không phải là đích đến cuối cùng mà thực chất được xây dựng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững về mọi lĩnh vực bao gồm cả kinh tế - xã hội và môi trường.
Năm 2017, sau 1 năm thăm dò ý kiến từ nhiều phía (chính phủ, nhà khoa học, chuyên gia…), Hội đồng liên bang về chính sách phát triển đô thị quốc gia của Đức đã giới thiệu một hiến chương về những thành phố thông minh. Điều này nhằm giúp các thành phố nhận ra những cơ hội và thách thức của phát triển đô thị định hướng tương lai thông minh. Một thành phố thông minh sẽ hướng đến việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn hơn cho người dân ở đó. Có thể nói rằng, đó là thành phố đáng sống, đáng yêu và người dân là trung tâm.
Tôi đánh giá cao những nỗ lực của TPHCM hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố thông minh bền vững định hướng tương lai và tôi cho rằng đây là thời điểm đúng để TPHCM quyết tâm thực hiện mục đích đó. Đức sẵn sàng tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm với Việt Nam để hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho người dân của cả hai nước. TPHCM là thành phố đầy tiềm năng ở khu vực Đông Nam Á, là nơi các tổ chức hàng đầu của Đức đang hoạt động như Hội Doanh nghiệp Đức, Phòng Thương mại Đức, Viện Goeth, Viện Văn hóa Đức và dĩ nhiên cả Tổng lãnh sự quán Đức cùng nhiều công ty hàng đầu của Đức. Trong đó, một số công ty đã gắn kết được các mục tiêu của đô thị thông minh như Siemens và Bosch đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp 4.0 và di động thông minh… Trong năm 2018, Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ TPHCM trong việc phát triển đề án thành phố thông minh. Thay mặt Tổng lãnh sự quán Đức, tôi kính chúc người dân Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng có một năm mới tràn đầy hạnh phúc, thịnh vượng và thành công.

Tin cùng chuyên mục