Chùm sách về ngày 8-3

Những phác họa đầy mạnh mẽ và dịu dàng

Tác giả Isabelle Müller là con gái út của bà Loan. Bà Loan không phải nhân vật lịch sử, chẳng dính líu đến chính trị, chỉ đơn giản là một người phụ nữ Việt Nam cố gắng sống, tìm kiếm hạnh phúc và làm một người mẹ che chở cho những đứa con của mình.
Hiếm có năm nào, dịp Quốc tế Phụ nữ 8-3 lại đón nhận cùng lúc nhiều tác phẩm viết về phụ nữ, viết cho phụ nữ như năm nay. Điều đáng nói là dù ở bối cảnh xã hội, lịch sử nào, dù tác giả là doanh nhân nổi tiếng hay chỉ đơn thuần là người nội trợ, hình ảnh chung toát lên trong các tác phẩm vẫn là sự mạnh mẽ để thành công, hạnh phúc và cả sự dịu dàng gìn giữ những điều đáng quý nhất của người phụ nữ.
Phụ nữ viết về phụ nữ 
Dịp 8-3, Công ty CP Sách Alpha (Alpha Books) cùng lúc giới thiệu đến bạn đọc 4 cuốn sách về phụ nữ, hay nói đúng hơn là sách của phụ nữ viết về phụ nữ. Những tác giả của 4 tác phẩm này đều là người đặc biệt.
Đó là Michelle Mone - người đã làm thay đổi quan điểm về thời trang của phụ nữ thế giới; là Ivanka Trump - người chỉ mới hơn 30 tuổi nhưng đã được xem là một trong những cố vấn quan trọng nhất, giúp bố - ông Donald Trump - trở thành Tổng thống nước Mỹ; là Oprah Winfrey - người phụ nữ nổi tiếng nhất thế giới còn sống; là Brené Brown - nhà xã hội học lừng danh đã khiến thế giới phải tranh cãi về những quan điểm của mình.
4 cuốn sách hoàn toàn độc lập. Thế nhưng, cả 4 cũng có thể xem là một bộ sách, bởi thông qua câu chuyện về cuộc đời, về những gì họ đã trải qua, về những thất bại, thành công của họ, bạn đọc có thể thấy được cả sự thay đổi của hình ảnh người phụ nữ ngày nay. 
Với Michelle Mone, không chỉ là câu chuyện từ một cô gái sinh ra trong khu ổ chuột, trở thành một nữ tỷ phú với mệnh danh “bà trùm nội y”, tạo nên một thương hiệu thời trang thành công nhất nước Anh. “Nếu bạn không thành công, đừng đổ lỗi cho những người xung quanh. Đừng đổ lỗi cho anh này, hay cô nọ, hay hoàn cảnh đó - hãy tự trách bản thân…”, Michelle Mone khẳng định cho sự độc lập của người phụ nữ hiện đại.
Còn Oprah Winfrey, từ một người dẫn chương trình đối thoại truyền hình và là nhà xuất bản tạp chí từng đoạt giải Emmy, trở thành phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên có tên trong danh sách các tỷ phú và được xem là một trong những nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới. Trong cuốn sách của mình có nhan đề Những điều tôi biết chắc, bà không nói đến thành công, bởi đó không phải là điều có thể biết chắc, điều Oprah Winfrey “biết chắc” là cảm giác tìm thấy chính bản thân mình. 
Cuốn sách đầu tay của con gái Tổng thống Mỹ - Ivankan Trump - không nhằm giải thích chiến thắng kinh ngạc của bố cô trên chính trường, tác phẩm là một dạng sách khởi nghiệp với những kinh nghiệm và lời khuyên quý báu trong kinh doanh và phát triển năng lực bản thân. Đối tượng độc giả mà Women Who Work hướng đến là phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Trong số 4 tác phẩm, Sự liều lĩnh vĩ đại và Vươn lên từ thất bại của Brené Brown có lẽ là tác phẩm khó đọc nhất, nó nói đến giá trị của lòng can đảm. Là một nhà xã hội học nổi tiếng, tác giả giúp độc giả biết đến một quan niệm mới: Tổn thương không phải là điểm yếu và chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đối mặt với nó, bởi nếu chờ đợi để trở nên hoàn hảo, ta sẽ bỏ lỡ tất cả.
Ấn tượng về cuộc đời một phụ nữ Việt bình dị
Loan, cuốn sách mang một cái tên phụ nữ Việt Nam rất giản dị. Nhân vật trong sách cũng không phải là một người nổi tiếng, hay một nhân vật đặc biệt nào, bà chỉ đơn thuần là một người phụ nữ Việt Nam, yêu thương quê hương và con cái của mình. 
 Những phác họa đầy mạnh mẽ và dịu dàng ảnh 1 Loan, cuốn sách ấn tượng nhất hiện nay về cuộc đời một phụ nữ Việt Nam bình dị
Loan, tên thật là Đậu Thị Cúc, sinh ra tại một làng quê nhỏ gần thị xã Hà Tĩnh. Mẹ bà Cúc là người Lào. Thời nhỏ, bà Cúc chịu nhiều cay đắng do nếp “trọng nam khinh nữ”.
Bị cha và anh trai ngược đãi, bị sắp đặt để lấy một người không quen biết. Không chấp nhận số phận, bà Cúc đã bỏ trốn, phiêu dạt đến Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng…, trải qua những tai nạn hiểm nghèo, suýt bị bán vào nhà thổ, tan vỡ mối tình đầu, mất con.
Cái tên Loan của bà lấy từ tên đứa con đầu lòng không may mắn, với hàm ý tái sinh từ tro tàn như chim phượng hoàng. Sau này, bà Cúc quen và lấy một người lính Pháp nghèo, sau năm 1955, bà theo chồng rời Việt Nam sang Algeria và dừng chân tại Pháp. Bà nặng gánh lo toan nơi đất khách với 5 người con, sống trong sự phân biệt đối xử…
Tác giả Isabelle Müller là con gái út của bà Loan. Bà Loan không phải nhân vật lịch sử, chẳng dính líu đến chính trị, chỉ đơn giản là một người phụ nữ Việt Nam cố gắng sống, tìm kiếm hạnh phúc và làm một người mẹ che chở cho những đứa con của mình.
Thế nhưng, hình ảnh bình dị đó lại là sự vĩ đại của một người phụ nữ bình dị nhất. Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm này là best seller (bán chạy nhất) trên trang Amazon (Đức). Sách được chọn ra mắt ngày 7-3, đúng ngày giỗ của bà Đậu Thị Cúc.
Hoàn toàn ngược lại với Loan, Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng lại là sự tận cùng của vinh quang. Với một gia thế giàu có, cuộc đời của người con gái mang tên Nguyễn Hữu Thị Lan lẽ ra đã bình lặng và sung sướng nếu không có cuộc gặp gỡ định mệnh với vị hoàng đế trẻ tuổi của nước Đại Nam - Hoàng đế Bảo Đại.
Kể từ đó, bắt đầu sự thăng trầm của Nam Phương hoàng hậu. Dù khác biệt đến trái ngược về cuộc sống thì cả bà Loan và hoàng hậu Nam Phương lại giống nhau ở một điều, đều phải vật lộn tìm kiếm hạnh phúc và sự tồn tại trong dòng chảy lịch sử, một dòng chảy quá khốc liệt cho những người phụ nữ khi ấy. 
Có thể nói, những tác phẩm nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 năm nay có một sự đa dạng đầy hấp dẫn, từ kinh tế đến xã hội, từ chính trị đến thời trang, từ cô thôn nữ dân dã đến bà hoàng lộng lẫy…
Người phụ nữ hiện ra qua những trang sách với đủ mọi cung bậc, mọi sắc thái, đưa người đọc đến với những hình ảnh phụ nữ hôm qua và hôm nay, để thấy được sự vất vả và những thay đổi, không chỉ đối với chính người phụ nữ mà cả những điều họ đã đem lại cho thế giới.

Tin cùng chuyên mục