US Open 2006

Những tay vợt kiên cường

Những tay vợt kiên cường ảnh 1
Blake – tay vợt số 1 nước Mỹ và bộ quần áo thi đấu thời trang.

Cố gắng của “ông già” Andre Agassi đã tạo ra niềm cảm hứng lớn lao cho các tay vợt người Mỹ khác. Từ Andy Roddick, James Blake, Robby Ginepri cho đến Vince Spaeda… mỗi người đều đang tỏ ra rất kiên cường theo cách riêng của mình!

Với sự hiện diện của cả thảy 12 tay vợt ở vòng đấu chính đơn nam, việc chỉ còn 5 đại diện ở vòng 1/32 rõ ràng không phải là một chiến tích quá đỗi tự hào với quần vợt Mỹ tại Grand Slam ngay trên sân nhà. Thế nhưng, nếu xem xét kỹ những thành tích gần đây của quần vợt Mỹ – nền quần vợt hàng đầu thế giới – người ta có thể nhìn thấy những cố gắng rất đáng khen ngợi từ phía các đại diện chủ nhà.

Là thế hệ tiếp sau những tài năng từng làm chấn động thế giới quần vợt như Pete Sampras, Jim Courier, Michael Chang… trọng trách trên vai những người trẻ tuổi như Roddick, Ginepri, Blake và Spaeda là quá nặng nề. Tất nhiên, cho đến thời điểm này, những tay vợt thế hệ trẻ của nước Mỹ vẫn chưa tạo ra nhiều dấu ấn thật rõ nét. Roddick từng là số 1 thế giới cách đây 3 năm, nhưng giờ đây, anh đang gặp nhiều khó khăn. Blake hiện xếp hạng 5 thế giới, nhưng điều đó không ngăn anh… thi đấu thất thường. US Open 2006 là cơ hội lớn để các tay vợt Mỹ chứng tỏ họ đang trở lại.

Roddick chỉ trải qua những trận đấu dễ dàng. Ở vòng 1, anh thắng Florent Serra (Pháp) 3 ván trắng. Sau đó ở vòng 2, anh tiếp tục thắng Kristian Pless (Đan Mạch) cũng bằng 3 ván trắng. Nếu không có gì trở ngại, Roddick sẽ gặp… Agassi ở trận đấu thuộc vòng 1/16. Người Mỹ đang rất nóng lòng chờ Roddick vượt qua đối thủ của anh ở vòng 1/32 và Agassi đánh bại Benjamin Becker (Đức).

Mùa giải trước là một mùa giải đáng nhớ với tay vợt 23 tuổi Ginepri. Đáng nhớ vì sau nửa đầu mùa giải chìm nghỉm trong… tăm tối, cái tên Ginepri lại được mọi người nhắc đến sau những chiến công bất ngờ vào mùa hè ngay trên quê nhà. Hồi đó, dư luận đã gán cho anh biệt danh “nhị độ mai” để diễn tả một tay vợt đang sống với mùa xuân thứ hai trong sự nghiệp sau khi tưởng chừng sẽ mãi mãi rơi vào quên lãng. Đỉnh điểm ở mùa giải năm ngoái chính là sự kiện Ginepri lọt đến trận bán kết US Open và chỉ chịu dừng bước trước… Agassi.

Tuy vậy, phong độ Ginepri lại sụt giảm trong phần lớn thời gian mùa giải 2006. Cho đến khi tham dự Wimbledon, anh chỉ thắng 6 trong số 15 giải đấu. Thành tích của Ginepri có khá hơn khi bước vào vòng đấu mùa hè. Chiến thắng mới nhất trước đồng hương Paul Goldstein bằng 3 ván trắng khiến cho Ginepri ít nhiều cảm thấy tự tin trở lại. Và người Mỹ đang rất muốn tin rằng Ginepri sẽ lại kiên cường như anh đã từng cách đây 1 năm.

Agassi đã gián tiếp giúp Blake giành chiến thắng trong trận đấu với tay vợt người Nga Teimuraz Gabashvili. Trong suốt trận đấu, khán giả trên khán đài không ngớt hô vang: “Andre, Andre”. Tinh thần của Agassi đã là một niềm cảm hứng xuyên suốt chiến thắng áp đảo 3-0 (6/3, 6/4, 7/6) của Blake.

Và những ngôn từ hùng hồn đã trở lại trên môi tay vợt người Mỹ da màu này: “Tôi biết tôi đã tìm thấy lại mục tiêu của mình. Là một tay vợt nằm trong tốp 10 thế giới, hiện là tay vợt số 1 nước Mỹ, với tất cả những vị thế kiểu này, tôi biết áp lực đang quay trở lại đè lên đôi vai của tôi. Nhưng tôi chấp nhận vì có áp lực, nghĩa là bạn đã ít nhiều thành công”.

Dù không được xếp hạt giống, Spaeda vẫn vượt qua tay vợt Jonas Bjorkman (Thụy Điển, hạt giống số 29, từng vô địch giải Việt Nam mở rộng năm 2005) trong trận đấu một chiều dài vỏn vẹn 3 ván đấu. Spaeda sẽ gặp Roger Federer ở vòng sau. Thế nào cũng được, anh đang là một trong những tay vợt khá kiên cường.

Khán giả nước chủ nhà đang hy vọng có một tay vợt như thế hiện diện trong trận đấu chung kết US open 2006.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục