30 năm thể thao TP.HCM

Những tháng ngày đầu tiên sau giải phóng

Đúng 3 giờ sáng 24-6-1975, 42 cán bộ TDTT sau 20 ngày dự lớp bồi dưỡng tổ chức tại sân Hàng Đẫy (Hà Nội) đã lên chiếc IFA để nhận nhiệm vụ quan trọng: “Tiếp quản thể thao miền Nam”. Sau khi qua cầu Hiền Lương, đoàn bắt đầu cuộc “rải quân” tiếp quản các cơ sở TDTT tại Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, … để đúng 18 giờ chiều 29-6-1975 có mặt tại Sài Gòn.

Những tháng ngày đầu tiên sau giải phóng ảnh 1

16 cán bộ đầu tiên nhận nhiệm vụ tiếp quản thành phố nay có người còn, kẻ mất có thể dẫn ra vài cái tên quen thuộc như Trương Tấn Bửu, Lê Bửu, Nguyễn Thanh Toàn, Phạm Văn Kiết, Nguyễn Vĩnh Hoạt, Nguyễn Văn Muộn, Trần Phong, … sau một ngày nghỉ ngơi cho lại sức đã tỏa đi khắp nơi bắt đầu công tác của mình. Trụ sở của đoàn khi ấy nằm ngay trong văn phòng Trung ương Đoàn TNCS HCM, là tòa nhà lớn nằm ở góc đường Tú Xương-Trương Định (Quận 3), nay là khu văn phòng Saigon Software.

Lệnh trên rất nghiêm: “Không được nhận bất cứ quà cáp, biếu xén gì của dân, không gây phiền hà cho dân và không có tư tưởng trả thù”.

Mọi người tuyệt đối chấp hành. Việc tiếp quản các cơ sở vật chất là nhiệm vụ đầu tiên được tiến hành một cách khẩn trương trên cơ sở vận động, thuyết phục. Một số chủ cơ sở thể thao tư nhân sau khi hiểu được đường lối đúng đắn của chính quyền Cách mạng đã sẵn sàng hiến tặng cơ sở của mình.

Lần lượt các cơ sở thể thao như sân Cộng Hòa, CLB Phan Đình Phùng, sân Kỵ Mã, hồ bơi Quận 6, Thủ Đức, CLB thể thao dưới nước Thanh Đa, rồi sân Hoa Lư, khu vực trường đua Phú Thọ, CLB Cerle Sportif … được ngành TDTT thành phố vốn còn non trẻ tiếp quản và đưa vào sử dụng đúng mục đích.

Kỷ niệm khó quên nhất khi ấy liên quan đến bóng đá. Đó là khoảng tháng 7-1975, Tổng cục phó Tổng cục TDTT Tạ Quang Chiến nhân chuyến thăm sân bóng lớn nhất miền Nam lần đầu tiên nghe đề nghị của Phó giám đốc Sở TDTT Lê Bửu muốn đổi tên sân Cộng Hòa thành sân Thống Nhất. Sau đó, việc này được trình bày với đồng chí Võ Văn Kiệt và được chấp thuận ngay.

Tháng 10-1975, thể thao thành phố nhận quyết định chính thức thành lập Sở TDTT, khi ấy còn mang tên Sài Gòn-Gia Định, do hai đồng chí Trương Tấn Bửu làm Giám đốc và Lê Bửu làm Phó giám đốc. Trụ sở dời về Cerle (nay là Cung văn hóa Lao động TP).

Theo lời kể của đồng chí Lê Bửu thì nhiệm vụ được giao khi ấy rất cụ thể. Ngoài việc tiếp quản cơ sở vật chất, TDTT thành phố còn tiếp quản nhân sự với trên 600 người, mà đa số là anh em cũ quyết định ở lại tiếp tục làm công tác TDTT với chế độ mới.

Minh Hùng

Tin cùng chuyên mục