Những hệ luỵ từ những vụ tiêu cực liên tiếp bị phanh phui đang khiến V- League - giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam phải đối diện với vô vàn khó khăn. Vấn đề tài trợ, chất lượng trọng tài, sự thiếu vắng khán giả và chất lượng các trận đấu đang trở thành những nỗi lo lớn trước thềm V-League 2006.
Chưa bao giờ tiêu cực lại nở rộ như thời gian vừa qua, như một hệ quả tất yếu, các nhà tài trợ đã lần lượt dứt áo ra đi. Ở cấp CLB, việc mất “bầu sữa” từ các doanh nghiệp đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch chuẩn bị của họ. Thiếu tiền để mua cầu thủ chất lượng, không thể mạnh tay trả lương cao để lấy được sự toàn tâm toàn ý của các cầu thủ, những yếu tố đó có thể khiến sức mạnh của nhiều đội bóng giảm đi.

Gạch Đồng Tâm Long An (áo sọc) và TMN.CSG trong trận tập huấn chuẩn bị cho mùa giải 2006 (GĐT.LA thắng 3-2). Ảnh: Hoàng Vy
Ở cấp điều hành, đến thời điểm này, VFF vẫn chưa thể công bố danh tính cũng như số tiền mà họ nhận được từ các nhà tài trợ cho V-League 2006. Sự chậm trễ này ảnh hưởng đến công tác kiếm tìm tài trợ của các CLB (sợ đụng hàng) và quan trọng hơn, càng để lâu, V-League sẽ càng rớt giá trong mắt các nhà tài trợ.
Trong các vụ scandal tiêu cực xảy ra trong thời gian gần đây, giới trọng tài chiếm một phần không nhỏ. Không thể sử dụng các trọng tài đã “dính chàm”, cũng không thuê trọng tài ngoại, liệu giải pháp sử dụng các trọng tài trẻ có đồng nghĩa với chất lượng của các ông vua sân cỏ sẽ được đảm bảo? Rất khó bởi để trở thành trọng tài giỏi, ngoài yếu tố đạo đức thì yếu tố chuyên môn và kinh nghiệm là điều bắt buộc.
Các trọng tài đã vậy, lực lượng giám sát cũng khó có sự chuyển biến về chất ở mùa giải mới khi quanh đi quẩn lại vẫn là những gương mặt cũ. Mà một trong những nguyên nhân khiến các trọng tài sa ngã bắt nguồn từ chính cách điều hành, quản lý của đội ngũ giám sát, thế nên chất lượng của những ông vua sân cỏ ở V-League 2006 tiếp tục là mối lo lớn.
Ngoại trừ những “đại gia” như GĐT.LA, HAGL, Bình Dương và phần nào là Đà Nẵng thì hầu hết các đội bóng còn lại đều gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm kinh phí. Thiếu tiền, các CLB khó có thể kiếm được những cầu thủ chất lượng. Thực tế trong thời gian chuẩn bị vừa qua cũng chỉ có GĐT.LA, HAGL, Bình Dương là tích cực với các vụ “săn đầu người”, số còn lại phần nhiều đành bất lực bởi bài toán kinh phí.
Đơn cử như P.SLNA, đến giờ đội bong xứ Nghệ vẫn chưa tìm được những ngoại binh chất lượng trong khi đó, ít nhất có đến 2 trụ cột của họ đã dính chàm không thể thi đấu ở mùa bong mới. Ở trong tình trạng ấy, P.SLNA khó có được chất lượng tốt hơn các mùa giải trước.
Không chỉ ngoại binh, thị trường nội binh cũng khá im ắng, không có nhiều những cuộc chuyển nhượng gây tiếng vang lớn như một vài mùa giải gần đây, thế nên các CLB tầm tầm như LG.HN ACB, HP.HN, M.H.HP, Thép MN.CSG… rất khó để cải thiện được hình ảnh của mình. Khi hầu hết các đội bóng đều chưa cho thấy được sự biến chuyển về chất, V-League 2006 cũng khó nâng được chất của mình.
Những khó khăn trên khiến nỗi lo thiếu vắng khán giả càng trở nên rõ rệt hơn ở V-League 2006. Đó là nguy cơ hiện hữu bởi V-League 2005, không ít trận đấu số khan giả chỉ khiếm tốn ở 1 đến 2 nghìn thậm chí có trận là vài trăm. Khán giả là nguồn sống của bóng đá chuyên nghiệp và nếu mất đi lực lượng sống còn này, những hệ luỵ tiếp về tài trợ, uy tín và chất lượng V-League tiếp tục có thể diễn ra.
Những khó khăn trên là điều có thể dự báo trước, ở giai đoạn này, bóng đá Việt Nam đang rất cần các nhà lãnh đạo từ VFF đến các CLB thể hiện tài thao lược của mình để đưa con tàu V-League đi theo một hải trình đúng đắn, thành công!
T.Khôi