Phát biểu trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng ngày 29-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (đang ở thăm Mỹ) khẳng định Mỹ và Nhật Bản đều không phản đối sự hình thành của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) mà Trung Quốc khởi xướng vì thể chế này rất quan trọng và sẽ có lợi cho châu Á.
Cả ông Obama và ông Abe đều không nói rằng Mỹ và Nhật Bản sẽ gia nhập AIIB, nhưng tuyên bố sẽ hợp tác với ngân hàng này nếu AIIB đạt được tiêu chuẩn quản lý cao và minh bạch, có các dự án và tiêu chuẩn cho vay tốt.
Cho tới nay, 57 nước đã được chấp thuận làm thành viên sáng lập của AIIB. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia “một AIIB lớn hơn” không có nghĩa là “một AIIB tốt hơn”. Nhiều thành viên hơn, đặc biệt là các nước có nền kinh tế phát triển, sẽ làm “loãng” sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong tổ chức tài chính đa phương này. Với mong muốn đóng góp đến 49% vốn cho AIIB thì việc Trung Quốc sẽ nắm giữ vai trò lãnh đạo, chi phối hoạt động của thể chế này là không thể chối cãi. Tuy nhiên, khi càng nhiều nước giàu tham gia với vai trò thành viên sáng lập, thì phần góp vốn của Trung Quốc bắt buộc phải giảm. Thực tế này sẽ mở ra những thách thức của một sự cân bằng thể chế.
Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những nỗ lực cân bằng thể chế từ những nước phát triển giàu có như Anh, Đức, Pháp và Australia... Trung Quốc sẽ không là quốc gia đặt ra tất cả những điều lệ và chuẩn mực cho AIIB bởi trọng trách của các nước giàu khi tham gia vào thành viên sáng lập của AIIB là nhằm đảm bảo rằng “AIIB hoạt động một cách minh bạch”. Họ sẽ nói “không” nếu cách thức quản lý của AIIB không đáp ứng các tiêu chuẩn cao như của Ngân hàng Thế giới (WB) và các ngân hàng phát triển trong khu vực. EastAsiaForum dẫn nhận định của ông Kai He, Phó giáo sư Khoa học chính trị của Trường ĐH Copenhagen, tác giả của nhiều bài phân tích chính trị nổi tiếng - cho rằng, có thể sẽ xảy ra một cuộc chiến nội bộ giữa Trung Quốc và các nước phát triển về việc thiết lập chương trình nghị sự, lập ra những điều lệ, quy tắc... của AIIB. Mặc dù cân bằng thể chế và cạnh tranh là cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của AIIB trong dài hạn, nhưng những thách thức thể chế trong ngắn hạn sẽ là phép thử khả năng lãnh đạo của Trung Quốc đối với hệ thống tài chính toàn cầu, theo đó Bắc Kinh cần thiết phải tìm được sự cân bằng giữa các bộ phận, đặc biệt là giữa các nước giàu và nước nghèo.
AIIB có thể xem là một chiến lược cân bằng thể chế duy nhất của Trung Quốc đối kháng với Mỹ. Sự thành công của AIIB không có nghĩa là chấm dứt vị trí lãnh đạo số 1 của Mỹ hiện nay, nhưng nó chắc chắn sẽ cướp đi “tiếng thét” của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa tuyên bố AIIB sẽ phối hợp với các tổ chức tài chính đa phương khác như WB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) như thế nào. Những khó khăn cùng với những mâu thuẫn tiềm tàng trong nội bộ AIIB có thể kéo Trung Quốc vào một cuộc chơi bất tận của những cuộc đàm phán, thương lượng, thỏa hiệp... Do vậy, Bắc Kinh phải chuẩn bị kỹ càng để tham gia một “trò chơi có tính tổ chức cao”. Bởi nếu AIIB hoạt động không hiệu quả, sự thiệt hại về danh tiếng và kinh tế là tổn thất mà Bắc Kinh không thể tránh khỏi.
HẠNH CHI