Những thanh niên làm công không… tiền

San sẻ ngày công, giúp nhau dựng nhà
Những thanh niên làm công không… tiền

Trong thời buổi khốn khó, tự lo nuôi thân đã vã mồ hôi, nhưng nhiều người vẫn nghĩ ra cách để giúp người, giúp đời. Ở xứ Quảng, nhiều bạn trẻ nghĩ ra cách làm “không giống ai” để giúp người nghèo...

San sẻ ngày công, giúp nhau dựng nhà

Thành lập được hơn 1 năm nhưng tổ hợp tác thanh niên (thôn Phước An 2, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã xây dựng được nhiều ngôi nhà nhân ái tặng người nghèo và tất cả đều không lấy tiền công xây dựng. “Mỗi căn nhà có thể giảm 15 - 20 triệu đồng tiền công”, đó là con số được anh Nguyễn Ngọc Danh (tổ trưởng) đưa ra khi nói về lợi ích của mô hình tổ hợp tác do anh khởi xướng.

Tháng 3-2014, gia đình anh Nguyễn Ngọc Tụa (người thôn Phước An 2) tu sửa ngôi nhà đang xuống cấp nghiêm trọng. Thấy hoàn cảnh anh khó khăn nên anh Danh cùng các anh Hoàng Kim Hoài, Lê Minh Trung quyết định gác lại công trình đã nhận, tập trung giúp Tụa sửa sang lại nhà cửa miễn phí. Sau khi công việc hoàn thành, anh Tụa cũng tham gia vào tổ của anh Danh đồng tâm sẵn sàng san sẻ ngày công cho nhau nếu ai đó có nhu cầu xây dựng.

Tổ “làm công không tiền” ở xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam xây nhà giúp dân. Ảnh: QUANG QUỲNH

Sau công trình mang đậm tinh thần “tương thân tương ái” này, tổ nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của nhiều tay thợ xây khác trên địa bàn xã. Đến nay đã lên đến 30 người, tuổi từ 20 đến 35 và tất cả làm việc dựa trên tinh thần tự nguyện theo đúng câu khẩu hiệu mà tổ đề ra: “San sẻ ngày công, giúp nhau dựng nhà”. Nhiều thành viên cũng nhờ tham gia tổ này mà học hỏi được nhiều kinh nghiệm, nâng cao tay nghề. Anh Hoàng Kim Thuận (27 tuổi, thành viên tích cực trong tổ hợp tác) tâm sự: “Lúc đầu tham gia vào tổ, tôi chỉ phụ việc chứ chưa biết cầm bay, cầm thước. Nhưng rồi dần dà tôi học hỏi mấy anh lớn hơn, giờ cũng thành thợ rồi. Hồi trước tôi cũng từng nghĩ tham gia vào nhóm làm không công thì lấy gì mà sống. Nhưng sau khi gia nhập, được anh em trong nhóm tạo điều kiện tham gia thi công các công trình nên công việc ổn định. Bây giờ mình vừa có thể kiếm tiền thi công các công trình ở ngoài vừa có thể giúp công xây dựng nhà cho các gia đình khó khăn trong tổ”. Từ ngày thành lập đến nay, đã có 15 căn nhà của các thành viên được xây dựng nhờ tổ hợp tác và tình nguyện xây nhà miễn phí cho một số hộ dân khó khăn, người già neo đơn trên địa bàn xã.

Ngày công giá rẻ

Thôn Đông Xuân (xã Tam Giang, huyện Núi Thành) là một bãi ngang ven biển. Người dân sống chủ yếu dựa vào nghề biển và sản xuất nông nghiệp. Trước những khó khăn về nhân công lao động, nhất là vào những lúc vụ mùa, Chi đoàn thôn Đông Xuân đã triển khai mô hình “Ngày công giá rẻ” để đỡ đần nhau.

Được thành lập vào tháng 3-2013, ban đầu nhóm chỉ có 10 thành viên. Nhiệm vụ chính của nhóm là giúp đỡ bà con nhân dân có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, gia đình chính sách bằng những công việc cụ thể như: sửa sang đất ruộng, bờ đập, tham gia thu hoạch vụ mùa... với ngày công lao động chỉ bằng 1/3 ngày công bình thường. Anh Ngô Thái Dương, Bí thư Chi đoàn Dân quân cơ động, Trưởng nhóm cho biết: “Phương châm hoạt động của nhóm là lấy sức trẻ giúp dân, để dành kinh phí giúp trẻ em nghèo vượt khó”. Cũng từ phương châm đơn giản và ý nghĩa ấy, gần 3 năm qua, nhóm “Ngày công giá rẻ” đã giúp đỡ, hỗ trợ sản xuất, thu hoạch mùa vụ cho hơn 100 hộ gia đình, trong đó chủ yếu là người già neo đơn, gia đình có công với cách mạng. Như trường hợp của bà Trần Thị Lân (là người có công với cách mạng, hiện sống một mình) được nhóm đến gặt lúa với mức giá 120.000 đồng/sào, trong khi giá tiền công phổ thông cho việc cắt 1 sào lúa là 400.000 đồng. Cuốc 1 sào đất thì chỉ lấy 60.000 đồng, trong khi giá thực tế đến 250.000 đồng/sào. “Các cháu nhiệt tình lắm, cắt lúa xong còn vận chuyển về tận nhà giúp bà. Quý giá hơn nữa là các cháu không tính toán gì, số tiền công nhận được thì đem giúp học sinh nghèo” bà Trần Thị Lân vui vẻ cho biết.

Cũng như bà Trần Thị Lân, gia đình bà Trần Thị Sáu cũng là gia đình có công với cách mạng, thường xuyên được nhóm “Ngày công giá rẻ” đến hỗ trợ. Nói về quá trình hỗ trợ của các bạn thanh niên, bà Sáu luôn cảm thấy ấm lòng bởi thanh niên đã tự nguyện đến giúp đỡ bằng sự quan tâm, tri ân chân thành. Đây còn là tình cảm của rất nhiều bà con và đoàn viên, thanh niên đối với một gia đình có nhiều người đóng góp cho cách mạng.

Nhóm còn tham gia rất nhiều hoạt động an sinh xã hội, xã hội tình nguyện khác như: tổ chức trại hè truyền thống, vận động thanh niên địa phương thu gom rác thải, dọn vệ sinh môi trường ở các điểm công cộng và đường làng ngõ xóm; thăm hỏi, giúp đỡ, tặng sách giáo khoa, tập vở, bút viết, áo trắng cho các em học sinh khó khăn... Kinh phí để thực hiện các chương trình này chính từ số tiền công lao động của các thanh niên trong nhóm tiết kiệm, để dành trong suốt quá trình lao động. Nhóm đã thu hút nhiều bạn thanh niên cùng tham gia. Đến nay, số lượng thành viên nhóm luôn duy trì số lượng là 22 với nhiều hoạt động an sinh xã hội, xã hội tình nguyện rộng rãi khác.

NGUYÊN KHÔI - QUANG QUỲNH

Tin cùng chuyên mục