Những nước cờ trong bóng đêm

Trong gian phòng khách chật hẹp, 6 kỳ thủ trẻ đang đối luyện cờ Vua một cách say mê trên dưới sàn gạch hoa. Tiếng tranh luận, cười đùa và thậm chí là cãi vã thỉnh thoảng lại bật ra như bao cuộc tỉ đấu cờ khác, chỉ có điều, bàn cờ của họ lại chẳng giống so với các bàn cờ Vua mà chúng tôi thường gặp. Sao lạ vậy? Đến gần hơn mới nhận ra, các tay chơi cờ trẻ này đều không nhìn thấy gì, họ đang chơi cờ bằng cảm giác của đôi bàn tay và của đôi tai…

Những nước cờ trong bóng đêm ảnh 1

Hai kỳ thủ khiếm thị đang tranh tài bằng việc cảm nhận các quân cờ qua đôi bàn tay.

Theo lời kể của HLV Mai Thanh Hương - Trưởng bộ môn Cờ Q. Tân Phú (TPHCM), chúng tôi đã tìm đến một lớp tập cờ Vua rất đặc biệt tại cơ sở dân lập Bừng Sáng nằm trong một con hẻm trên đường Nguyễn Tri Phương, Q.10 (TPHCM).

Lớp cờ này đã thành lập được 4 tháng nay từ gợi ý của anh Lý Đại Nghĩa, một HLV… Judo người khiếm thị.

Với hai bàn tay, các kỳ thủ trẻ này liên tục sờ soạng trên những ô cờ và quân cờ của mình và của đối thủ để nhận biết vị trí từng quân cờ trước khi cắm một quân cờ của mình vào vị trí mới. Mà bộ cờ dành cho các kỳ thủ khiếm thị cũng rất công phu.

Này nhé, trên các ô cờ đen đều có gắn thêm một miếng mica mỏng tạo thành 32 ô nổi và 32 ô chìm. Hầu hết các cục gù trên đầu quân cờ đen đều được mài sạch và bịt kín lỗ trống trên đầu quân xe đen... Chưa hết, mỗi quân cờ đều được gắn thêm một cây kim bằng inox phía dưới đế để người chơi cắm vào những lỗ nhỏ đã được đục sẵn ở từng ô cờ.

Bằng sự nhạy cảm của 10 đầu ngón tay và óc tưởng tượng phong phú, các kỳ thủ khiếm thị cũng không mấy khó khăn để phân biệt ô đen, ô trắng, hình dáng, vị trí những quân cờ cũng như hình dung được thế trận đang diễn biến trên bàn cờ dù họ chẳng thể nhìn thấy bàn cờ của họ đang thi đấu thế nào, quân của họ đang bày trận có hình dạng gì và màu sắc ra sao.

Thế nhưng, không ít lần chúng tôi chứng kiến những nụ cười rạng rỡ, nghe các câu: “tiến chốt”, “ăn ngựa” hay tiếng tặc lưỡi, thở dài sau một nước cờ không ưng ý, hoặc đôi khi bóp trán suy tư trước khi di chuyển một quân cờ…

Đoàn Văn Ước -16 tuổi, quê ở Ninh Bình, đang học lớp 10 trường THPT Hoàng Văn Thụ hồn nhiên kể thêm về việc luyện cờ của em: “Ngoài giờ học cờ với cô Thanh Hương, chúng em còn chơi cờ với nhau hoặc chơi cờ trên máy vi tính”.

Chơi cờ trên máy vi tính nữa à? “Nghe” chúng tôi ngạc nhiên, Ước liền giải thích: “Em nhờ người mua dĩa chơi cờ rồi cài vào máy vi tính. Khi chơi, bộ phận trợ âm sẽ báo cho em biết vị trí các quân cờ của đối thủ và em chỉ cần đánh tên quân cờ, vị trí quân cờ của em định di chuyển rồi bấm enter là xong. Trong trường hợp mình quên hay cần kiểm tra lại thì sử dụng con chuột để di chuyển mũi tên. Mũi tên di chuyển đến đâu, bộ phận trợ âm sẽ báo tên quân cờ đang ở vị trí đó”.

Hiện nay, không chỉ có cơ sở Bừng Sáng mà một số bạn khiếm thị ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, Hội người mù TPHCM… cũng đến với cờ. HLV Lý Đại Nghĩa cho biết: “Chúng tôi khuyến khích phong trào chơi cờ Vua nhằm đa dạng hóa các môn thể thao để các bạn khiếm thị chọn lựa. Cuối tháng 4 tới, chúng tôi sẽ tổ chức Hội thao người khuyết tật, trong đó có giải cờ Vua”.

Được biết, môn cờ Vua người khiếm thị đã tổ chức giải vô địch thế giới, châu Á… Với ước vọng hướng đến các đấu trường đó, trong thời gian học Cao học ở Đại học Burapha (Thái Lan), Đại Nghĩa đã đặt mua một bộ cờ Vua dành riêng cho người khiếm thị. Tháng sau, bộ cờ sẽ được gửi sang, rồi “nhân bản” tại TPHCM để thay những bộ cờ đang sử dụng theo kiểu “tự chế” hiện nay.

Khát khao khám phá và sống có ích luôn là ước vọng của mỗi con người, người khiếm thị cũng thế. Và các hoạt động thể thao như: bóng đá, Judo, cờ Vua, cờ Tướng… là một phương tiện hữu hiệu giúp họ vui hơn, khỏe hơn để dễ dàng hòa nhập cùng xã hội.

Bài và ảnh: THIỆN TÂM

Tin cùng chuyên mục