Những tấm gương “nghìn việc tốt”

Để biểu dương những tấm gương trong phong trào Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác dạy, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ, vừa qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Liên hoan Dũng sĩ nghìn việc tốt toàn quốc 2009. Hàng trăm thiếu nhi đã được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ nghìn việc tốt” với những việc tốt xúc động lòng người.
Những tấm gương “nghìn việc tốt”

Để biểu dương những tấm gương trong phong trào Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác dạy, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ, vừa qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Liên hoan Dũng sĩ nghìn việc tốt toàn quốc 2009. Hàng trăm thiếu nhi đã được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ nghìn việc tốt” với những việc tốt xúc động lòng người.

  • Dương Hiếu Trung - Cứu người thoát khỏi ngọn lửa tử thần

Trung là học sinh lớp 8A5 Trường THCS Nguyễn Huệ, quận 4, TP Hồ Chí Minh. 8 năm liền Trung là học sinh giỏi và cháu ngoan Bác Hồ. Ngoài ra, Trung còn học thêm môn võ taekwondo và đã giành huy chương bạc Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố năm 2004 - 2005. Không chỉ học giỏi, Trung còn là một cậu bé rất dũng cảm.

Trong một lần xảy ra hỏa hoạn tại hẻm 88 đường Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4, Trung đã cùng 2 người nữa lao vào ngôi nhà đang bốc cháy để giải cứu cho một cụ già. Nhà cụ già ở sát nhà đối diện nhà Trung, bà đã gần 80 tuổi và ở nhà một mình. Trung vẫn hay gọi bà là “ngoại”. Khi nhìn thấy bà nằm ngất đi trên ghế, thấy hai người lao vào cứu bà Trung cũng lao vào theo vì nghĩ chắc chắn hai chú đó cần sự giúp đỡ.

Khi đưa được bà cụ ra ngoài, Trung bị bỏng nhẹ ở tay, nhưng Trung cứ thương mãi chú Huyền, người đã chết ngạt khi lao vào ngọn lửa cứu bà cụ.

  • A Byưh và A Trâm - Biểu tượng đẹp của tình bạn vượt khó
Đôi bạn A Byưh và A Trâm tại lễ tuyên dương Dũng sĩ nghìn việc tốt.

Đôi bạn A Byưh và A Trâm tại lễ tuyên dương Dũng sĩ nghìn việc tốt.

A Byưh và A Trâm là học sinh lớp 7 Trường THCS YaChim, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Gia đình 2 em đều rất khó khăn, cuộc sống chỉ trông chờ vào đồng tiền công đi cạo mủ cao su của bố mẹ. A Trâm sống với mẹ, dù đôi chân và cánh tay trái đã bị liệt từ nhỏ nhưng rất ham học. Thấy thế, hàng ngày, cậu bé A Byưh đã đến nhà A Trâm để cõng bạn đến trường. A Byưh đã cõng A Trâm suốt 5 năm học liền như thế.

Cực nhất là những ngày mưa, con đường đất dài gần nửa cây số đến trường trơn trượt, lầy lội. A Byưh phải bấm móng chân, dò từng bước. Đến lớp, cả 2 đều ướt sũng và áo quần nhem nhuốc. Dù vậy, 2 bạn không chịu bỏ lỡ một buổi học nào.

Khi cả 2 lên lớp 6 thì A Trâm nặng 24 kg và con đường đến trường dài thêm 5km. Vậy là cậu bé A Byưh xin bố mẹ mua xe đạp để tiếp tục đưa bạn đến trường.

Xúc động trước tấm lòng của A Byưh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi thư khen. Trong thư của Chủ tịch nước có đoạn: “Bác rất xúc động được biết trong suốt 5 năm qua, cháu A Byưh đã không quản ngại khó khăn vất vả, dù trời nắng hay mưa vẫn hàng ngày cõng bạn A Trâm đến trường. Bác biểu dương và khen ngợi việc làm cao đẹp của cháu A Byưh, tinh thần ý chí vượt khó, vươn lên trong học tập của cháu A Trâm. Tình bạn trong sáng hết lòng yêu thương đùm bọc lẫn nhau của hai cháu là tấm gương sáng để học sinh cả nước noi theo.”

Tại Liên hoan Dũng sĩ nghìn việc tốt, cả A Byưh và A Trâm đều đã được Trung ương Đoàn trao chứng nhận “Dũng sĩ nghìn việc tốt”. Khi được hỏi cõng bạn có mệt không? A Byưh chỉ trả lời rất chân thành “Có mệt”.

  • Lê Ngọc Gia Bảo - Không tham của rơi

Lê Ngọc Gia Bảo học lớp 6B Trường THCS Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Trong gia đình Bảo, bố là nhân viên bảo vệ ngân hàng, mẹ nấu cơm cho siêu thị Sài Đồng B. Gia Bảo là con độc nhất vì mẹ em mắc bệnh nên không sinh được nữa. Có lần bà Bảo đánh mất 500 ngàn đồng mà buồn, ốm mấy năm trời. Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn như thế nhưng Gia Bảo luôn nghe theo lời dạy của ba “nhặt được của rơi trả lại người mất”.

Một hôm trên đường đi học về Bảo nhặt được một chiếc túi, giở ra thì thấy có hơn 1.500 đô la, một xấp dày tiền 500 ngàn đồng, 1 dây vàng 1 chỉ, 4 chìa khóa kết, 3 thẻ rút tiền và nhiều giấy tờ quan trọng. Đó là một số tiền rất lớn đối với gia đình Bảo. Nhưng nghĩ đến nỗi lo lắng của người bị mất của, cũng như bà mình, Bảo liền đem số tiền nhặt được đến báo với nhà trường để trả lại cho người mất.

Cô Hiền, người làng Hoàng Long, xã Đặng Xá vui mừng đến chảy nước mắt khi được nhận lại túi đồ bị mất. Cô đã dành một số tiền nhỏ tặng cậu học trò tốt bụng, còn lại tiền để chi trả viện phí cho người mẹ đang bị bệnh nặng và trả nợ cho gia đình. Bảo tâm sự: “Chưa bao giờ em thấy vui như thế!”.

Hòa Bình

Thoại Sơn - huyện có hộ dân treo ảnh Bác Hồ nhiều nhất Việt Nam

Ngày 23-8, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đã đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động do Chủ tịch nước phong tặng vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo từ năm 1999 - 2008, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 10 năm, địa phương danh dự mang tên danh nhân Thoại Ngọc Hầu đón nhận danh hiệu anh hùng.

Dịp này, huyện Thoại Sơn cũng nhận cúp và giấy xác lập kỷ lục “Huyện có hộ dân treo ảnh Bác Hồ nhiều nhất Việt Nam” do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam chứng nhận. Được biết, nhân kỷ niệm 119 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, huyện Thoại Sơn đã phát động phong trào “Toàn dân treo ảnh Bác Hồ”. Chỉ sau hơn một tháng phát động, đã có 33.670/34.178 hộ dân treo ảnh Bác Hồ ở nơi trang trọng, đạt 98,51% tổng số hộ dân.

L.Chinh

Tin cùng chuyên mục