Từ chuyện tập trung của đội tuyển bóng đá nam

Những robot... đá bóng

Sự kiện tiền vệ CLB Sevilla Antonio Puerta đột ngột ra đi sau khi bị đột quỵ ở trận đấu mở màn La Liga 2007-2008 gặp Getafe, một lần nữa làm rúng động làng bóng đá thế giới. Thế nhưng, thật hãi hùng nếu “soi” vào bóng đá Việt Nam, những cầu thủ đẳng cấp của đội tuyển Việt Nam (hay Olympic Việt Nam) - một thứ “tài sản quốc gia”- dường như đang bị biến thành những “robot”... đá bóng.

CÀNG “SAO” CÀNG THÀNH... “CỖ MÁY”

Những robot... đá bóng ảnh 1
Thanh Bình (18) và Vũ Phong (17) trong trận gặp Qatar tại Asian Cup 2007. Ảnh : Quang Thắng

Vài ngày trước khi Antonio Puerta ngã xuống vì đột quỵ, chính những cầu thủ Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo vì thứ virus “chán bóng đá”. Hậu vệ trái Văn Biển tâm sự với báo giới rằng, chỉ vì gặp… “may”, dính chấn thương nên anh mới có điều kiện nghỉ ngơi sau một quãng dài đá không kịp thở. Văn Biển không ngại ngần nói rằng, không chỉ anh mà những đồng đội trong ĐTQG như: Công Vinh, Thanh Bình, Vũ Phong… cũng đều dính virus “chán bóng đá” bởi những trận chiến liên miên ở V-League, AFF Cup 2007, Asian Cup 2007 và vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008.

Trước đó, sau khi tuyển Việt Nam thúc thủ trước Thái Lan ở bán kết AFF Cup 2007, tiền vệ Lê Tấn Tài cho rằng, nếu không bị “vắt” thêm 4 trận đấu ở King’s Cup 2006, tuyển Việt Nam có lẽ đã chơi với phong độ tốt hơn ở AFF Cup 2007. Tấn Tài nói rằng, điểm rơi của các học trò HLV Riedl dường như đã “rơi” vào Asian Games 15-2006, vì thời điểm ấy, đội bóng của HLV người Áo luôn ra sân thi đấu trong tình trạng thể lực chạy không biết mệt.

Hàng loạt “bài học xương máu” về tình trạng các tuyển thủ quốc gia bị vắt kiệt sức lực khiến người ta càng lo lắng khi HLV Riedl công bố kế hoạch nhân sự cho chiến dịch SEA Games 24, vòng loại World Cup 2010 và vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008. Quanh đi quẩn lại, HLV Riedl chỉ sử dụng khoảng 25-30 cầu thủ cho ĐTQG lẫn đội Olympic Việt Nam. Thậm chí, những cầu thủ đã tuyên bố giã từ sự nghiệp sân cỏ như Huy Hoàng, dính bệnh tật như Minh Phương… cũng có trong kế hoạch của ông Riedl.

Riêng những trụ cột như: Công Vinh, Thanh Bình, Vũ Phong… sẽ phải cáng đáng vai trò “3 trong 1” (ĐTQG, đội Olympic Việt Nam và U23 Việt Nam). Nghĩa là nếu những “ngôi sao” này trụ vững cho đến hết SEA Games 24, họ sẽ phải chơi 40-45 trận đấu/mùa bóng 2007, bởi trước đó, gần như cầu thủ nào cũng phải chơi trên 20 trận đấu ở V-League 2007 trong màu áo các CLB. Đấy chưa kể dư âm từ mùa bóng 2006, những trụ cột như Công Vinh phải cáng đáng khoảng 40 trận đấu (V-League, T&T- VTV Cup, Agribank Cup, Capital Cup, Cúp Bách Việt).

Nói tóm lại, một thực tế đang xảy ra ở bóng đá Việt Nam: càng là “ngôi sao”, càng dễ biến thành… “robot” chơi bóng! Lý do là bệnh thành tích và “sở thích” dùng đội hình mạnh nhất của HLV Riedl.

CHĂM SÓC VÀ DỰ BÁO KÉM

Với mật độ thi đấu dày đặc như hiện tại, những trụ cột như: Công Vinh, Thanh Bình, Vũ Phong… có trụ vững và giữ được phong độ cao cho đến SEA Games 24? Bác sĩ Lê Quý Phượng - Viện trưởng Viện y học thể thao cho rằng, với mật độ thi đấu mà các trụ cột của bóng đá Việt Nam đã và sẽ trải qua (40-50 trận đấu/mùa), đó không phải là vấn đề quá sức đối với các cầu thủ.

Ông Phượng cho rằng, về y-sinh học, chính những cầu thủ không được thi đấu thường xuyên với mật độ cao lại là những cầu thủ dễ dính… chấn thương. “Cầu thủ Việt Nam không kém về sức bền so với những cầu thủ nhà nghề của thế giới. Chúng ta chỉ thua đối thủ về sức mạnh. Điều quan trọng là cơ chế chăm sóc, bồi bổ sức khỏe cho cầu thủ, cũng như sự tự bảo vệ sức khỏe của chính các cầu thủ”, ông Phượng nói.

Chưa kể tính “nghiệp dư” của cầu thủ, cái khó cho bóng đá Việt Nam là cơ chế chăm sóc, bồi bổ thể lực cho cầu thủ luôn có nhiều vấn đề. Ông Phương cho biết, ở ĐTQG (hay Olympic), các tuyển thủ thường xuyên được sử dụng thuốc tăng lực, chất bổ dưỡng. Tuy vậy, khi trở lại CLB, vấn đề này có sự chênh lệch cực lớn. Giám đốc điều hành TCDK.SLNA Hồ Văn Chiêm cho biết, ở đội TCDK.SLNA, mỗi ngày, mỗi cầu thủ có… 5.000 đồng mua thuốc bổ tăng lực. Số tiền này chẳng thấm tháp gì và đương nhiên, vì phải dè xẻn nên loại thuốc bổ sử dụng cho cầu thủ (kể cả ngôi sao như Công Vinh, Huy Hoàng…) cũng chỉ là loại bình thường!

Độ chênh giữa CLB và ĐTQG về khả năng “bảo dưỡng” thể lực và đôi chân cầu thủ là vấn đề lớn. Tuy vậy, chính bác sỹ Lê Quý Phượng cũng cho biết, một vấn đề lớn của bóng đá Việt Nam khiến nhiều cầu thủ Việt Nam bị biến thành “robot” đá bóng chính là khả năng dự báo thành tích nghèo nàn. Ông Phượng nói: “Tài năng bóng đá của Việt Nam ít ỏi nên các cầu thủ phải đá quá nhiều vai. Ngoài ra khả năng dự báo thành tích của các nhà làm chuyên môn kém, vì vậy, mới xảy ra tình trạng đá ngoài kế hoạch như vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008”.
YẾN NHI

Tiền đạo Lê Công Vinh: “NHIỀU LÚC THẤY TRÁI BÓNG LÀ TÔI PHÁT... HOẢNG !”

Thi đấu liên tục suốt từ năm 2006 đến nay trong tất cả các màu áo từ CLB đến đội tuyển Olympic, tuyển VN mà không có một quãng thời gian nào để nghỉ ngơi. Chính vì thế mà trong một lần trò chuyện mới đây cùng chúng tôi, tiền đạo Lê Công Vinh của CLB TCDK.SLNA và của đội tuyển Việt Nam đã than thở: “Dạo này, tôi cảm thấy thể lực của mình yếu thấy rõ.


Cơ thể rã rời, bải hoải, thường hay cảm sốt và rất lâu khỏi, trong khi trước đây không hề có vấn đề này, đó là chưa kể rất dễ bị chấn thương. Thi đấu liên tục và không có thời gian nào để nghỉ ngơi như thế khiến tôi có những lúc thi đấu mà cứ như người mộng du. Lúc ngủ cũng mơ thấy đang thi đấu. Nhiều lúc thấy trái bóng là tôi lại phát... hoảng!”.
T.Th

Tin cùng chuyên mục